Chịu đựng COVID-19 qua một mùa quyết toán thuế, doanh nghiệp vẫn như cá trên thớt chờ kết cục hồi tố Nghị định 20

Điều các doanh nghiệp mong mỏi nhất là việc sửa đổi các điểm chưa hợp lí trong Nghị định 20/2017/NĐ-CP và hồi tố theo qui định mới vẫn chưa được quyết định, sau nhiều lần kiến nghị, dự họp.
Chịu đựng COVID-19 qua một mùa quyết toán thuế, doanh nghiệp vẫn như cá trên thớt chờ kết cục hồi tố Nghị định 20 - Ảnh 1.

Ít có qui định nào nhận được nhiều phản biện sau khi ban hành như Nghị định 20. Ảnh: Công luận.

Lợi ích chính đáng của DN không phải là lợi ích xã hội?

Mới đây nhất, hôm qua 3/4, Bộ Tài chính đã có báo cáo gửi Thủ tướng về quan điểm thực hiện hồi tố khi áp dụng Nghị định sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 8 (Nghị định sửa đổi) Nghị định 20/2017/NĐ-CP (Nghị định 20).

Theo đó, bộ này vẫn bảo lưu quan điểm không hồi tố khi áp dụng Nghị định sửa đổi dự kiến ban hành trong thời gian tới.

Cụ thể, các điểm ưu việt được sửa đổi từ Nghị định 20 'gây bão' trong cộng đồng DN trong thời gian qua sẽ không được áp dụng cho các kì tính thuế 2017 và 2018: nới trần mức khống chế chi phí lãi vay từ 20% lên 30%, cho phép tính lãi thuần (chi phí lãi vay trừ lãi tiền gửi, lãi cho vay), cho chuyển chi phí lãi vay sang kì tính thuế tiếp theo trong 5 năm nếu EBITDA âm.

Điều này được các DN đón nhận trong sự bất ngờ và thất vọng, bởi trước đó, việc tiếp thu, giải trình ý kiến thành viên Chính phủ cho thấy, có 19/22 ý kiến của các thành viên Chính phủ ủng hộ việc hồi tố nói trên.

Trước đó, kiến nghị sửa đổi và hồi tố đã được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp và giới chuyên gia kinh tế nêu ra trong nhiều văn bản và các cuộc họp trong suốt gần 3 năm qua, tính từ khi Nghị định 20 có hiệu lực và DN bắt đầu 'ngấm' thiệt hại.

Lí giải cho quan điểm không hồi tố, Bộ Tài chính cho rằng Nghị định sửa đổi chỉ áp dụng với các DN có chi phí lãi vay vượt mức khống chế, không phải là lợi ích chung của xã hội nên không hồi tố theo Luật Ban hành văn bản pháp luật 2015.

Ngoài ra, với số tiền thuế các DN phải nộp 'oan' trong hai năm 2017 và 2018 lên tới 4.875 tỉ đồng, Bộ Tài chính sợ phải bồi hoàn cho người nộp thuế, cũng như lo ngại phát sinh tiêu cực tiêu cực trong thực hiện, thanh kiểm tra của cán bộ ngành thuế.

Mặc dù Luật quản lí thuế có qui định cho phép DN nộp thừa thuế khấu trừ vào tiền nộp thuế của các năm tiếp theo, nhưng Bộ Tài chính kiên quyết cho rằng qui định đó không áp dụng với trường hợp tăng thuế do chính sách thay đổi.

Như vậy, một điều khoản thiếu cân nhắc trong Nghị định 20 đã khiến hơn 1.000 DN mất đi gần 5.000 tỉ, nhưng các nỗ lực phản hồi, kiến nghị của các bên có thể chỉ dẫn đến sự thay đổi sau gần 3 năm và không được bồi hoàn.

'Sửa sai, phải sửa tận gốc'

Văn phòng Chính phủ (VPCP), nơi nhận được rất nhiều kiến nghị của các bên chịu thiệt hại, có quan điểm giống với đại đa số thành viên Chính phủ, và khác với Bộ Tài chính về vấn đề hồi tố Nghị định sửa đổi.

