Thương vụ đấu giá tỷ USD đất vàng Thủ Thiêm đưa tên tuổi Tân Hoàng Minh 'nóng' trở lại, hé lộ cuộc chuyển mình một năm qua

Sau thương vụ đấu giá tỷ USD đất vàng Thủ Thiêm rầm rộ vừa qua, sự chú ý của giới BĐS theo đó kéo sang những động thái trong một năm gần đây của Tân Hoàng Minh như màn tăng vốn âm thầm vượt hàng loạt ông lớn địa ốc (BRG, Sunshine, DIC Corp...), tham vọng mở rộng quỹ đất cùng việc từ bỏ chiến lược chuyên làm BĐS hạng sang của doanh nghiệp này.

Thương vụ đấu giá tỷ USD đất vàng Thủ Thiêm đưa tên tuổi Tân Hoàng Minh "nóng" trở lại

Những ngày qua, thương vụ đấu giá đất Thủ Thiêm của Tân Hoàng Minh trở thành đề tài được bàn tán sôi nổi của giới bất động sản, khi Chủ tịch Đỗ Anh Dũng tuyên bố sẽ chi gần 1,1 tỷ USD để sở hữu khu đất hơn 10.000 m2.

Cụ thể, Công ty TNHH Đầu tư BĐS Ngôi Sao Việt - thành viên của Tân Hoàng Minh đã trúng đấu giá lô đất ký hiệu 3 -12 với giá 24.500 tỷ đồng, cao gấp 8,3 lần giá khởi điểm ban đầu (2.942 tỷ đồng), tương đương khoảng 2,43 tỷ đồng/m2.

Mức giá nói trên đã thiết lập nên một kỷ lục mới trên thị trường, không chỉ ở Việt Nam mà còn bỏ xa nhiều thành phố vốn nổi tiếng đắt đỏ trên thế giới như Monaco, Hồng Kông hay New York...

Thương vụ đấu giá tỷ USD và màn tái xuất của Tân Hoàng Minh sau hai năm kín tiếng - Ảnh 1.

Một góc KĐT mới Thủ Thiêm. (Ảnh: Hoàng Huy).

Tân Hoàng Minh là một trong những thương hiệu đình đám trên thị trường BĐS giai đoạn 2009 - 2017 trước khi doanh nghiệp vướng vào lùm xùm nhận kết luận thanh tra từ Bộ Xây dựng về loạt sai phạm tại các dự án Hoàng Cầu, dự án Nguyễn Văn Huyên và dự án Quảng An vào tháng 6/2017.

Doanh nghiệp sở hữu loạt dự án hạng sang đến siêu sang trên các khu đất vàng Hà Nội như dự án D'. Palais Louis - Nguyễn Văn Huyên, D'. Le Roi Soleil - Quảng An, D'. Le Pont D'or - Hoàng Cầu... Giá bán các sản phẩm của chủ đầu tư này được tiết lộ vào thời điểm đó gần như đắt nhất toàn thị trường.

Theo báo cáo của Savills Việt Nam, Tân Hoàng Minh còn từng "sánh vai" với Vingroup dẫn đầu về doanh số bán căn hộ và số lượng bán hàng tại thị trường Hà Nội vào năm 2017.

Sau thời điểm liên tục xuất hiện trên báo giới về các sai phạm hồi cuối năm 2017, Tân Hoàng Minh trở nên "im hơi lặng tiếng" hơn trong hai năm sau đó khi không công bố thêm dự án mới nào.

Liên tiếp mở rộng quỹ đất trong năm qua

Trước khi lấy lại sự chú ý của giới BĐS qua thương vụ đấu giá tỷ USD đất vàng Thủ Thiêm những ngày qua, Tân Hoàng Minh thực tế đã rục rịch đề xuất làm các dự án mới tại nhiều địa phương trên cả nước kể từ cuối năm 2020.

Cụ thể, tháng 12/2020, Tân Hoàng Minh đã làm việc với UBND tỉnh Thái Nguyên và nghiên cứu khảo sát, lập và thực hiện ba dự án tại địa phương này, gồm Khu công nghệ thông tin tập trung và đô thị Yên Bình THM - CN (thuộc thị xã Phổ Yên và huyện Phú Bình); Khu du lịch nghỉ dưỡng tâm linh Thiên Tây Trúc - Đại Từ THM - TL (huyện Đại Từ); Khu đô thị THM - Smart City dọc Sông Công (TP Sông Công).

Riêng đối với dự án Khu công nghệ thông tin tập trung và đô thị Yên Bình THM - CN, ông Dũng cho biết, dự án có quy mô nghiên cứu hơn 540 ha, tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 4.200 tỷ đồng.

