Những ngày qua, thương vụ đấu giá đất Thủ Thiêm trở thành đề tài được bàn tán sôi nổi của giới bất động sản, khi thành viên Tập đoàn Tân Hoàng Minh tuyên bố sẽ chi gần 1,1 tỷ USD để sở hữu khu đất hơn 10.000 m2, tương đương khoảng 2,43 tỷ đồng/m2.
Mức giá nói trên đã thiết lập nên một kỷ lục mới trên thị trường, không chỉ ở Việt Nam mà còn bỏ xa nhiều thành phố vốn nổi tiếng đắt đỏ trên thế giới như Monaco, Hồng Kông hay New York...
Trao đổi với người viết, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho hay, thương vụ đấu giá đất vàng Thủ Thiêm vừa qua đã bắt đầu tác động đến thị trường BĐS khu vực phía nam.
"Theo báo cáo của Ban chấp hành VARS khu vực phía nam, trong ngày hôm qua và hôm nay, các dự án đã ngay lập tức chững lại, không bán hàng để nghe ngóng thông tin, hoàn toàn có khả năng điều chỉnh tăng giá bán.
Đây là hệ quả không tốt cho thị trường chút nào, vì bản chất bất động sản vốn tăng trưởng từ trước đến nay rất bền vững chứ không tăng vọt như thế này", ông Đính chia sẻ.
Vị này cho hay, năm 2019, Thủ Thiêm từng được thiết lập một đỉnh giá mới khi một số chủ đầu tư ra hàng chung cư với giá lên đến 60 - 80 triệu đồng/m2.
Ngay lập tức, đỉnh giá này đã kéo theo một loạt bất động sản ở TP HCM tăng giá, kể cả các dự án giá rẻ cũng bị đẩy từ 20 triệu đồng/m2 lên thành 30 triệu đồng/m2.
Hệ quả này còn lan tỏa ra sang các tỉnh xung quanh, chẳng hạn như Bình Dương, giá tăng từ khoảng 10 triệu đồng/m2 lên 45 triệu đồng/m2.
"Vụ đấu giá đất Thủ Thiêm mới đây lại tạo ra một đỉnh giá mới, không phải mức tăng bao nhiêu phần trăm, mà tăng cả hàng chục lần. Đây là mức tăng quá khủng khiếp, nói theo ngôn ngữ nhà đầu tư là giá "trên trời".
Còn quá sớm để kết luận thương vụ đấu giá này có tạo ra sự ảnh hưởng của thị trường hay không, nhưng ít hay nhiều nó vẫn có sự tác động", Chủ tịch VARS nhận định.
Cũng theo ông Đính, quyền trả giá là của nhà đầu tư, họ có quyền tự quyết về phương án đầu tư. Tuy nhiên bản thân ông và đại đa số nhà đầu tư đều thấy rằng, mức giá 2,43 tỷ đồng/m2 là con số không tưởng và để kinh doanh có lãi là bất khả thi.
"Đến hiện tại, chưa thể nói thương vụ này là thật hay giả, nhưng nếu là thật, chắc chắn điều này sẽ gây nên hiệu ứng ảnh hưởng đến giá bất động sản trên thị trường.
Trong bối cảnh hàng hóa bất động sản trên thị trường đang khan hiếm, vụ đấu giá Thủ Thiêm giống như một cú hích để các chủ đầu tư đẩy giá lên, điều này không tốt cho thị trường chút nào.
Nguyên lý của bất động sản là chỉ tăng trưởng khi có sự đầu tư mạnh mẽ thực tế, tức là đầu tư về đất, xây thô, hoàn thiện nội thất, tiện ích xung quanh... Còn ở đây không có một sự đầu tư thực tế nào mà giá lại tăng mạnh, về lý thuyết đây là tăng giá ảo, là bong bóng.
Một khi thị trường đã giá ảo, bong bóng thì sẽ chững lại, không có giao dịch, từ đó dẫn đến khủng hoảng, đóng băng.
Cũng không loại trừ khả năng nhà đầu tư trả giá rồi bỏ cọc, thị trường đã chứng kiến nhiều trường hợp như vậy. Họ sẵn sàng mất số tiền cọc để nâng giá những dự án xung quanh, sâu xa hơn có thể định giá lại tài sản và tác động vào thị trường chứng khoán...", ông Đính nói.
Đấu giá - Đấu thầu 16:42 | 25/05/2022
Đấu giá - Đấu thầu 06:20 | 18/05/2022
Đấu giá - Đấu thầu 09:38 | 05/05/2022
Đấu giá - Đấu thầu 22:24 | 23/04/2022
Đấu giá - Đấu thầu 22:05 | 23/02/2022
Đấu giá - Đấu thầu 05:55 | 29/01/2022
Thị trường 21:26 | 18/01/2022
Đấu giá - Đấu thầu 23:10 | 17/01/2022