Ngày 11/1, Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã công bố thông tin về việc xin tự nguyện đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán đấu giá đất tại Thủ Thiêm.
Lý do doanh nghiệp đưa ra, bởi sau khi lắng nghe và ghi nhận các ý kiến phân tích từ cơ quan quản lý Nhà nước và dư luận, có ý kiến cho rằng kết quả trúng đấu giá ở mức cao như vậy có thể dẫn đến hệ lụy không tốt.
Do đó, để đảm bảo sự ổn định của thị trường, doanh nghiệp đề nghị đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán đấu giá tài sản của ô đất 3-12, đồng thời chấp nhận chịu mọi chế tài về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng.
Trước đó, ngày 10/12/2021, thành viên của Tân Hoàng Minh là Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt đã trúng đấu giá ô đất 10.060 m2 tại KĐT mới Thủ Thiêm với giá 24.500 tỷ đồng (2,45 tỷ đồng/m2).
Trao đổi với người viết trước đó, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho hay, ngay sau thương vụ đấu giá Thủ Thiêm, thị trường BĐS đã nhanh chóng xuất hiện những tác động.
Cụ thể, theo báo cáo của Ban chấp hành VARS khu vực phía nam, trong ngày 13 và 14/12, các dự án đã ngay lập tức chững lại, không bán hàng để nghe ngóng thông tin, hoàn toàn có khả năng điều chỉnh tăng giá bán.
"Đây là hệ quả không tốt cho thị trường chút nào, vì bản chất bất động sản vốn tăng trưởng từ trước đến nay rất bền vững chứ không tăng vọt như thế này", ông Đính chia sẻ.
Vị này cho hay, năm 2019, Thủ Thiêm từng được thiết lập một đỉnh giá mới khi một số chủ đầu tư ra hàng chung cư với giá lên đến 60 - 80 triệu đồng/m2.
Ngay lập tức, đỉnh giá này đã kéo theo một loạt bất động sản ở TP HCM tăng giá, kể cả các dự án giá rẻ cũng bị đẩy từ 20 triệu đồng/m2 lên thành 30 triệu đồng/m2.
Hệ quả này còn lan tỏa ra sang các tỉnh xung quanh, chẳng hạn như Bình Dương, giá tăng từ khoảng 10 triệu đồng/m2 lên 45 triệu đồng/m2.
Theo ông Đính, vụ đấu giá đất Thủ Thiêm vừa qua lại tạo ra một đỉnh giá mới, không phải mức tăng bao nhiêu phần trăm, mà tăng cả hàng chục lần. Đây là mức tăng quá khủng khiếp, nói theo ngôn ngữ nhà đầu tư là giá "trên trời", ít hay nhiều sẽ tác động vào thị trường BĐS.
"Vẫn có khả năng nhà đầu tư trả giá rồi bỏ cọc, bởi thị trường đã chứng kiến nhiều trường hợp như vậy. Họ sẵn sàng mất số tiền cọc để nâng giá những dự án xung quanh, sâu xa hơn có thể định giá lại tài sản và tác động vào thị trường chứng khoán...
Với những trường hợp như thế, phải nghiêm trị, nghiêm cấm doanh nghiệp tham gia vào hoạt động BĐS trên toàn quốc vĩnh viễn", ông Đính nói.