Trạm thu phí BOT Biên Hoà thu phí trở lại từ ngày 26/10. |
Ngày 26/10, trạm phí BOT tuyến tránh Biên Hòa (đóng trên Quốc lộ 1A, đoạn qua xã Trung Hòa, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) đã bắt đầu hoạt động trở lại sau 20 ngày đóng cửa.
Trước đó, một số tài xế nhận được giấy mời do Thượng tá Võ Đình Thường ký đã có buổi làm việc với phòng CSGT Đường bộ, Đường sắt (phòng CSGT) - Công an tỉnh Đồng Nai để làm rõ một số vấn đề liên quan đến hành vi cản trở giao thông.
Nội dung buổi làm việc chủ yếu là tuyên truyền về BOT Biên Hoà và các quy định dừng đỗ xe vi phạm pháp luật, gây cản trở giao thông.
Ở lần thu phí trở lại này, giá vé sẽ giảm 20% so với thời gian trước. Theo đề xuất của tỉnh Đồng Nai, có 624 xe ô tô của người dân 4 xã Trung Hòa, Đông Hòa, Tây Hòa và Hưng Thịnh được miễn phí khi qua BOT Biên Hòa.
Được biết, trạm thu phí kể trên nhằm hoàn vốn cho dự án BOT đầu tư xây dựng công trình tuyến QL1 đoạn tránh TP.Biên Hoà (tỉnh Đồng Nai) có tổng mức đầu tư 1.500 tỷ đồng, gồm tăng cường 10km Quốc lộ 1 đoạn từ Km1841+000 đến Km1851+714 và xây mới đường tránh TP.Biên Hoà dài 12 km từ Km 1851+714 QL1 đến Km 5+000 QL51.
Dự án được khởi công vào cuối năm 2009, bắt đầu thu phí từ 6/7/2014 và ban đầu dự kiến thu trong 13 năm 1 tháng sau đó giảm xuống 12 năm 9 tháng.
Về chủ đầu tư dự án là CTCP Đầu tư Đồng Thuận, công ty này được thành lập vào năm 2009, trong đó CTCP Đầu tư và Phát triển Cường Thuận IDICO - doanh nghiệp lớn "thâu tóm" hàng loạt dự án BOT tỉnh Đồng Nai sở hữu 83,1% vốn.
Năm 2017, Cường Thuận IDICO đặt kế hoạch dự kiến sẽ thu về 313 tỷ đồng từ trạm BOT Biên Hoà - tương đương doanh thu thu phí mỗi ngày khoảng 900 triệu - 1 tỷ đồng.
Tuy vậy, việc phải đóng trạm do người dân và tài xế phản đối về giá vé cùng vị trí đặt trạm đã khiến "ông trùm" BOT Đồng Nai thiệt hại gần 20 tỷ đồng, chưa kể mức vé phải điều chỉnh giảm sẽ ảnh hưởng đến phương án tài chính ban đầu.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Xuân Quang, Tổng giám đốc Cường Thuận IDICO cho biết đơn vị "đau đầu, rất mệt mỏi" khi bị người dân phản ứng, chỉ mong muốn được thực hiện theo hợp đồng đã ký và chủ trương đã được phê duyệt.
Trả lời câu hỏi liệu nhà đầu tư có tính đến phương án dời trạm BOT theo ý nguyện của người dân hay không, ông Quang nói mọi phương án phải tùy thuộc cơ quan chức năng, đơn vị quản lý. "Riêng doanh nghiệp chỉ tuân thủ chủ trương pháp luật, quy định hợp đồng và mong nhanh chóng thu hồi vốn", ông chủ Cường Thuận IDICO giãi bày.
Sẽ tiến quân làm đường thủy
Theo thông báo mới nhất từ công ty Cường Thuận IDICO, doanh nghiệp này chuẩn bị xin ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc bổ sung ngành nghề kinh doanh.
Cụ thể, chủ đầu tư dự án BOT tuyến tránh Biên Hoà sẽ bổ sung thêm ba ngành nghề gồm: Vận tải hành khách đường thuỷ nội địa; vận tải hàng hoá đường thủy nội địa và hoạt động dịch vụ hỗ trợ trực tiếp cho vận tải đường thủy.
Việc xin ý kiến cổ đông dự kiến sẽ được thực hiện trong tháng 10/2017, tuy nhiên đến nay công ty vẫn chưa có thông báo chính thức về quyết định trên.
Cường Thuận IDICO hiện có vốn điều lệ 630 tỷ đồng sau nhiều lần tăng vốn, trong đó hai cá nhân sở hữu số cổ phần lớn nhất là gia đình vợ chồng ông Nguyễn Hồng Quang (Tổng giám đốc, sinh năm 1962) và bà Trương Hồng Loan (Phó Tổng giám đốc, sinh năm 1969) sở hữu 16,7% vốn.
Một cổ đông "đặc biệt" được dư luận quan tâm thời gian qua của Cường Thuận IDICO là bà Võ Minh Thuỳ - con gái Thượng tá Võ Đình Thường, Phó phòng CSGT Đồng Nai.
Sau hai lần đăng ký làm nhà đầu tư chiến lược của Cường Thuận IDICO trong hai lần tăng vốn vào tháng 7/2016 và tháng 3/2017, bà Võ Minh Thùy hiện sở hữu 615.400 cổ phiếu - tương đương 1,01% vốn điều lệ công ty.
Với mức giá cổ phiếu CTI của công ty Cường Thuận IDICO hiện là 26.850 đồng (giá chốt phiên giao dịch ngày 25/10), khối tài sản của bà Võ Minh Thuỳ khoảng 16,5 tỷ đồng.
Dự báo thời tiết ngày 28/10: Bắc Bộ nắng ấm trước khi đón đợt không khí lạnh tăng cường
Sáng sớm Bắc Bộ có sương mùa nhẹ, trưa chiều giảm mây, trời nắng, nhiệt độ tăng nhanh. Dự báo đến tối mai (29/10) một ... |