Cũng trong tháng 12, doanh nghiệp đến Đắk Lắk để tìm hiểu đầu tư. Tại đây, Tân Hoàng Minh đã bày tỏ sự quan tâm đến lĩnh vực BĐS, trong đó có các dự án tổ hợp khách sạn, trung tâm thương mại, nông nghiệp công nghệ cao tại địa phương này.

Tập đoàn cũng đề xuất tham gia đấu giá tài sản gắn liền với đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất của Bệnh viện Đa khoa tỉnh (cũ) tại số 2 Mai Hắc Đế, phường Tân Thành, TP Buôn Ma Thuột, đồng thời trình bày phương án quy hoạch dự án trên khu đất này.

Thương vụ đấu giá tỷ USD và màn tái xuất của Tân Hoàng Minh sau hai năm kín tiếng - Ảnh 2.

Dự án D'. Le Pont D'or - Hoàng Cầu của Tân Hoàng Minh. (Ảnh: Hoàng Huy).

Sang năm 2021, Tân Hoàng Minh tiếp tục cho thấy tham vọng mở rộng quỹ đất và tìm kiếm những dự án mới. 

Tháng 4/2021, Tân Hoàng Minh tìm về Phú Yên, đề xuất triển khai các dự án đầu tư ở các lĩnh vực cảng biển, lọc dầu; BĐS; nông nghiệp công nghệ cao, chăn nuôi,…

Vào tháng 6 vừa qua, liên danh Ngôi Sao Việt và CTCP Cung Điện Mùa Đông (một công ty thành viên khác của Tân Hoàng Minh) là nhà đầu tư duy nhất nộp hồ sơ quan tâm dự án Khu công nghệ thông tin (CNTT) tập trung Yên Bình. Dự án này nằm tại xã Tiên Phong, thị xã Phổ Yên và xã Nga My, huyện Phú Bình, Thái Nguyên. Giai đoạn 1 của dự án có diện tích thực hiện 200 ha, tổng chi phí thực hiện sơ bộ hơn 1.645 tỷ đồng.

Cuối tháng 8, doanh nghiệp đã đề xuất UBND tỉnh Lâm Đồng cho phép nghiên cứu, khảo sát và thực hiện dự án Khu đô thị - du lịch - phim trường tại xã Xuân Thọ, TP Đà Lạt với quy mô khoảng 2.000 ha.

Tháng 11, Tân Hoàng Minh và UBND tỉnh Lạng Sơn đã ký biên bản thoả thuận về việc khảo sát lập quy hoạch hai dự án đầu tư thuộc lĩnh vực đô thị, công nghiệp và thương mại dịch vụ với tổng vốn đầu tư dự kiến 12.500 tỷ đồng.

Sau đó không lâu, doanh nghiệp ông Dũng đã đề xuất được khảo sát, lập quy hoạch Khu đô thị Nam Thái 120 ha tại xã Nam Tiến, Phổ Yên, Thái Nguyên.

Từ bỏ chiến lược chuyên làm BĐS hạng sang?

Đáng chú ý, gần nhất vào ngày 10/12, Tân Hoàng Minh cho biết đã hợp tác cùng một công ty thành viên của Hàn Quốc SH - Tập đoàn phát triển nhà ở thương mại và xã hội nhằm phát triển mô hình "nhà ở xã hội lắp dựng sẵn" tại Việt Nam. 

Theo đó, từ năm 2022, bên cạnh phát triển căn hộ cao cấp, doanh nghiệp sẽ mở rộng sang mảng xây dựng nhà ở cho những người lao động có thu nhập thấp... 

Đây là động thái đáng chú ý khi tên tuổi của doanh nghiệp này từ trước đến nay đều gắn với những dự án hạng sang và siêu sang với mức giá bán cực đắt đỏ. 

Ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tân Hoàng Minh còn là người từng rất kiên định với chiến lược phát triển BĐS hạng sang, thậm chí cả trong những giai đoạn thị trường rơi vào khủng hoảng khiến nhiều chủ đầu tư phải chuyển hướng sang phân khúc BĐS bình dân hơn.

Bên cạnh việc hợp tác với tập đoàn Hàn Quốc, ngay trong động thái liên tục đề xuất khảo sát dự án tại các tỉnh ngoài thủ đô và TP HCM cũng cho thấy phần nào thay đổi trong chiến lược của Tân Hoàng Minh.

Thương vụ đấu giá tỷ USD đất vàng Thủ Thiêm đưa tên tuổi Tân Hoàng Minh 'nóng' trở lại, hé lộ cuộc chuyển mình một năm qua - Ảnh 3.

Dự án Vinhomes D'. Capitale Trần Duy Hưng của thành viên Tân Hoàng Minh. (Ảnh: Hoàng Huy).

Âm thầm tăng vốn vượt hàng loạt ông lớn như BRG, Sunshine, DIC Corp...

