Ngôi nhà bị cháy sáng 13/7 tại Hà Nội chỉ có một đường thoát là cửa chính. Ảnh: Phạm Dự.
Ngày 13/7, ngôi nhà của ông Văn Trọng Bộ ở quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) bị lửa cháy bao trùm khiến cả bốn người trong gia đình tử vong. Khi vụ cháy xảy ra, những người sống xung quanh phải phá cửa khóa rất chặt mới vào được.
Theo lời hàng xóm, nhà có mặt bằng nhỏ, xây 4 tầng, mặt tiền có cửa sổ song sắt. Phần tum cũng được bao bọc kín. Bởi vậy, đường thoát hiểm duy nhất của các thành viên trong nhà là cửa ra vào tầng một.
Thiết kế nhà ống với phần mặt tiền đóng kín như ngôi nhà trên đang rất phổ biến ở thành phố lớn.
Trước đây, nhiều gia đình có xu hướng làm ban công ở các tầng trên, nằm ở mặt trước nhà. Đó cũng là chỗ ngồi chơi ngắm cảnh, đặt cây trang trí.
Tuy nhiên, khi mật độ nhà cao tầng tăng, khoảng diện tích này bị bỏ phí, cửa luôn phải đóng kín hoặc kéo rèm để tránh bị dòm ngó. Nhà cũng trở nên tối và bí bức.
Để đảm bảo an ninh và riêng tư, chủ nhà có thể dùng hệ lam bao kín nhưng nhất định phải mở được cửa. Ảnh: Quốc Anh.
Vì lẽ đó, các gia đình lựa chọn kiểu nhà lam gỗ, cửa sổ song sắt, gạch lỗ bao kín mặt trước. Cách thiết kế này giúp ánh sáng vào nhà, giảm bớt khói bụi, đảm bảo an ninh và riêng tư cho gia chủ.
Tuy nhiên, giải pháp này đồng thời biến ngôi nhà ống trở thành pháo đài không lối thoát khi cả bốn mặt của nhà bị bịt kín.
Ngôi nhà có mặt tiền được xây gạch bao nhưng có các khoảng trống bên hông để thoát hiểm. Ảnh: Giang Đoàn.
Theo KTS Đoàn Bằng Giang, để tránh tình trạng biến nhà thành lồng kín khi có cháy, các gia đình nên áp dụng triệt để những điều sau:
- Các tầng đều phải có lối mở ra bên ngoài. Nếu chủ nhà sử dụng lam gỗ, song sắt, gạch lỗ ở mặt tiền... thì vẫn cần một khoảng đóng mở được, đủ chỗ cho ít nhất một người chui ra.
- Các nhà cần có giếng trời tạo ra sự thông thoáng và để hơi độc tản bớt. Bố trí được giếng trời phía sau là tốt nhất vì sẽ tạo thêm một mặt thoáng nữa cho nhà ống. Nhờ đó, chủ nhà cũng có thêm một lối thoát hiểm khi gặp sự cố.
An Yên