Chủ loạt 'đất vàng' khu trung tâm TP HCM liên tục báo lỗ, chưa thể trả nợ trái phiếu do bị phong tỏa tài khoản

Bông Sen Corp cho biết 6 tháng đầu năm nay, công ty lỗ sau thuế 280 tỷ đồng, sâu gấp 3,4 lần khoản lỗ cùng kỳ năm 2022. Theo những văn bản của Cơ quan điều tra, doanh nghiệp này nằm trong danh sách 762 công ty có liên quan đến Vạn Thịnh Phát.

Liên tục báo lỗ dù sở hữu hàng loạt dự án trên "đất vàng"

CTCP Bông Sen (Bông Sen Corp) vừa công bố một số chỉ tiêu tài chính trong 6 tháng đầu năm nay, qua đó cho biết ghi nhận lỗ sau thuế 280 tỷ đồng, sâu gấp 3,4 lần khoản lỗ cùng kỳ năm 2022. 

Do khoản lỗ này, tại ngày 30/6, vốn chủ sở hữu doanh nghiệp đã giảm 4% so với đầu năm còn 6.973 tỷ đồng. Tổng tài sản giảm 1% còn 13.528 tỷ đồng. 

Trước đó, trong năm 2021 và 2022, doanh nghiệp cũng báo lỗ sau thuế lần lượt 186 tỷ đồng và 443 tỷ đồng. 

 Nguồn: HM tổng hợp từ BCTC. 

Kết quả kinh doanh không mấy khả quan, song trên thị trường bất động sản phía Nam, Bông Sen Corp được biết đến là chủ sở hữu hàng loạt nhà hàng, khách sạn tại các khu "đất vàng" tại quận 1, TP HCM như Khách sạn Bông Sen Sài Gòn (117-123 Đồng Khởi), Khách sạn 4 sao Palace Saigon (56-66 Nguyễn Huệ), Khách sạn 2 sao Bông Sen Annex (61-63 Hai Bà Trưng),…

Bên cạnh đó, Bông Sen Corp cũng sở hữu các thương hiệu khác như Chuỗi nhà hàng Bông Sen, Nhà hàng Vietnam House, Lemongrass, Calibre, Bier Garden, Buffet Gánh Bông Sen, Bánh Brodard với hệ thống 18 cửa hàng, Lữ hành Lotus Tours... đều nằm tại khu trung tâm TP HCM.   

Bên cạnh đó, năm 2015, Bông Sen Corp cũng từng gây chú ý với khi thâu tóm 51,05% cổ phần của CTCP Daeha, chủ đầu tư Khu phức hợp Trung tâm thương mại Daeha (bao gồm cả khách sạn Daewoo) tại quận Ba Đình, Hà Nội.  

Khách sạn Hà Nội Daewoo. (Nguồn: Daewoohotel).  

Doanh nghiệp được thành lập vào tháng 12/2004, cổ phần hóa vào tháng 1/2005 và từng là thành viên của Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) với số vốn điều lệ ban đầu là 130 tỷ đồng. Theo cập nhật gần nhất vào tháng 11/2016, vốn điều lệ của Bông Sen Corp đã tăng lên hơn 4.777 tỷ đồng. 

Theo văn bản của Cơ quan điều tra, Bông Sen Corp cũng nằm trong danh sách 762 công ty có liên quan đến Vạn Thịnh Phát. 

Nói về vấn đến này, Chủ tịch Bông Sen Corp, bà Vũ Thị Hồng Hạnh cho biết: "Liên quan đến việc công ty có liên quan đến Vạn Thịnh Phát hay không và nguồn tiền sẽ được xử lý như thế nào, xin báo cáo là hiện nay công ty đang trong quá trình làm việc và chờ kết luận của Cơ quan điều tra của Bộ Công an.

Toàn bộ dòng tiền của việc phát hành trái phiếu cũng đang trong quá trình làm việc điều tra, hiện chưa có kết luận cuối cùng.", trích biên bản họp Đại hội đồng cổ đông bất thường hồi cuối tháng 8 vừa qua của Bông Sen Corp. 

Chậm trả hơn 5.400 tỷ đồng trái phiếu, muốn xử lý tài sản tại loạt dự án BĐS để trả nợ

Tại ngày 30/6, tổng nợ phải trả của Bông Sen Corp tăng 3% lên 6.555 tỷ đồng, trong đó, dư nợ trái phiếu là 4.811 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm. 