Trở lại câu chuyện Tân Hoàng Minh trúng đấu giá lô đất ký hiệu 3 -12 với giá 24.500 tỷ đồng, giới đầu tư lo ngại tình hình nguồn vốn và khả năng chi trả của doanh nghiệp này trong 60 ngày tới. 

Bởi theo quy chế cuộc đấu giá tài sản được Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản TP. HCM ban hành, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày ký thông báo của cơ quan thuế, bên trúng đấu giá phải thanh toán cho ngân sách nhà nước 50% số tiền mua tài sản. 60 ngày tiếp theo, bên trúng đấu giá sẽ thanh toán đủ số tiền còn lại.

Theo tìm hiểu, trước tháng 8/2020, vốn điều lệ của Tân Hoàng Minh chỉ đạt 2.680 tỷ đồng, trong đó ba cổ đông là ông Đỗ Anh Dũng nắm 97,2%; ông Trần Hồng Sơn nắm 1% và ông Mạnh Hoàng Thao nắm 1,8%.

Thương vụ đấu giá tỷ USD đất vàng Thủ Thiêm đưa tên tuổi Tân Hoàng Minh 'nóng' trở lại, hé lộ cuộc chuyển mình một năm qua - Ảnh 4.

Cơ cấu cổ đông hiện nay của Tân Hoàng Minh. (Nguồn: Đăng ký kinh doanh của Tân Hoàng Minh cập nhật đến ngày 15/5/2021).

Tuy nhiên trong tháng 8/2020, vốn điều lệ doanh nghiệp bất ngờ tăng lên 10.000 tỷ đồng với cơ cấu cổ đông thay đổi hoàn toàn. 

Thời gian này doanh nghiệp chưa có động thái nào cho thấy sự trở lại sau hai năm "im hơi lặng tiếng", do vậy đợt tăng vốn khủng của Tân Hoàng Minh không thu hút sự chú ý của thị trường khi đó.

Không rõ trong chưa đầy hai năm Tân Hoàng Minh đã thu xếp nguồn tiền ra sao, nhưng quy mô vốn 10.000 tỷ đồng đã vượt qua hàng loạt "ông lớn" BĐS như BRG Group (8.200 tỷ đồng), Sunshine Group (8.500 tỷ đồng), Đất Xanh (5.200 tỷ đồng), DIC Corp (5.094 tỷ đồng).

Mức vốn này thậm chí bỏ xa vốn điều lệ của nhiều ngân hàng trong nước như Bac A Bank (7.085 tỷ đồng), ABBank (5.713 tỷ đồng), Vietbank (4.777 tỷ đồng)…

Hiện nay, ngoài ông Đỗ Anh Dũng nắm trên 50% vốn Tân Hoàng Minh, phần vốn còn lại nằm trong tay 5 doanh nghiệp có liên quan đến tập đoàn.

Công ty TNHH Tư vấn Xây dựng Anh Thắng (9,01%); Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Ngọc Việt (9,83%); Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Bắc Hà (10,96%); Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Mạnh Loan (11,09%) và CTCP Đầu tư và Dịch vụ Khách sạn Soleil (7,63%).

5 doanh nghiệp đang nắm cổ phần tại Tân Hoàng Minh

Công ty Anh Thắng được thành lập vào tháng 5/2011, có trụ sở ngay tại dự án D'. Le Pont D'or. Tại ngày 7/7, doanh nghiệp có vốn điều lệ 375 tỷ đồng, hai cổ đông gồm ông Nguyễn Minh Tú (5,334%) và Giám đốc Lê Văn Thịnh (94,666%). Trước đó, Công ty TNHH Đầu tư BĐS Ngôi Sao Việt – công ty thành viên Tân Hoàng Minh nắm 98,67% vốn điều lệ của Anh Thắng.

Kế đến là Công ty Ngọc Việt, doanh nghiệp được thành lập tháng 2/2009, có trụ sở tại TP HCM. Tại ngày 30/6/2021, Ngọc Việt có vốn điều lệ 365 tỷ đồng, bà Vũ Thị Huyền Trang sở hữu 98,9% và Giám đốc Phùng Thị Mai nắm 1,1%. Trước đó, Ngôi Sao Việt cũng từng sở hữu 98,9% vốn điều lệ của Ngọc Việt.

Về Soleil, doanh nghiệp này được thành lập vào tháng 5/2008, đồng thời là thành viên của Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh (Tập đoàn Tân Hoàng Minh). Hiện nay, Soleil có trụ sở chính tại dự án D'. Le Roi Soleil Quảng An.