Trong báo cáo thẩm tra trình Chính phủ, VPCP dẫn ý kiến của Bộ Tư pháp, cho biết việc hồi tố hay không hồi tố trong trường hợp này không có vướng mắc pháp lí, chủ yếu phụ thuộc quan điểm về chính sách.

VPCP cũng dẫn Luật Quản lí thuế để khẳng định rằng không có phân biệt việc xử lí số thuế nộp dư do nguyên nhân nào, DN kê khai thừa hay cơ quan thuế ấn định thừa.

Theo đó, trong trường hợp này nếu hồi tố và xác định khoản nộp dư, có thể cho DN khấu trừ vào các kì nộp thuế tiếp theo, không phải hoàn trả thuế một lần. Thực tế, tiền lệ chính sách đã cho thấy có trường hợp áp dụng hồi tố và khấu trừ hoặc hoàn lại thuế thu nhập doanh nghiệp nộp thừa theo Nghị định 91 (2014).

VPCP cũng chỉ rõ, trong trường hợp hồi tố, chính sách đã rõ ràng và minh bạch, việc giám sát, quản lí để ngăn chặn tiêu cực là trách nhiệm của ngành thuế.

Các chuyên gia kinh tế cũng có chung nhận định, khi đã sửa qui định vì áp đặt thiếu hợp lí thì cần sửa tận gốc, minh bạch với DN.

Bên lề hội nghị về thuế do VCCI tổ chức cuối năm ngoái, Luật sư Trần Xoa cho rằng kiến nghị hồi tố là là chính đáng, vì trong 3 năm các DN đã thiệt hại quá nhiều.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong nhận xét, Bộ Tài chính đã không xem xét thỏa đáng chính điều Luật Ban hành văn bản pháp luật, khi không xét tới vế "thực hiện các quyền, lợi ích của các cá nhân, tổ chức". Ông Phong cũng không đồng tình với việc sợ phát sinh tiêu cực khi hồi tố, cho rằng quản lí và xử lí tiêu cực là trách nhiệm cần làm.

Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, cố vấn cấp cao của nhiều ngân hàng và quỹ đầu tư, cũng cho rằng, khi áp dụng một chính sách chung thống nhất, minh bạch theo sổ sách kế toán thì không lo ngại phát sinh tiêu cực, xin cho.

Ông Hiếu nhấn mạnh, chính sách không nên đẩy khó cho DN. Cụ thể, nếu DN có lãi và đóng thuế trong các năm tiếp theo thì được khấu trừ. Nếu DN thua lỗ, nhà nước có thể hoàn dần thuế qua các kì, không làm phát sinh ngay áp lực ngân sách.

Một điều gốc rễ, là phải nhìn lại mục tiêu ban đầu của Nghị định 20. Điều này đã được các DN, hiệp hội và cả các chuyên gia kinh tế của Ngân hàng thế giới (WB) và các công ty kiểm toán nhắc đến nhiều lần: mục tiêu chống chuyển giá, trốn thuế thường xảy ra với các DN nước ngoài thông qua các giao dịch xuyên biên giới.

Tại hội nghị giữa Thử tướng với các DN tư nhân diễn ra trung tuần tháng 3 vừa qua, bà Hương Trần Kiều Dung - lúc đó là Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC cho rằng, khi áp dụng vào thực tế, Nghị định 20 lại gây ảnh hưởng nặng nề cho các DN nội, đặc biệt là các DN có mô hình mẹ - con, holdings. Đây không phải là các đối tượng có động cơ và năng lực chuyển giá.

Việc Chính phủ nâng gói hỗ trợ tài khóa lên khoảng 180.000 tỉ cho nền kinh tế đang chống chịu với tác động của dịch bệnh COVID-19, các động thái hạ lãi suất cho vay của các NHTM đang tạo sự trấn tĩnh rõ nét cho khối DN và thị trường chứng khoán.

Việc hồi tố để sửa sai một điều khoản áp đặt trong Nghị định 20 được giới chuyên gia và DN kì vọng là sự nhất quán và đồng bộ trong quan điểm hỗ trợ của Chính phủ.

chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.