 Nguồn: HM tổng hợp từ BCTC. 

Theo thông tin của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), hiện, Bông Sen Corp còn một lô trái phiếu đang lưu hành mã BSECH2126003 phát hành hồi tháng 10/2021, được lưu ký tại CTCP Chứng khoán Tân Việt (TVSI). Giá trị đang lưu hành của trái phiếu là 4.800 tỷ đồng, sẽ đáo hạn vào tháng 10/2026.  

Theo công bố tình hình thanh toán gốc và lãi trái phiếu trong nửa đầu năm 2023 của Bông Sen Corp, ngày thanh toán theo kế hoạch của lô trái phiếu này là vào 30/6/2023, số tiền cần thanh toán là 4.800 tỷ đồng gốc và hơn 668 tỷ đồng lãi. Song, công ty đã không thực hiện thanh toán và đưa ra lý do là tài khoản bị phong tỏa. 

Bông Sen Corp cho biết, lô trái phiếu này được phát hành nhàm đầu tư vào dự án 152 Trần Phú, đã thực hiện trả lãi cho trái phiếu 3 kỳ. Song, sau đó, do đơn vị công ty hợp tác đầu tư không thực hiện cam kết nên công ty bị gián đoạn việc trả lãi cho trái chủ. Hiện, phía Cơ quan Điều tra đang làm việc về các nội dung trái phiếu, trong đó có trái phiếu của Bông Sen Corp. 

Tại Đại hội đồng cổ đông bất thường của Bông Sen Corp ngày 30/8 vừa qua, cổ đông công ty đã thông qua việc xử lý tài sản bảo đảm của công ty để thực hiện nghĩa vụ trái phiếu.

Các tài sản bao gồm phần vốn góp của Trần Thị Phơ tại Công ty TNHH BĐS Trí Đức; hơn 63,4 triệu  cổ phần Công ty Daeha cùng hồ sơ thế chấp các tài sản tại các bất động sản của công ty tại số 56-66 Nguyễn Huệ (Khách sạn Palace), số 61-63 Hai Bà Trưng (Khách sạn Bông Sen 2), số 05 Nguyễn Thiệp, số 24/24 Đông Du, tại số 93-95-97 Đồng Khởi.

Trong đó, cổ phần Công ty Daeha là cổ phần thuộc sở hữu của CTCP Hợp Thành 1, Bông Sen Corp có sở hữu cổ phần chi phối tại đơn vị này. 

Trong trường hợp xử lý tài sản đảm bảo không đủ chi trả nghĩa vụ trái phiếu, thì sẽ xử lý các tài sản khác thuộc Bông Sen Corp để tất toán toàn bộ nghĩa vụ trái phiếu. 

Song, công ty cho biết, sau khi được cổ đông thông qua, các vấn đề liên quan đến xử lý tài sản vẫn chưa được thực hiện và phải chờ, thực hiện theo kết luận và phương án xử lý của Cơ quan Điều tra Bộ Công an. 

Lãnh đạo Bông Sen Corp khẳng định, việc công ty xin phê duyệt nội dung thanh lý tài sản trên là chỉ để thực hiện sau khi có kết luận của Cơ quan Điều tra vì hiện công ty không được phép thực hiện các việc thay đổi dịch chuyển tài sản, do đó việc tẩu tán tài sản hoàn toàn không có khả năng xảy ra. 

Cổ đông công ty cũng đã thông qua phương án chuyển tiền vào tài khoản chỉ định theo yêu cầu của Cơ quan điều tra Bộ Công An để khắc phục hậu quả của vụ án. 

Lãnh đạo công ty cho biết, trước đó Bông Sen Corp đã phải báo cáo thống kê tất cả các khoản thu chi, dòng tiền hoạt động để Cơ quan điều tra kiểm tra xem dòng tiền của Bông Sen, dòng tiền hoạt động của công ty thu vào, trừ các khoản chi phí hoạt động, lương nhân viên, công nợ phải trả, nghĩa vụ thuế cho Nhà nước…, còn lại dòng tiền dôi ra phải chuyển vào tài khoản chỉ định.