Cổ đông thứ 4 của Tân Hoàng Minh là Công ty Bắc Hà, tại ngày 7/7/2021, doanh nghiệp có vốn điều lệ 1.080 tỷ đồng, gồm hai cổ đông là ông Hoàng Trung Kiên (35%) và ông Lê Mạnh Dũng (65%), Giám đốc là ông Vũ Mạnh Hùng. Trước đó, 99,8% vốn điều lệ của Bắc Hà được nắm giữ bởi hai thành viên của Tân Hoàng Minh – Soleil và Ngôi Sao Việt.

Cuối cùng là Công ty Mạnh Loan, được thành lập năm 2011, tại thời điểm tháng 7/2021 có vốn điều lệ 1.200 tỷ đồng, hai cổ đông là ông Lê Mạnh Dũng (99,083%) và Trần Hoài Ly (0,917%), Giám đốc là ông Nguyễn Mạnh Hùng. Trước đó, Ngôi Sao Việt nắm 99,25% vốn điều lệ của Mạnh Loan.

Liên tục tìm kiếm dòng tiền phục vụ hoạt động đầu tư

Không chỉ dừng lại ở việc tăng vốn, từ đầu năm 2021 đến nay, nhóm doanh nghiệp Tân Hoàng Minh dồn dập phát hành trái phiếu để huy động vốn cho hoạt động đầu tư. 

Đơn cử, công ty thành viên Soleil, doanh nghiệp này đã có ba lần phát hành trái phiếu với tổng giá trị 1.750 tỷ đồng, số tiền thu về dùng để hợp tác đầu tư dự án khu du lịch phức hợp Hoàng Hải (12,4 ha) tại khu 5, khu phức hợp Bãi Trường, xã Dương Tơ, huyện Phú Quốc, Kiên Giang.

Ngôi Sao Việt từ đầu năm đến nay cũng đã phát hành hai lô trái phiếu với tổng giá trị 2.700 tỷ đồng.

Trong đó, 800 tỷ đồng được doanh nghiệp bố trí  mua hơn 3 triệu cổ phần của CTCP Đầu tư Phát triển và Thương mại Việt Tiến (tương ứng 51% vốn điều lệ của Việt Tiến). Qua đó, Ngôi Sao Việt sẽ đầu tư vào công trình công cộng, dịch vụ thương mại và nhà ở tại hai lô đất thuộc khu đô thị mới Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội do Việt Tiến làm chủ đầu tư.

Đối với 1.900 tỷ đồng còn lại, thành viên Tân Hoàng Minh dùng để đặt cọc cho hợp đồng hợp tác kinh doanh dự án đầu tư xây dựng dải đất phía Nam đường Đại Cồ Việt (tương ứng 47% tổng mức đầu tư) để làm tổ hợp công trình dịch vụ công cộng, văn phòng, căn hộ tại lô I-A và lô II-III thuộc dải đất phía Nam đường Đại Cồ Việt, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội do Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Nam Đại Cồ Việt làm chủ đầu tư.

Dự án Nam Đại Cồ Việt được phê duyệt từ năm 2002, song sau gần 20 năm chưa hoàn thành. Sự xuất hiện của Tân Hoàng Minh dự kiến sẽ giúp hồi sinh lại dự án này.

Điểm nhấn đáng chú ý nữa trong năm 2021, nhóm Tân Hoàng Minh đã đưa một thành viên là CTCP Tổng Bách Hóa giao dịch trên thị trường UPCoM với mã chứng khoán TBH vào ngày 13/8.

Tháng 2 trước đó, Tổng Bách Hóa đã tăng vốn thêm 900 tỷ đồng thông qua chào bán riêng lẻ 90 triệu cổ phiếu cho cổ đông chiến lược.

Mục đích là trả nợ vay Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Thái Sơn (32 tỷ đồng) và đặt cọc đầu tư dự án "Khu nhà ở 486 Ngọc Hồi, thị trấn Văn Điển, Thanh Trì" (868 tỷ đồng). Phía mua vào là CTCP Đầu tư Xây dựng Phú Thanh, đơn vị thành viên của Tập đoàn Tân Hoàng Minh.

Tổng Bách Hóa được biết đến là đơn vị sở hữu các BĐS tại Hà Nội và Hải Phòng. Cụ thể, công ty có kế hoạch triển khai một số dự án tại hai thành phố này như Khu nhà ở tại 486 Ngọc Hồi, Văn Điển, Thanh Trì; Dự án - Tổ hợp trung tâm thương mại tại 15 Bích Câu, Đống Đa; Dự án Tổ hợp trung tâm thương mại, dịch vụ và nhà ở tại 23 Điện Biên Phủ, Quận Ngô Quyền, Hải Phòng.

Ngoài ra, Tổng Bách Hóa còn đang quản lý (trực tiếp, qua các đơn vị thành viên) các BĐS như 352 Giải Phóng (Hà Nội, diện tích 608 mét vuông), số 2 Phạm Bá Trực (Hồng Bàng, Hải Phòng, 457,8 mét vuông).