Ninh Bình sắp mở đường 6.900 tỷ đồng nối Nho Quan, Tam Điệp, Yên Mô ra đường ven biển

Đường kết nối liên vùng giữa Nam đồng bằng sông Hồng - vùng núi Tây Bắc - vùng duyên hải Bắc Trung Bộ (giai đoạn 1) tại Ninh Bình có chiều dài hơn 32 km, với tổng mức đầu tư hơn 6.900 tỷ đồng, dự kiến khởi công ngay năm nay.

Vừa qua, Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng công trình giao thông tỉnh Nình Bình đã công bố Báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án đường kết nối liên vùng giữa Nam đồng bằng sông Hồng - vùng núi Tây Bắc - vùng duyên hải Bắc Trung Bộ (giai đoạn 1).

Theo đó, hiện nay, mạng lưới giao thông tỉnh Ninh Bình đã được đầu tư khá đầy đủ với hệ thống cao tốc Bắc - Nam, các Quốc lộ theo chiều dọc, chiều ngang cùng với hệ thống đường sắt Bắc - Nam qua địa bàn tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

Để kết nối với vùng núi phía Tây Bắc của tỉnh và của đất nước, tỉnh này đã đầu tư xây dựng tuyến đường trục Đông - Tây (giai đoạn 1) nối từ Tam Điệp đến Nho Quan với chiều dài khoảng 22 km với quy mô phân kỳ 4 làn xe đến nay đã cơ bản hoàn thành.

Giai đoạn tiếp theo của dự án từ Kim Sơn đến TP Tam Điệp cũng cần được đầu tư nối liền tuyến từ Đông sang Tây, cùng với các tuyến đường khác trong khu vực sớm nhằm hoàn thiện mạng lưới giao thông vận tải của tỉnh, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội tỉnh và khu vực nói chung.

 

 Tuyến đường Đông - Tây giai đoạn 1 của tỉnh Ninh Bình. (Ảnh: VnEconomy).

Chiều dài hơn 32 km, kết nối cầu vượt sông Đáy - đường Đông - Tây giai đoạn 1

Theo Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng Công trình giao thông tỉnh Ninh Bình (chủ dự án), dự án có tổng chiều dài 32,3 km, cụ thể, điểm đầu nằm tại Km0 (giao với đường ven biển, tại đầu cầu sông Đáy nối Ninh Bình - Nam Định cũ (hiện hà Nam, Nam Định và Ninh Bình đã được sáp nhập).

Điểm cuối nằm tại nút giao Đồng Giao, là điểm đầu dự án đường Đông - Tây giai đoạn 1). Dự án này đi qua 5 xã và một phường của tỉnh Ninh Bình sau sáp nhập bao gồm phường Trung Sơn, xã Yên Mạc, xã Đồng Thái, xã Bình Minh, xã Định Giá và xã Lai Thành. Các địa phương này trước đây là huyện Kim Sơn, huyện Yên Mô và TP Tam Điệp.

Về hướng tuyến, từ điểm đầu giao với đường đầu cầu Sông Đáy, hướng tuyến đi trùng đường ven biển (ĐT 476 QH) qua xã Kim Tân khoảng 5 km sau đó tách ra đi theo hướng Bắc, qua xã Định Hóa, xã Lưu Phương giao cắt với QL10 tại Km9+200 (khoảng Km168+800/QL10) vị trí trí cây xăng dầu Tân Thành.

Tuyến đi trùng đường ĐT 480E đã thi công qua khu đấu giá 162ha huyện Kim Sơn, cắt qua QL 12B tại Km11+200 và sông Cà Mau. Từ sau khi đi qua sông Cà Mau tuyến đi về phía Bắc cắt QL12B tại Km13+260 (Km18+850/QL12B) và cắt qua đầu cầu ĐT 482B tại Km14+110 đến khoảng Km15+120.

Tuyến cắt QL 12B tại Km17+690 (khoảng Km24+591/QL12B) cắt qua khu dân cư thôn Phương Trì, xã Yên Mạc đi sát chùa Hang và đền thờ cụ Lê Niệm, đi sát khu mộ tổ họ Lê rồi đi về phía Tây. Tuyến sau đó đi trùng đường vành đai TP Tam Điệp.

 Hướng tuyến dự án. (Ảnh chụp từ văn bản).

Tổng nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 186,55 ha. Tổng số hộ phải tái định cư là 581 hộ, tổng kinh phí cho GPMB của dự án này là hơn 2.700 tỷ đồng.

Tổng mức đầu tư hơn 6.900 tỷ đồng, dự kiến khởi công trong năm nay

Về quy mô xây dựng dự án, đây là dự án nhóm A. Đối với các đoạn thông thường (chiều dài khoảng 26,3 km) đầu tư phần trục lõi trục chính rộng 37 m gồm 4 làn xe cơ giới và hai làn xe hỗn hợp, dải đất dự trữ ở giữa rộng 15 m; giải phóng mặt bằng theo quy mô đầu tư rộng trung bình khoảng 50 m.

Đối với các đoạn qua khu đông dân cư đã có (chiều dài khoảng 2,5 km; không bao gồm đoạn đi trùng đường ĐT 480E, đường khu đấu giá đất của huyện Kim Sơn cũ và đoạn qua trung tâm Tam Điệp) đầu tư quy mô nền đường rộng 61 m với mặt đường chính gồm 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe hỗn hợp, dải đất dự trữ ở giữa rộng 15 m và đường gom hai bên; giải phóng mặt bằng theo quy mô hoàn chỉnh 70 m.

Đối với các đoạn đi trung đường ĐT 480E, đường khu đấu giá đất của huyện Kim Sơn và đoạn qua trung tâm thành phố Tam Điệp (chiều dài khoảng 3,5 km) đảm bảo quy mô 6 - 8 làn xe và các hạng mục phù hợp với quy hoạch đô thị được phê duyệt.

Tiến độ và thời gian thực hiện dự án dự kiến bao gồm khởi công dự án từ 2025 - 2028. Vận hành dự án vào năm 2028. Thời gian thi công dự kiến 4 năm, được phân thành các gói thầu khác nhau. Tổng mức đầu tư của dự án dự kiến 6.939 tỷ đồng.

Sẽ có 10 nút giao, 9 cầu trên tuyến

Trên tuyến có các nút giao với các quốc lộ gồm QL 10, QL 21B, QL 12B (2 vị trí) và QL 1. Các nút giao được tổ chức dạng nút giao bằng có bố trí đèn tín hiệu.

Trong đó các tuyến Quốc lộ kiến nghị được mở rộng tối thiểu 4 làn xe (nền đường rộng 16,5 m, mặt đường rộng 15 m) để bố trí các làn tách nhập làn, làn tăng tốc, giảm tốc.

Bố trí dải phân cách giữa trên các quốc lộ để phân tách các làn xe đi ngược chiều, dẫn hướng làn xe rẽ trái kết hợp bố trí các đảo tam giác dẫn hướng tại các góc rẽ phải.

 Các nút giao bằng trên tuyến. (Ảnh chụp từ văn bản).

Cùng với đó, nút giao với các đường tỉnh (giao với ĐT 482B mới xây dựng tại Km14+110, giao ĐT 483C hiện tại) được thiết theo quy mô quy hoạch các tuyến đường tỉnh. Các nút giao được tổ chức dạng nút giao bằng bố trí đèn tín hiệu. Trong đó các tuyến tỉnh lộ tối thiểu 2 làn xe theo quy mô đường cấp III.

Cùng với đó, nút giao đường sắt Bắc - Nam có phương án thiết kế nút giao dự kiến bao gồm uyến chính thiết kế cầu vượt đường sắt và giao bằng với QL1A. Không thiết kế đường gom hai bên. Chiều dài cầu dự kiến khoảng 208 m.

Các cầu được xây dựng trên tuyến bao gồm cầu vượt kênh Km2+740, tuyến cắt qua kênh thủy lợi có chiều rộng kênh khoảng 25 m dự kiến thiết kế gồm 1 nhịp cầu với kết cấu dầm dạng chữ “I” BTCT dự ứng lực, chiều dài nhịp 33 m.

Cầu vượt sông Cà Mau, tuyến cắt qua sông Cà Mau hai lần tại các lý trình Km4+375 và Km11+200. Sông có bề rộng dòng chảy khoảng 35 m, theo quy hoạch sông không có thông thuyền. Dự kiến thiết kế cầu gồm 02 nhịp cầu với kết cấu dầm bản BTCT dự ứng lực, chiều dài nhịp 24m.

Cầu vượt sông Ân Km13+150, tuyến cắt qua sông Ân có chiều rộng sông khoảng 25 m dự kiến thiết kế gồm một nhịp cầu, chiều dài nhịp 33 m.

Cầu vượt sông Chinh Giang (sông Cầu) Km18+850, tuyến cắt qua sông Chinh Giang có chiều rộng sông khoảng 70 m dự kiến thiết kế gồm 03 nhịp cầu với kết cấu dầm dạng chữ “I” BTCT dự ứng lực, chiều dài nhịp 33 m.

Cầu vượt kênh Km22+370, tuyến cắt qua kênh thủy lợi có chiều rộng kênh khoảng 22m dự kiến thiết kế gồm 01 nhịp cầu với kết cấu dầm bản BTCT dự ứng lực, chiều dài nhịp 24 m.

Cầu vượt kênh Km25+500, tuyến cắt qua kênh thủy lợi là điểm kết nối giữa Hồ Đòong Đèn và hồ bên phải tuyến hiện có cống đầu kênh 3D2.0m dự kiến thiết kế gồm mô nhịp cầu với kết cấu dầm dạng chữ “I” BTCT dự ứng lực, chiều dài nhịp 33 m.

Cầu vượt đường sắt Bắc Nam Km30+765 (Km129+232,7 - Đường sắt), chiều dài cầu dự kiến khoảng 250 m; tĩnh không vượt đường sắt 7 m.

chọn
Ninh Bình sắp mở đường 6.900 tỷ đồng nối Nho Quan, Tam Điệp, Yên Mô ra đường ven biển
Đường kết nối liên vùng giữa Nam đồng bằng sông Hồng - vùng núi Tây Bắc - vùng duyên hải Bắc Trung Bộ (giai đoạn 1) tại Ninh Bình có chiều dài hơn 32 km, với tổng mức đầu tư hơn 6.900 tỷ đồng, dự kiến khởi công ngay năm nay.