Tại các trường đại học được trao quyền tự chủ, học sinh, sinh viên đang lo ngại học phí sẽ tiếp tục “leo thang” bởi khi cắt ngân sách, các trường đại học vẫn chỉ trông đợi vào khoản thu chính từ học phí thay vì tìm kiếm các khoản thu từ hoạt động nội lực trong nghiên cứu, liên kết, chuyển giao công nghệ của các trường.
Cả nước hiện có 23 trường đại học được thí điểm mô hình tự chủ nhưng không phải trường nào cũng phát huy được hiệu quả |
Học phí tăng phải kèm theo giải trình
Rà soát hiệu quả sau khi được trao quyền tự chủ của 12 trong tổng số 23 trường đại học đầu tiên trên cả nước thực hiện thí điểm mô hình này, nhóm nghiên cứu trường ĐH Kinh tế quốc dân vừa công bố, các trường đại học công lập tự chủ thu từ học phí tăng 4,29% so với thời điểm trước tự chủ. Đây là nguồn thu chính của các trường đại học, chiếm trên 70% tổng thu của các trường trong khi chưa có sự thay đổi rõ rệt trước và sau tự chủ.
Trong khi đó, các khoản thu từ nghiên cứu khoa học, dịch vụ hay chuyển giao công nghệ, tư vấn doanh nghiệp chiếm tỷ trọng nhỏ và có xu hướng giảm trong cơ cấu nguồn thu của các trường.
Theo đánh giá của nhóm nghiên cứu, việc nguồn thu các trường phụ thuộc chủ yếu vào các yếu tố khách quan thì sẽ không bền vững và trong dài hạn sẽ gây bất lợi cho chất lượng đào tạo khi việc tuyển sinh gặp nhiều khó khăn hoặc nhà nước cắt giảm chỉ tiêu.
Cùng với việc tăng học phí, các trường đều cam kết tăng cường cơ sở vật chất, đảm bảo chất lượng đối với người học, thực hiện chính sách xã hội hóa, có những thay đổi về chính sách học bổng và học phí đối với đối tượng chính sách. Tuy nhiên, những thông tin để kiểm chứng cam kết này lại khó có thể tiếp cận, thống kê, đặc biệt là đối với đối tượng phụ huynh, sinh viên.
Trước việc cần minh bạch hóa thông tin, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, các trường đại học phải có một cơ chế để lập các quỹ học bổng hay các quy định cần thiết để đảm bảo cơ hội tiếp cận đại học cho đối tượng chính sách. Đồng thời nhất định phải đẩy mạnh kiểm định và xếp hạng, có như thế mới nâng cao được trách nhiệm giải trình với xã hội.
Nhiều trường trì hoãn tự chủ
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, các trường đại học cần thấy được trách nhiệm của mình trước vấn đề tự chủ vì nếu không thực hiện tự chủ sẽ có nguy cơ đào thải và tụt hậu rất xa.
Cũng theo Bộ trưởng, hiện các cơ sở giáo dục ĐH được giao thí điểm tự chủ vẫn chưa nhận thức đầy đủ về tự chủ ĐH, chưa chuẩn bị tốt các điều kiện để thực hiện tự chủ. Năng lực quản trị ĐH của nhiều trường chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, đặc biệt là cơ chế bảo đảm tính công khai, minh bạch cũng như nâng cao trách nhiệm giải trình với các bên liên quan.
Theo bà Nguyễn Thị Lan - Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, có 3 nguyên nhân cơ bản cản trở quá trình tự chủ đại học. Một là khung pháp lý chưa tạo thuận lợi cho các cơ sở giáo dục thực hiện quyền tự chủ; hai là cơ chế giám sát không dựa vào các chỉ số đánh giá thực hiện công việc, mà dựa chủ yếu vào kiểm soát đầu vào; ba là thiết chế hội đồng trường chưa rõ.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, tự chủ tài chính chỉ là một phần và được hiểu là tự chủ về thu và chi theo quy định pháp luật. “Mục đích cuối cùng của tự chủ là nâng cao chất lượng giáo dục đại học, góp phần quyết định vào đào tạo nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Không nâng cao chất lượng giáo dục đại học, chúng ta không hoàn thành trách nhiệm với đất nước, với xã hội” - Phó Thủ tướng khẳng định.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, tới đây, Bộ GD-ĐT sẽ tập trung vào quá trình hậu kiểm để nhìn nhận những trường đại học nào làm tốt, chỉ ra những điểm mạnh, yếu của mỗi trường. Vì vậy, mỗi trường cần phải nâng cao hơn nữa tính minh bạch và trách nhiệm giải trình.
“Mục đích cuối cùng của tự chủ là nâng cao chất lượng giáo dục đại học, góp phần quyết định vào đào tạo nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Không nâng cao chất lượng giáo dục đại học, chúng ta không hoàn thành trách nhiệm với đất nước, với xã hội” Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam |