Sự trùng hợp của hai cổ đông lớn, 'hé lộ' dòng tiền nghìn tỷ từ ngân hàng và mối liên hệ với Danh Khôi

Hai nữ cổ đông lớn liên tục bán cắt lỗ ở vùng đáy sau khi chi hàng trăm tỷ đồng mua cổ phần phát hành riêng lẻ của Danh Khôi năm 2021 đang khiến giới đầu tư quan tâm. Đáng nói, hai nữ nhà đầu tư cho thấy nhiều mối quan hệ với nhau và với Tập đoàn Danh Khôi. Cùng với đó là dòng tiền từ một ngân hàng đổ về hai cá nhân này cũng khá lớn.

Chi hàng trăm tỷ đồng mua cổ phần nhưng hai nữ cổ đông Danh Khôi lại “vội” cắt lỗ

Theo báo cáo kết quả chào bán cổ phiếu riêng lẻ ngày 10/3 của Công ty CP Tập đoàn Danh Khôi (mã chứng khoán: NRC), bà Hà Thị Kim Thanh và bà Đào Thị Bạch Phượng xuất hiện trong cơ cấu cổ đông khi là hai trong ba nhà đầu tư tham gia mua cổ phần trong đợt phát hành này.

Theo văn bản số 29/2021/BC thì kế hoạch ban đầu, Danh Khôi muốn chào bán riêng lẻ 88 triệu cổ phần với giá 10.000 đồng/cổ phần, nhằm huy động 880 tỷ đồng hợp tác mua sỉ bán lẻ nhiều dự án tại Bình Dương, Bình Định. Tuy nhiên, chỉ có 3/4 nhà đầu tư mua với khối lượng 50 triệu cổ phần.

Trong đó, bà Hà Thị Kim Thanh mua nhiều nhất (23,8 triệu cổ phần), kế đến là bà Đào Thị Bạch Phượng (20 triệu cổ phần) và CTCP Đầu tư Bất động sản Danh Khôi Sài Gòn (6,2 triệu cổ phần). 

Bà Hà Thị Kim Thanh và bà Đào Thị Bạch Phượng là hai trong ba nhà đầu tư tham gia mua cổ phần trong đợt phát hành cổ phiếu riêng lẻ. 

Cũng theo văn bản này, bà Nguyễn Thi Anh Thư không tham gia mua 20 triệu cổ phần trong đợt phát hành như dự kiến trước đó. So với kế hoạch, lượng đặt mua của Danh Khôi Sài Gòn cũng thấp hơn mức mục tiêu 25 triệu cổ phần đưa ra trước đó.

Tổng kết lại sau đợt chào bán trái phiếu riêng lẻ, hai nữ cổ đông này nắm 54,62% vốn, bỏ xa ông Lê Thống Nhất, Chủ tịch của Danh Khôi.

Và cũng theo báo cáo của Danh Khôi, báo cáo sử dụng vốn cho thấy, chưa đầy một tuần sau khi công bố kết quả chào bán riêng lẻ, Danh Khôi giải ngân hết 500 tỷ đồng vào các dự án như Tháp Ven Sông – The Royal (175 tỷ đồng), Khu dân cư Nhơn Hội – Phân khu 9 (175 tỷ đồng), Chung cư cao tầng Phát Đạt Bình Dương (100 tỷ đồng) và ít nhất là dự án Chung cư cao tầng Nhơn Hội phân khu 4 (50 tỷ đồng). 

 Chưa đầy một tuần sau khi công bố kết quả chào bán riêng lẻ, Danh Khôi giải ngân hết 500 tỷ đồng. 

Trong một thông báo mới đây, hai nữ cổ đông lớn của Danh Khôi này cho biết, bà Hà Thị Kim Thanh đã bán hơn 1,82 triệu cổ phiếu vào ngày 2/10, giảm lượng cổ phần nắm giữ xuống còn 15,23 triệu đơn vị (tương ứng 16,45% vốn công ty).

Trong khi đó, bà Đào Thị Bạch Phượng cũng đã bán 2,057 triệu cổ phiếu trong ngày 20/9. Sau giao dịch, bà Phượng nắm giữ còn 10,5 triệu cổ phẩn, bằng 11,34% vốn Danh Khôi.

Nhìn trong khoảng thời gian dài hơn, khoảng một năm trở lại đây, hai nữ cổ đông lớn của Danh Khôi liên tiếp bán ra cổ phiếu NRC của Danh Khôi. Lệnh bán bắt đầu xuất hiện khi cổ phiếu bắt đầu được gỡ lệnh hạn chế chuyển nhượng (50% sau 1 năm và 100% sau 2 năm). 

 

 Hai nữ cổ đông lớn của Danh Khôi lại “vội” cắt lỗ khi giá NRC "về sâu" dù trước đó đã phải chi hàng trăm tỷ đồng mua cổ phần. 

