Chuẩn bị có những lô hàng đầu tiên được hưởng ưu đãi từ EVFTA

Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), gạo, rau quả tươi, cà phê, thủy sản… là những mặt hàng điển hình có thể tận dụng tốt cơ hội xuất khẩu vào EU nhờ EVFTA.

Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), tiếp nối sự kiện lô tôm đầu tiên xuất khẩu sang EU, ngày 16 và 17/9 tới đây, các mặt hàng như cà phê, chanh leo, bưởi, dừa, thanh long sẽ tiếp tục được xuất khẩu sang thị trường này với những ưu đãi mà Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU (EVFTA) mang lại.

Cụ thể, theo EVFTA, EU cam kết mở cửa rất mạnh cho rau quả Việt Nam bằng việc xóa bỏ ngay 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các chế phẩm từ rau quả.

Thời gian qua đã có khoảng 40 loại rau quả Việt Nam được xuất khẩu sang 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Bên cạnh những thị trường truyền thống, trái cây Việt đã từng bước khẳng định chất lượng, chinh phục được những thị trường khó tính như: Mỹ, Nhật Bản, Canada, Australia, New Zealand...

Theo đó, ngày 16/9, tại trụ sở nhà máy Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (tỉnh Gia Lai), Bộ NN&PTNT sẽ tổ chức lễ công bố xuất khẩu lô hàng chanh leo sang châu Âu theo EVFTA. 

Ngay sau đó, ngày 17/9, tại trụ sở Công ty Vina T&T (tỉnh Bến Tre), Bộ sẽ tiếp tục tổ chức lễ công bố xuất khẩu lô hàng trái cây sang châu Âu.

Gạo, rau quả, cà phê...lần lượt lên 'cao tốc' EVFTA sang trời Âu - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Vina T&T. (Ảnh: Như Huỳnh).

Trao đổi với người viết, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Vina T&T cho biết, tại lễ công bố xuất khẩu ngày 17/9, công ty sẽ xuất khẩu một container dừa tươi theo đường tàu biển và một lô hàng thanh long 3 tấn đi đường hàng không. 

Ngoài ra, công ty cũng vừa thực hiện xuất khẩu 1 container bưởi sang châu Âu. Theo cam kết trong EVFTA, toàn bộ các lô hàng này đều được hưởng thuế suất 0%.

Ông Tùng cũng cho biết, việc giảm thuế theo EVFTA giúp trái cây Việt Nam có lợi thế rất lớn tại thị trường châu Âu. Theo đó, các nhà nhập khẩu của EU cũng gia tăng nhu cầu đối với trái cây Việt Nam. 

“Có khá nhiều nhà nhập khẩu của EU đã liên hệ với Vina T&T đặt vấn đề nhập khẩu trái cây. Nhưng do đang trong thời kì dịch bệnh, việc thanh toán không được thuận lợi như trước kia, nên công ty cũng phải chọn lọc khách hàng”, ông Tùng cho hay.

Có thể thấy chỉ sau hơn 1 tháng EVFTA có hiệu lực, hiệp định đã có tác động trực tiếp đến tình hình xuất khẩu của nông, lâm, thủy sản Việt Nam. 

Theo số liệu của Bộ NN&PTNT giá trị xuất khẩu các mặt hàng này vào EU tháng 8/2020 đạt 350 triệu USD, tăng 17% so với tháng trước. 

Gạo, rau quả tươi, cà phê, thủy sản… là những mặt hàng điển hình đang tận dụng cơ hội xuất khẩu vào EU nhờ EVFTA.

Cụ thể, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU đã tăng phổ biến từ 80-200 USD/tấn, tùy loại so với thời điểm trước khi EVFTA có hiệu lực. 

Lô hàng gạo thơm xuất đi EU của Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An xuất sang EU tháng trước là ví dụ. Thay vì thuế suất 4 - 45% như trước đây, lô gạo của Trung An xuất đi châu Âu được hưởng thuế 0%.

Gạo, rau quả, cà phê...lần lượt lên 'cao tốc' EVFTA sang trời Âu - Ảnh 2.

Gạo là một trong những mặt hàng xuất khẩu đã hưởng được ưu đãi thuế suất theo EVFTA. (Ảnh: Như Huỳnh).

Với thủy sản, lô sản phẩm tôm đông lạnh đầu tiên của Việt Nam đi một số nước châu Âu theo hiệp định EVFTA cũng đã được Công ty TNHH Thông Thuận (Ninh Thuận) xuất khẩu với ưu đãi thuế 0% thay vì từ mức thuế suất 12-20% vào ngày 11/9 vừa qua.

Bên cạnh gạo, rau quả, thủy sản, mặt hàng cà phê cũng được nhận định có thể gia tăng trị giá xuất khẩu vào thị trường EU trong thời gian tới khi được giảm thuế suất từ 15% xuống 0%. 

