Di dời nhà máy ở khu công nghiệp lâu đời nhất Việt Nam

Nhiều hộ dân, nhà xưởng trong khu công nghiệp Biên Hòa 1 tất bật tháo dỡ, di dời và bàn giao mặt bằng làm khu đô thị thương mại dịch vụ.

 

Khoảng nửa tháng nay, một số công ty nhà xưởng và các hộ dân ở trong khu công nghiệp Biên Hòa 1 (phường Trấn Biên) bắt đầu tháo dỡ, bàn giao mặt bằng. Trong ảnh, nhà máy giấy Đồng Nai với hàng chục nhà xưởng đang được di dời.

Khu công nghiệp hình thành năm 1963, diện tích 335 ha, từng được xem là hình mẫu và tiền đề cho phát triển các khu công nghiệp trên cả nước về sau. Các nhà máy trong khu nằm bên sông Cái, dọc xa lộ Hà Nội (trước 1975 là xa lộ Biên Hòa), trục đường huyết mạch dẫn vào TP HCM ở phía đông.

Sau hơn nửa thế kỷ hoạt động, nơi đây bộc lộ nhiều hạn chế, nguy cơ ảnh hưởng môi trường nước sông Đồng Nai. Năm 2009, khu công nghiệp được chuyển đổi thành khu đô thị thương mại dịch vụ. Mới đây đề án chuyển đổi khu trung tâm hành chính và đô thị với tổng diện tích khoảng 330 ha được tỉnh Đồng Nai phê duyệt.

 

Các nhà xưởng rộng hàng nghìn m2 trong nhà máy giấy Đồng Nai trơ trọi phần khung, sáng 16/7. Hai xe cẩu cùng gần chục thợ đang đập tường, dỡ tôn những hạng mục trong nhà máy.

Công ty giấy Đồng Nai là nhà máy đầu tiên hoạt động tại Khu công nghiệp Biên Hòa 1. Hình thành từ năm 1959, nhà máy tên Cogido, có từ trước khi khu công nghiệp ra đời vài năm. Theo lãnh đạo nhà máy, sau khi cổ phần hóa, công ty đã chuyển qua nhiều đời chủ và cơ cấu lại sản xuất.

Từ khi xây dựng cho đến năm 1975, khu kỹ nghệ Biên Hoà có 94 nhà máy, xí nghiệp. Phần lớn máy móc, trang thiết bị của khu kỹ nghệ được nhập từ Nhật, Đức, Pháp, Đài Loan... Đến năm 1990, tỉnh Đồng Nai thành lập Công ty phát triển khu công nghiệp Biên Hòa với tên gọi (Sonadezi Biên Hoà).

 

Khu đất nhà máy ngổn ngang sắt thép, xà bần, vật liệu xây dựng... chờ vận chuyển.

 

Từng phần nhà xưởng đổ sập xuống dưới lực phá của xe cẩu. Anh Phạm Văn Đầy (lái xe) cho biết, trung bình mỗi nhà xưởng mất 2-3 ngày để tháo dỡ xong.

 

 

Nhóm công nhân tiến hành tháo dỡ các kết cấu bêtông chịu lực để lấy sắt thép bên trong.

 

Ở một xưởng gần đó, anh Tấn Đạt (34 tuổi, trái) vận chuyển các tấm tôn lợp mái ra ngoài. Tại khu tập kết phế liệu, một nhóm khác gia công các thanh sắt thép vừa tháo dỡ để sử dụng vào mục đích khác (ảnh sau).

 

Một công ty khác gần đó cũng đang tháo dỡ khu nhà xưởng sau nhiều năm hoạt động trong khu công nghiệp.

Hiện Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Đồng Nai đã dự thảo phương án bồi thường, hỗ trợ đối với 65/69 công ty, diện tích hơn 228 ha. Đầu tháng 8, khu công nghiệp sẽ ngừng cung cấp dịch vụ hạ tầng kỹ thuật gồm: điện, nước, xử lý nước thải...

 

Tại khu dân cư dọc đường Lê Văn Duyệt người dân cũng tất bật dỡ nhà, di chuyển đồ đạc.

Theo báo cáo của UBND phường Trấn Biên, đến nay, phường đã vận động di dời, tháo dỡ tài sản được 306/355 trường hợp, đạt tỷ lệ hơn 86%.

 

Một tuần nay, ông Lưu Trùng Dương, 68 tuổi, thuê thợ tới phá dỡ nhà, trả lại mặt bằng. Căn nhà cấp 4, lợp tôn có diện tích hơn 50 m2, gia đình ông đã ở từ năm 1987 đến nay. "Mức đền bù quá thấp nên tôi chưa nhận tiền, dù vậy vẫn thực hiện đúng chủ trương của tỉnh", ông Dương cho biết.

 

Các chuyến xe ba gác, xe tải liên tục ra vào khu dân cư trong khu công nghiệp Biên Hòa 1 để di chuyển đồ đạc.

 

Nhiều đơn vị thu mua phế liệu cũng được các gia đình liên hệ để bán lại khung nhà, mái thép, tôn cũ...

 

Toàn cảnh khu công nghiệp Biên Hoà 1.

Dự kiến đến cuối tháng 7, khu công nghiệp sẽ có khoảng 70 ha đất sạch để khởi công dự án xây dựng khu Trung tâm Chính trị - hành chính tỉnh. Theo UBND tỉnh, sau khi hoàn thành, một khu đô thị, dịch vụ, thương mại mới sẽ hình thành nằm trải dài theo bờ sông Đồng Nai.

 

Vị trí Khu công nghiệp Biên Hòa 1. Đồ họa: Khánh Hoàng