“Thành phần chính của vắc xin là nhôm đó, nhôm đó. Không phải là vi khuẩn hay virus gì gì đâu.”
“Mọi người đừng nghĩ rằng con được tiêm mới là tốt, không tiêm kháng thể của con tốt hơn.”
“Không tiêm tớ càng mừng ấy, bé nhà tớ cũng không tiêm. Tớ không tiêm cho con.”
“Con mình 4 tháng rồi, chót dại tiêm mũi viêm gan B, vitamin K và lao lúc 20 ngày, bây giờ không tiêm nữa. Mẹ nó có đọc 1 bài hôm qua đăng hệ quả của mũi lão phải chích hạch ở nách chưa? Hệ quả của tiêm vắc xin đó.”
“Bạn chưa tìm hiểu hết về vắc xin rồi. Mỗi người một quan điểm bạn nhé. Tớ không sợ con bệnh mà tớ sợ con tiêm vào rồi bị hệ quả của vắc xin đáng sợ hơn. Bạn tìm hiểu xem thành phần chính của vắc xin là gì nhé! Bạn cứ tìm hiểu thôi. Còn tớ thì tớ theo quan điểm của mình.”
“Tớ mong bỏ vắc xin đi cho nhiều trẻ không bị bại liệt hệ thần kinh sau tiêm, không bị khóc thét sau tiêm, không nổi mề đay sau tiêm hay sốc phản vệ sau tiêm mà chết.”
Đó là một loạt những bình luận của người mẹ có nickname M.H quyết theo phong trào “Anti vắc xin” đang gây bức xúc trong cộng đồng các mẹ bỉm sữa. Không rõ người mẹ này đọc được từ nguồn tài liệu nào, nhưng nhất quyết khẳng định rằng thành phần chính của vắc xin là nhôm và tiêm vắc xin là một cách làm hại con của mình.
Có lẽ vì quá bức xúc với những quan điểm đi ngược số đông này nên một bà mẹ khác đã đăng tải lên một group chuyên dành cho hội bỉm sữa. Dù vừa mới đăng lên chỉ vài tiếng đồng hồ, nhưng ngay lập tức bài viết đã thu hút đến hàng nghìn bình luận của các bà mẹ khác.
Trào lưu “Anti vắc xin” có thể làm bùng phát nhanh chóng các dịch bệnh (Ảnh: Thanh Niên) |
Phần lớn các bà mẹ đều lên tiếng chỉ trích dữ dội suy nghĩ lệch lạc của người mẹ này, và cảm thấy thương xót cho em bé khi không được mẹ của mình cho đi tiêm vắc xin để phòng các căn bệnh nguy hiểm.
“Những người thế này không ảnh hưởng mỗi con của họ thôi đâu các mom. Theo như mình biết thì không tiêm vắc xin là ảnh hưởng đến cộng đồng nữa. Vì khi nhiễm bệnh và dùng kháng sinh hoặc các phương pháp chữa khác thì rất dễ sinh ra các loại virus, vi khuẩn kháng kháng sinh liều cao. Hoặc vi khuẩn, virus biến thể cực nguy hiểm và có thể lây lan trong cộng đồng.” – nickname N.P
“Sau này nhỡ bị mắc bệnh do không tiêm vắc xin thì sao? Trước mình thấy có mẹ không tiêm cho con vì sợ phản ứng sốt sau khi tiêm, bảo là tiêm không được gì mà về lại còn sốt.” – nickname N.P.A
“Xã hội đang đi lên và có những người lại thích thụt lùi.” – nickname H.L
“Cái gì cũng có 2 mặt. Khi bạn đưa một thứ vào cơ thể người thì việc có thể xảy ra dị ứng hay phản ứng là điều đương nhiên . Không có gì 100% an toàn. Nhưng việc tiêm vắc xin là hoàn toàn cần thiết. Vì có những mẹ như bạn M.H kia mà có lúc dịch bệnh tràn lan trở lại và cực nguy hiểm. Thì lúc đó thuốc cũng không chữa được đâu.” – nickname D.P.A
Trong số hàng nghìn bình luận chỉ trích, vẫn có một số hiếm hoi các bà mẹ lên tiếng bênh vực và kiên quyết “anti vắc xin”.