EU là thị trường tiêu thụ nhiều cà phê nhất của Việt Nam, chiếm 40% trong tổng lượng và 38% về tổng trị giá xuất khẩu cả nước. Và mặt hàng này cũng chuẩn bị "lên đường" sang EU với ưu đãi thuế quan.

Số liệu thống kê của Bộ Công Thương cũng cho thấy, một tháng sau khi EVFTA có hiệu lực, các tổ chức được ủy quyền đã cấp trên 7.200 bộ giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu EUR.1 với kim ngạch 277 triệu USD đi 28 nước EU.

Các mặt hàng đã được cấp C/O chủ yếu là giày dép, thủy sản, nhựa và các sản phẩm nhựa, cà phê, hàng dệt may, túi xách, va li, rau quả, sản phẩm mây, tre, đan... 

Thị trường nhập khẩu đa phần là các nước có cảng biển và trung tâm phân phối, trung chuyển của EU như Bỉ, Đức, Hà Lan, Pháp, Anh, trong đó nhiều lô hàng đã tới thị trường EU, thông quan và được hưởng ưu đãi.

Theo đó, để thúc đẩy xuất khẩu toàn ngành nông, lâm thủy sản thời gian tới, ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN&PTNT) cho biết ở góc độ thị trường, Bộ NN&PTNT xác định, tập trung tận dụng từng nhóm thị trường xuất khẩu, kể cả những khe hẹp nhất từng thời điểm, báo Chính phủ đưa tin.

Đặc biệt, Bộ NN&PTNT sẽ thúc đẩy tận dụng cơ hội từ Hiệp định EVFTA đưa lại để tăng cường xuất khẩu những nhóm hàng có lợi thế và phù hợp trong bối cảnh COVID-19. 

“Bộ NN&PTNT cũng sẽ phối hợp với Bộ Công Thương, các cơ quan, doanh nghiệp theo dõi sát sao diễn biến giá cả, cung cầu các mặt hàng nông sản thiết yếu để cân đối cung cầu; nâng cao chất lượng dự báo thị trường và kịp thời thông tin tới các địa phương, doanh nghiệp để có kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp…”, ông Nguyễn Văn Việt khẳng định.

Trước đó, phát biểu khai mạc phiên họp Chính phủ thường kì tháng 8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh nông nghiệp tiếp tục là bệ đỡ cho nền kinh tế trong lúc khó khăn.

Năm nay, ngành nông nghiệp phấn đấu giữ được mức tăng trưởng 2,6-2,8%, đặc biệt là nông nghiệp được mùa, được giá, kim ngạch xuất khẩu sẽ vẫn giữ được mục tiêu khoảng 41 tỉ USD.

"Nếu EVFTA được ví như con đường cao tốc cho việc thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế thì  chúng ta đã tự tin sẵn sàng thông xe cho con đường đó để giúp cho các phương tiện lưu thông trên đó, chính là doanh nghiệp và nền kinh tế, được vận hành một cách thuận lợi, thông suốt và hiệu quả hơn”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định tại Hội nghị trực tuyến “Triển khai kế hoạch thực hiện Hiệp định EVFTA" hồi tháng 8 vừa qua.

Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực từ 1/8/2020. Đối với các nhóm hàng nông sản quan trọng trong đó có cả áp dụng hạn ngạch thuế quan, cam kết của EU dành cho Việt Nam như sau:

Cà phê: EU xóa bỏ thuế cho toàn bộ cho các sản phẩm cà phê chưa rang hoặc đã rang, giảm từ 7 – 11% xuống 0%; các loại cà phê chế biến từ giảm 9 – 12% xuống còn 0% vào thời điểm Hiệp định có hiệu lực ngày 1/8/2020.

Thủy sản (trừ cá ngừ đóng hộp và cá viên): EU sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 86,5% kim ngạch xuất khẩu của ta trong vòng 3 năm, 90,3% trong vòng 5 năm và 100% trong vòng 7 năm. Đối với cá ngừ đóng hộp, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan 11.500 tấn.

Gạo: EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo (gồm 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm). Đối với sản phẩm từ gạo, EU sẽ đưa thuế suất về 0% sau một lộ trình nhất định.

Các sản phẩm củ quả, rau củ quả chế biến, nước hoa quả khác về cơ bản sẽ được xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Gỗ và các sản phẩm gỗ hầu hết sẽ xóa bỏ thuế ngay khi EVFTA có hiệu.

chọn
Tiến độ Vinhomes Vũ Yên
Vinhomes Vũ Yên có tổng diện tích hơn 877 ha, tổng mức đầu tư 44.044 tỷ đồng. Vingroup cho biết, đến nay đã hoàn thành xây dựng và đi vào hoạt động 46 căn shophouse và 1.076 căn nhà liền kề...