Sáng ngày 24/4, CTCP Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (mã chứng khoán: HHV) đã tiến hành ĐHĐCĐ thường niên 2022. Năm nay, HHV lên kế hoạch tiếp tục chi 4.000 tỷ đồng để phát triển các dự án cao tốc.
Được biết đến là nhà phát triển các dự án hạ tầng quy mô hàng nghìn tỷ đồng, phương án huy động vốn trong thời gian tới của Đèo Cả nhận được sự quan tâm của các cổ đông trong bối cảnh các kênh huy động vốn như trái phiếu, tín dụng bị siết chặt.
Chia sẻ tại buổi làm việc, Chủ tịch HĐQT HHV, ông Hồ Minh Hoàng thừa nhận cảm thấy lo lắng khi các kênh huy động vốn bị siết.
"Nói về công cụ tài chính để thực thi dự án, Đèo Cả lựa chọn các kênh cổ phiếu, trái phiếu, tín dụng. Tôi khẳng định chúng tôi có sự lo lắng khi kênh tín dụng và trái phiếu bị siết. Trước bối cảnh nói trên, chúng tôi đã tính toán tổ chức và chuẩn bị phương án.
Trước đây làm dự án, tín dụng chúng tôi vay 30 năm mới hoàn vốn. Tại dự án Bắc Giang - Lạng Sơn chúng tôi đầu tư không có Nhà nước tham gia. Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận thì có một phần vốn ngân hàng và một phần Nhà nước, nhưng nhìn chung là tín dụng trợ cấp, thời gian vay vốn dài.
Hiện, chúng tôi đang tính toán lại ngưỡng tín dụng dưới ngưỡng 15 năm để đảm bảo kịch bản tài chính và các nhà thu xếp tín dụng cảm thấy phù hợp, chịu đựng được.
Còn về trái phiếu, trên thế giới trái phiếu là công cụ để thực hiện các dự án lớn. Mục đích sử dụng trái phiếu của Đèo Cả rất rõ ràng: huy động vốn để thực hiện dự án hạ tầng giao thông, không sử dụng mục đích khác.
Hiện nay, tôi thấy cách làm trái phiếu của Đèo Cả đang đi đúng hướng. Chúng tôi cũng không vội sử dụng kênh trái phiếu khi vốn nhàn rỗi của nhà đầu tư và cổ đông đang khá tốt, thay vào đó trái phiếu sẽ là kênh huy động sau cùng", ông Hoàng nói.
Cũng theo Chủ tịch Đèo Cả, doanh nghiệp đã kết nối và ký kết hợp tác chiến lược với các đối tác như Thành Thành Công, Tasco, Phú Mỹ, Văn Phú... để đa dạng hóa về nguồn vốn và chia sẻ những khó khăn trong ngắn hạn, dài hạn.
"Với bối cảnh hiện nay, nếu chọn các đối tác quá lớn thì chúng tôi sẽ bị lấn lướt và không tạo ra được sự khác biệt, không tạo ra được giá trị thặng dư. Nhưng chọn đối tác nhỏ thì năng lực cũng không đảm bảo.
Các đối tác của Đèo Cả hiện nay có những thế mạnh khác nhau: Thành Thành Công có thế mạnh làm BĐS nghỉ dưỡng, còn Tasco có kinh nghiệm về thu phí không dừng ETC, Phú Mỹ chuyên về khu công nghiệp... Việc hợp tác với các đối tác này sẽ đa dạng hóa tiềm lực cho Đèo Cả", ông Hoàng cho biết.
Tựu trung, Ban lãnh đạo HHV đưa ra phương án điều chỉnh cấu trúc tài chính nhóm tín dụng BOT để được cho vay dưới 15 năm, làm rõ mục sử dụng vốn của trái phiếu để trái chủ yên tâm, chọn lọc các cổ đông chiến lược để đồng hành dài hạn trên 5 năm, ưu tiên các dự án theo hợp đồng hợp tác BCC.
Tại đại hội, lãnh đạo HHV cũng được hỏi về khả năng lấn sân sang mảng bất động sản (BĐS) trong tương lai, khi các đối tác như Văn Phú, Tasco hay TTC đều là những nhà phát triển BĐS song hành với xây dựng hạ tầng, làm trạm thu phí.
Theo Chủ tịch Hồ Minh Hoàng, HHV sẽ làm BĐS nhưng theo cách đặc biệt.
"BĐS là một lĩnh vực tạo ra lợi nhuận rất cao, nhưng với thể chế, chính sách hiện nay thì tôi e rằng làm BĐS hơi vất vả. Thời gian qua, nhiều dự án BĐS thường kéo dài và chậm, dẫn đến sức chịu đựng của doanh nghiệp đạt giới hạn.
Đèo Cả sẽ làm BĐS, nhưng không phải tổ chức theo mô hình bán dự án, bán bán nhà, những cái đấy dành cho đơn vị khác, còn chúng tôi sẽ làm hạ tầng, hợp tác tạo động lực cho các nhà phát triển khu công nghiệp, khu đô thị vốn có thế mạnh về BĐS để thu hút dòng người và dòng tiền, lúc đó Đèo Cả chắc chắn sẽ được chia sẻ lợi ích.
Chúng tôi khẳng định sẽ tham gia BĐS, nhưng sẽ thông qua các nhà đầu tư BĐS chuyên nghiệp và những đối tác chiến lược như Thành Thành Công, Văn Phú hay Tasco...", ông Hoàng chia sẻ.