“Mình anti vắc xin khi con mình tiêm và bị biến chứng. Do vắc xin rõ mồn một mà các bác sĩ đều lẩn không đề cập. Tiêm mũi viêm gan B xong men gan tăng gấp mấy lần kèm co giật. Bác sĩ nhi hỏi cho con uống gì mà men gan cao như uống thuốc độc thế này. Cũng may nhờ tin vào điều kỳ diệu nên giờ con đã ổn” – nickname C.H.Y
“Các mẹ đọc hiểu thêm về vắc xin sẽ có nhiều mặt trái và góc khuất lắm. Nó cũng có phần hại chứ không phải tốt 100%. Tuy nhiên nếu chúng ta có điều kiện ăn uống sạch, ăn toàn đồ hữu cơ và tạo dựng cho con được hệ miễn dịch tốt thì không cần tiêm vắc xin cũng được. Còn những ai không có điều kiện như trên thì phải tiêm chủng đầy đủ.” – nickname N.Đ.C
Trào lưu “Anti vắc xin” và những đứa trẻ mãi không còn cơ hội tỉnh dậy
Quan điểm “Anti vắc xin” đã xuất hiện khá lâu, nhưng khoảng vài năm trở lại đây, phong trào “Nuôi con thuận tự nhiên và anti vắc xin” bỗng bùng nổ mạnh hơn tại Việt Nam với hàng loạt các khẩu hiệu như “Anti vắc xin”, “Kiên quyết tẩy chay vắc xin”, “Tiêm vắc xin là tội ác”…
Nhiều báo cáo sai lệch và thiếu căn cứ về vắc xin được lưu truyền trên các mạng xã hội đã làm dấy lên mối lo ngại về các tác dụng phụ và phản ứng của sau tiêm vắc xin. Cũng chính sự lan truyền của các thông tin sai lệch này đã đẩy một bộ phận các phụ huynh tới suy nghĩ không đưa con đi tiêm phòng. Hay cá biệt như bà mẹ M.H này còn cho rằng thành phần chính của vắc xin là nhôm.
Đừng tước đi quyền được bảo vệ sức khỏe của con chỉ vì tin vào những thông tin sai lệch. (Ảnh: Thời đại) |
Hậu quả của phong trào “Anti vắc xin” này là số ca mắc bệnh tăng cao, nguy cơ tử vong ở trẻ khi mắc bệnh rất lớn và nếu chữa được cũng để lại di chứng nặng nề. Còn nhớ vào năm 2014, dịch sởi bùng phát nghiêm trọng ở nước ta bởi phụ huynh không cho con đi tiêm vắc xin phòng sởi. Trong mùa dịch năm đó, đã có rất nhiều những đứa trẻ mãi mãi không còn cơ hội tỉnh lại, chỉ vì suy nghĩ sai lệch của bố mẹ.
Đã có nhiều bài học đắt giá khác, không chỉ ở Việt Nam mà còn cả nước ngoài về việc tẩy chay vắc xin. Thế nhưng đến nay vẫn có rất nhiều người tin vào những nguồn thông tin không chính thống rồi tước đi cơ hội được phòng bệnh của con mình.
Trao đổi trên Infonet, bác sĩ Trương Hữu Khanh, một trong những bác sĩ đầu tiên kêu gọi cộng đồng chống lại trào lưu anti vắc xin trên mạng, trăn trở: “Gần một đời làm nhiễm nhi (bệnh truyền nhiễm ở trẻ con) đã ngấm đòn chăm sóc bệnh nhiễm trong bất lực. Cũng lắc đầu, cũng bực mình vì chuyện không tiêm vắc xin, cũng cảm thông vì thiếu hiểu biết và thiếu thông tin của người dân về vắc xin. Nếu một gia đình anti vắc-xin thì chỉ tội nghiệp cho bé. Nếu anti kiểu nhóm, cùng nhau hùa vào là có tội với một thế hệ, có tội với sức khỏe của dân tộc. Cộng đồng sẽ phải trả giá bằng hàng loạt sinh mạng.”
Lý giải về tầm quan trọng của vắc-xin, PGS.TS. Trần Như Dương, Phó Viện trưởng viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương chia sẻ trên Cổng thông tin Tiêm chủng Quốc gia, vắc xin là một thành tựu Y học vĩ đại của nhân loại. Nó là vũ khí sắc bén, hữu hiệu để phòng chống các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, giảm tỷ lệ tử vong do bệnh truyền nhiễm.
“Bản chất của việc tiêm chủng là sử dụng vắc xin để kích thích cơ thể ra miễn dịch chủ động đặc hiệu chống lại một bệnh truyền nhiễm nhất định. Đến nay, đã có khoảng 30 bệnh truyền nhiễm có vắc xin phòng bệnh và khoảng 190 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đưa văc xin vào sử dụng phổ cập cho người dân và tiêm chủng thực sự có vai trò rất lớn đối với toàn xã hội”, PGS.TS. Trần Như Dương chia sẻ.
Lối sống 02:50 | 22/06/2018
Lối sống 12:00 | 15/06/2018
Lối sống 02:59 | 01/06/2018
Lối sống 11:20 | 24/05/2018
Lối sống 00:14 | 24/05/2018
Lối sống 01:00 | 15/05/2018
Lối sống 04:40 | 10/05/2018
Lối sống 17:00 | 08/05/2018