Chủ tịch TP Hà Nội: Không có chuyện 200 giáo viên hợp đồng hơn 20 năm mất việc

Hơn 200 giáo viên hợp đồng ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội) đang rất lo lắng trước nguy cơ bị mất việc vì sắp tới, thành phố sẽ tổ chức thi tuyển viên chức và họ có mong muốn đặc xét đặc cách vì đã cống hiến nhiều năm trong ngành.

Trong số 200 giáo viên hợp đồng ở Sóc Sơn có nhiều giáo viên dạy giỏi cấp thành phố

Mới đây, hơn 200 giáo viên hợp đồng tại huyện Sóc Sơn vừa gửi đơn kiến nghị đến các cấp lãnh đạo thành phố trước nguy cơ họ bị mất việc do sắp tới, TP Hà Nội sẽ tổ chức thi tuyển viên chức năm 2019.

Chủ tịch TP Hà Nội: Không có chuyện 200 giáo viên hợp đồng hơn 20 năm mất việc - Ảnh 1.

Nhiều giáo viên hợp đồng ở Sóc Sơn có thâm niên gắn bó với ngành giáo dục từ 20 năm trở lên. Ảnh: Đình Tuệ.

Chia sẻ trên báo Người Lao động, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, hiện thành phố mới chỉ có chủ trương để tuyển và đang xây dựng tiêu chuẩn. Nhưng không có chuyện số giáo viên đang làm có thâm niên 20 hay 27 năm mất việc.

Theo đơn kiến nghị của hơn 200 giáo viên hợp đồng dạy cấp tiểu học và THCS ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội), sau khi tốt nghiệp các trường sư phạm, họ được UBND huyện Sóc Sơn kí hợp đồng lao động và được phân công về giảng dạy tại các trường trên địa bàn. Tính đến thời điểm này, đã có giáo viên công tác trong ngành giáo dục huyện Sóc Sơn gần 30 năm.

"Ngay từ những ngày huyện Sóc Sơn còn thiếu giáo viên, chúng tôi đã nhận dạy hợp đồng cho huyện. Dù đời sống có gặp nhiều khó khăn nhưng chúng tôi luôn nỗ lực phấn đấu cống hiến cho sự nghiệp giáo dục của huyện.

Nhiều giáo viên hợp đồng chúng tôi đã từng là giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp thành phố. Không ít thầy cô luôn là giáo viên mũi nhọn trong nhà trường, bồi dưỡng được nhiều học sinh giỏi tham gia kì thi học sinh giỏi cấp thành phố...

Trong quá trình công tác, chúng tôi đều được đóng bảo hiểm liên tục, được tăng lương và hưởng các chế độ theo qui định. Vì vậy, chúng tôi đã yên tâm gắn bó với công tác giáo dục của huyện suốt nhiều năm qua.

Nhưng khi nghe thông tin lãnh đạo huyện Sóc Sơn yêu cầu các giáo viên hợp đồng phải nộp hồ sơ thi, nếu thi không đỗ hoặc không thi thì sẽ cắt hợp đồng khiến chúng tôi vô cùng lo lắng...", cô Bùi Hương Lan - giáo viên trường THCS Đức Hòa (Sóc Sơn, Hà Nội) chia sẻ.

3 kiến nghị của Công đoàn Giáo dục Việt Nam

Chủ tịch TP Hà Nội: Không có chuyện 200 giáo viên hợp đồng hơn 20 năm mất việc - Ảnh 2.

Các giáo viên hợp đồng tại Sóc Sơn đang mong muốn các cấp lãnh đạo xem xét, tuyển đặc cách họ vào biên chế vì đã cống hiến nhiều năm trong ngành. Ảnh: Đình Tuệ.

Cũng liên quan đến trường hợp hơn 200 giáo viên hợp đồng tại Sóc Sơn, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã có kiến nghị gửi Chủ tịch UBND thành phố, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội 3 việc.

Một là, quan tâm, có giải pháp để có thể xem xét đặc cách hoặc có chính sách ưu tiên thích hợp trong quá trình thi tuyển viên chức đối với các giáo viên tham gia giảng dạy lâu năm, tâm huyết với nghề; có trình độ chuyên môn tốt (giáo viên dạy giỏi các cấp, giáo viên có nhiều thành tích trong công tác...), giáo viên tham gia công tác quản lí, từ tổ trưởng các tổ chuyên môn trở lên, giáo viên là cán bộ công đoàn từ tổ trưởng công đoàn trở lên, giáo viên có hoàn cảnh khó khăn.

Hai là, đối với số giáo viên không trúng tuyển nhưng đã có thời gian công tác trong ngành Giáo dục nhiều năm thì xem xét, tiếp tục kí hợp đồng và bố trí ở những nơi còn thiếu.

Ba là, đối với những giáo viên hợp đồng không trúng tuyển và không bố trí được thì thực hiện các chế độ theo qui định của Nhà nước, cần có sự quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ để họ có cơ hội chuyển đổi công việc, tìm kiếm việc làm mới, sớm ổn định cuộc sống.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.