Ngập lụt lại tái diễn tại xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng vào những ngày mưa, bão, những khi thủy điện thượng nguồn xả lũ. (Ảnh: TRƯỜNG TRUNG)
Đã là chuyện thường niên, việc thiếu nước vào mùa khô hẳn dự đoán được. Biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn hay sa mạc hóa cũng đã được biết trước. Nhưng giải pháp ứng phó cho việc này còn quá nhạt nhòa.
Chừng 5 - 10 năm trước, người dân sinh sống ở các thị xã, thành phố thuộc Quảng Nam, Đà Nẵng hầu hết vẫn còn dùng giếng khoan, giếng đào, nhà nào cũng có vài chum chứa nước. Nhưng từ khi được hòa mạng cấp nước máy, sự tiện dụng - chỉ cần mở vòi là có nước, không phải lọc phèn - khiến người dân cảm thấy thoải mái và dần bỏ đi thói quen tích trữ nước.
Trong khi tại nhiều huyện miền núi như Khâm Đức, Quế Sơn (Quảng Nam)..., người ta vẫn phải vài ba năm lại khoan một cái giếng mới, vì giếng cũ hết nước hoặc nhiễm phèn quá nặng, lại vẫn hì hụi lọc, trữ nước. Nước ngầm không thể bơm lên và sử dụng trực tiếp như nhiều thập kỷ trước khi mà mức độ ô nhiễm nguồn nước ngầm trở nên trầm trọng.
Trong trí nhớ của tôi, những tháp dự trữ nước ở khu tập thể ngày trước là nơi quan trọng của mỗi xóm, thôn. Nước được hút lên từ cái giếng đào rồi chuyển sang giếng khoan, người dân sống xung quanh mỗi ngày vào ra tấp nập lấy nước.
Những câu chuyện thường ngày, chuyện dạy con, chi tiêu ăn mặc cho gia đình qua lời tỉ tê của các bà mẹ trở nên khó quên. Trẻ con cũng nô đùa rồi cùng lớn lên bên cái tháp nước.
Mùa hè của thời xa vắng ấy không có chuyện "khát nước" như hôm nay. Ở vùng trũng của hạ lưu sông Thu Bồn, rốn lũ của Hội An, xóm Khổng Miếu chúng tôi đến năm 2019 vẫn tiếp tục lo chèo chống trước nguy cơ bão lũ cận kề.
Ngày 27/8 khi có tin báo về cơn bão số 4 sẽ đổ bộ vào miền Trung, người dân đã lục tục dọn dẹp nhà cửa chuẩn bị ứng phó những trận mưa lớn, kéo dài trong những ngày tới.
Nỗi lo ngập úng không chỉ trong một bản tin thời tiết nào đó mà là thực tế chắc chắn diễn ra ở đây khi công trình xây dựng trục đường mới đã lấy đi đất ruộng, đất rau muống - vốn là chỗ thoát nước cho khu vực trũng này mấy trăm năm nay.
Nhìn ra xung quanh, giữa lổn nhổn đất cát bêtông hay những mặt đường đã được nâng cao hơn mặt sàn nhà dân chừng 50 - 100cm, người dân tự nâng nền nhà mình để tránh nước tràn vào.
Hệ thống cống thoát nước mới càng vào khu ngập úng càng nhỏ đi, nắp cống thường xuyên bị che lấp bởi rác rến hoặc vữa xây dựng.
Những con đường đất có cây cối um tùm ngày trước xưa tuy ngập nặng nhưng nước còn thoát được; nay thì trải nhựa/ximăng láng o, cây và bóng râm chẳng còn khiến mùa hè nắng cháy rát bỏng, mùa mưa chết lặng trong nước.
Trên đây là một ví dụ về nỗi lo ngập úng khi mưa to gió lớn tại địa phương tôi ở - Hội An (Quảng Nam), cũng là chuyện dải đất miền Trung đang gặp hạn. Càng lo hơn trong những ngày mưa bão đang đến, lo nước không thoát kịp, lo thủy điện xả lũ...
Vài nơi, người dân tự xây dựng bể chứa nước ngầm để trữ nước mưa, tận dụng nguồn nước trời ban và phòng khi cần. Cách này mặt khác lại giúp giảm tải cho việc thoát nước, tránh ngập úng được rau củ, hoa màu trong vườn. Khi bể đầy sẽ cho bơm ngược lên bể chứa ở trên cao hoặc múc lên để dùng cho vệ sinh, giặt giũ, tưới tiêu.
Đây có thể được coi là hồ điều tiết cá nhân, có tác dụng gom chứa nước mưa đột biến để chống ngập và dự trữ nước cho mùa khô.
Nhiều công ty tư vấn, thiết kế đã và đang đưa ra giải pháp hệ thống thu chứa và tái sử dụng nước mưa. Nếu mỗi hộ gia đình có bể thu chứa và tái sử dụng nước mưa chừng 1-3 m3 sẽ giảm thiểu được tình trạng ngập cục bộ tại các đô thị sau mưa lớn.
Nhưng đây vẫn là số ít có thấy nỗ lực riêng lẻ trong chuyện trữ nước, chống ngập úng. Điều người dân muốn thấy là hệ thống hồ điều tiết lớn cho miền Trung để chống hạn và để trữ nước, giảm ngập lụt mùa mưa bão. Điều này vẫn còn xa vời quá! Biết bao giờ!
Cần quy hoạch chống hạn, chống úng
Người dân thành phố Đà Nẵng thiếu nước sinh hoạt. Nhiễm mặn trên diện rộng, các nhà máy nước không thể hoạt động. TP Đà Nẵng phải gửi các văn bản yêu cầu thủy điện ưu tiên xả nước để người dân có nước sinh hoạt.
Đây không phải là năm đầu tiên TP Đà Nẵng và một số khu vực đồng bằng của tỉnh Quảng Nam rơi vào tình cảnh này.
Nguyên nhân khách quan do nắng nóng kéo dài lại rất ít mưa khiến nước mặn xâm nhập sâu vào hạ lưu sông ở khu vực đồng bằng. Mặt khác, do các thủy điện ở đầu nguồn ngừng hoặc xả nước theo kiểu nhỏ giọt về khu vực hạ lưu để điều hòa nguồn nước, ngăn chặn hiện tượng nhiễm lấn sâu thêm.
Việc các hồ thủy điện tranh thủ tích nước, hạn chế xả về hạ lưu được xem là nguyên nhân chính gây nên tình trạng thiếu nguồn nước sinh hoạt hiện nay cho người dân Đà Nẵng và Quảng Nam.
Quy hoạch thủy điện chồng chéo ở miền Trung và tác hại của nó đã được giới khoa học kỹ thuật đề cập nhiều. Đa số nhà máy thủy điện nhắm đến hiệu quả điện năng trước, việc điều tiết thủy lợi, cắt giảm lũ đều không được chú trọng.
Vậy nên mùa nắng nóng thì thiếu nước; vào mùa mưa bão, thủy điện lại ồ ạt xả lũ, người dân miền Trung chịu cảnh "lũ chồng lũ" với thiệt hại nghiêm trọng.
Đã đến lúc xem xét lại các quy hoạch thủy lợi để chống hạn và chống úng, giữ nguồn tài nguyên nước, giữ an ninh nguồn nước, giảm tác hại cho đời sống, kinh tế, xã hội các địa phương chịu hậu quả của thủy điện.
VĂN THI HOÀNG