Chủ thương hiệu Sữa Ba Vì muốn lấn sân làm bất động sản

CTCP Sữa Quốc Tế (chủ thương hiệu sữa Ba Vì, Lif, Kun) vừa công bố kế hoạch rót gần 500 tỷ đồng thành lập công ty kinh doanh bất động sản tại TP HCM. Tính đến cuối quý II, tổng tài sản của Sữa Quốc Tế là hơn 3.370 tỷ đồng với lượng tiền mặt chiếm gần 50%.

Hội đồng quản trị CTCP Sữa Quốc Tế (mã chứng khoán: IDP) vừa thông qua việc góp vốn thành lập CTCP Đầu tư Green Light với lĩnh vực hoạt động là kinh doanh bất động sản (ngành nghề chính) và hoạt động tư vấn quản lý (trừ tư vấn tài chính, kế toán, pháp luật).

Đơn vị mới này có trụ sở tại Nguyễn Văn Thủ, phường Đa Kao, quận 1, TP HCM, trùng địa chỉ với văn phòng tại TP HCM của Sữa Quốc Tế. 

Vốn điều lệ của đơn vị mới là 500 tỷ đồng, trong đó, phần vốn góp của Sữa Quốc Tế là 499,9 tỷ đồng, tương đương 99,98% vốn điều lệ. HĐQT công ty cũng cử người đại diện phần vốn góp này là bà Chu Hải Yến, Phó Tổng Giám đốc (quản lý 50% phần vốn) và ông Phan Văn Thắng, Giám đốc Tài chính (quản lý 50% phần vốn). 

Công ty Sữa Quốc Tế được thành lập từ năm 2004 với ngành nghề kinh doanh chính là chế biến và kinh doanh sữa và các sản phẩm từ sữa. Trên thị trường, doanh nghiệp này được biết tới với ba thương hiệu sữa chính là Ba Vì, Lif và Kun. Hiện, vốn điều lệ của công ty là gần 589,5 tỷ đồng.

Sữa Quốc Tế cũng là một doanh nghiệp đại chúng và bắt đầu giao dịch cổ phiếu trên thị trường Upcom với mã IDP từ ngày 7/1/2021, giá tham chiếu trong ngày đầu giao dịch là 50.000 đồng/cp. Kết phiên giao dịch ngày 25/8, thị giá IDP đang ở mức 155.800 đồng/cp, cao gấp 3,1 lần giá tham chiếu, tương đương vốn hóa thị trường đang ở mức 9.184 tỷ đồng. 

Báo cáo tài chính gần nhất cho thấy, 6 tháng đầu năm nay, công ty đạt tổng doanh thu thuần 2.784 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Chiếm 99,9% trong cơ cấu doanh thu là từ bán thành phẩm, cũng tăng 17% so với cùng kỳ. 

Từ đó, công ty báo lãi sau thuế tăng 11% lên 452 tỷ đồng. 

Tại thời điểm cuối quý II, tổng tài sản của Sữa Quốc Tế là 3.373 tỷ đồng, tăng 14% so với thời điểm đầu năm, trong đó, lượng tiền mặt là hơn 1.640 tỷ đồng, tăng 34%, chủ yếu là tiền gửi tại các ngân hàng thương mại.  

 

chọn
Hai thách thức lớn của Long Hậu
Đánh giá về 2024, Long Hậu cho rằng các chính sách pháp luật có nhiều thay đổi, là một trong những rủi ro ảnh hưởng đối với các nhà phát triển khu công nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp ngoài ngành bắt đầu chuyển hướng đầu tư sang BĐS công nghiệp cũng làm gia tăng sự cạnh tranh trong lĩnh vực này.