Dòng tiền lớn từ “một ngân hàng” tới hai nữ nhà đầu tư

Đáng nói hơn, đối lập hoàn toàn tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư để phát hành riêng lẻ được đưa ra trong kế hoạch là tiềm lực tài chính mạnh, hỗ trợ công ty về vốn, có năng lực chuyên môn, mong muốn gắn bó lâu dài đồng hành cùng doanh nghiệp, hai nhà đầu tư nói trên sau khi mua thành công cổ phần lại không tham gia điều hành Danh Khôi và thực hiện cắt lỗ sau khi cổ phiếu được tự do giao dịch

Tìm hiểu sâu hơn có thể thấy những thông tin của hai nữ nhà đầu tư có nhiều mối quan hệ với nhau và với Danh Khôi. Dòng tiền từ một ngân hàng đổ về hai cá nhân này cũng khá lớn.

Nói về những điểm trùng hợp, đầu tiên là việc cả bà Hà Thị Kim Thanh và Đào Thị Bạch Phượng có cùng địa chỉ tại phường An Lạc, Bình Tân, TP HCM. Thứ hai, cả hai cá nhân đều được một ngân hàng có chi nhánh TP HCM (Sẽ nhắc đến trong những bài viết sau) tài trợ lượng vốn lớn lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Cụ thể, vào tháng 12/2020, ông Nguyễn Đình Dũng và bà Hà Thị Kim Thanh sử dụng 24,225 triệu cổ phần, tương ứng 96,9% vốn của CTCP Bất động sản LDK làm tài sản bảo đảm cho khoản vay 1.200 tỷ đồng tại ngân hàng này. Tiếp đó, ngày 9/4/2021, ông Dũng và bà Thanh dùng 650.000 cổ phần (1% vốn) của CTCP Đầu tư Bất động sản NTR và 60,63 triệu cổ phần (97% vốn) của Công ty TNHH Bất động sản IDK làm tài sản bảo đảm. Bên nhận bảo đảm lại là chi nhành của ngân hàng đã được nhắc đến.

Sau đó, đến ngày 13/4/2021, ông Dũng và bà Thanh tiếp tục sử dụng vốn của CTCP Bất động sản ADK và tài sản khác bảo đảm cho khoản vay 256,8 tỷ đồng “ngân hàng quen thuộc”. Đáng chú ý, nội dung đều cho thấy, các khoản vay nhằm mục đích tiêu dùng cá nhân.

 Dòng tiền nghìn tỷ từ “một ngân hàng” tài trợ cho hai nữ cổ đông lớn của Danh Khôi. (Ảnh minh họa) 

Còn bà Đào Thị Bạch Phượng, cũng trong ngày 9/4/2021, bà cùng ông Nguyễn Đình Trí sử dụng63,7 triệu cổ phần của CTCP Đầu tư Bất động sản NTR (tương đương 98% vốn) làm tài sản bảo đảm tại đối tác ngân hàng quen thuộc. Đến ngày 13/4/2021, bà Phượng và ông Trí dùng 51,41 triệu cổ phần, (tương ứng 97%) vốn của Công ty TNHH Bất động sản EDK làm tài sản đảm bảo cho khoản vay 256,8 tỷ đồng cũng tại Chi nhánh ngân hàng đã cung cấp khoản vay cho ông Nguyễn Đình Dũng và bà Hà Thị Kim Thanh.

Một điểm cần lưu tâm, đó là các pháp nhân LDK, IDK, ADK, NTR hay EDK đã nhắc đến ở trên đều có nhiều mối quan hệ với Danh Khôi. Cụ thể, vào thời điểm cuối năm 2021, Danh Khôi có khoản phải thu từ vài tỷ đến hàng chục tỷ đồng tại các công ty này. Bất động sản NTR ký quỹ 190 tỷ đồng để đảm bảo môi giới độc quyền tại dự án Chung cư cao tầng Nhơn Hội phân khu 4.

Một điểm trùng hợp thứ ba đó là việc cả hai cổ đông lớn của Danh Khôi bà Đào Thị Bạch Phượng và  Hà Thị Kim Thanh đều có giao dịch với Tokyo Corporation (Nhật Bản). Theo đó, vào tháng 2/2022, bà Phượng dùng hơn 3,7 triệu cổ phiếu NRC làm tài sản bảo đảm cho đối tác Nhật Bản. Tiếp đến tháng 7/2022, bà Thanh dùng gần 12,9 triệu cổ phiếu NRC bảo đảm cho đối tác trên. Và cùng thời gian bà Thanh giao dịch, Danh Khôi và Tập đoàn Tokyo Corporation ký hợp tác chiến lược để phát triển dự án The Meraky Vũng Tàu.

chọn
Đầu tư Sài Gòn VRG (SIP): Có hơn 11.948 tỷ đồng khách trả trước, sắp thu nợ hơn nghìn tỷ từ các công ty chứng khoán
Theo BCTC quý I của  Công ty CP Đầu tư Sài Gòn VRG (SIP), doanh thu chưa thực hiện của doanh nghiệp đạt 11.948 tỷ đồng, có khoản phải thu về cho vay ngắn hạn hơn 1.353 tỷ đồng từ các công ty chứng khoán.