Theo luật định, trước khi đưa người dân vào ở trong các toàn nhà, chung cư, chủ đầu tư phải được cơ quan chức năng xác nhận dự án đủ điều kiện. Trong khi đó, thời gian gần đây, nhiều dự án chung cư mặc dù thang máy chưa xong, hệ thống phòng cháy chữa cháy (PCCC) chưa được duyệt, điện nước, kết cấu công trình không bảo đảm an toàn... Chưa được cơ quan chức năng thẩm tra, đánh giá và tiến hành nghiệm thu các hạng mục nhưng vẫn tiến hành bàn giao nhà cho người mua. Điều này đặt người mua nhà vào cảnh sống chung với những nguy hiểm tiềm ẩn. Và đã có những câu chuyện đáng tiếc xảy ra…
Người dân sống tại chung cư HQC Plaza trên đường Nguyễn Văn Linh (xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh), đến nay vẫn chưa hết bàng hoàng, hoảng sợ khi nhắc đến vụ cháy xảy ra cách đây khoảng 2 tháng (ngày 15/7) khiến gần 300 hộ dân phải tháo chạy trong đêm.
Sau vụ cháy kinh hoàng đó người dân tá hỏa khi biết chung cư này chưa được nghiệm thu chất lượng công trình, chưa nghiệm thu hệ thống PCCC, nhiều hạng mục còn thi công dang dở.
Vụ cháy tại chung cư HQC Plaza đêm 15/7 khiến hàng trăm cư dân sống tại kêu cứu trong hoảng loạn. (Ảnh: Pháp Luật Việt Nam) |
Theo một cư dân sống tại chung cư này cho biết, họ được nhận căn hộ tại HQC Plaza vào tháng 3/2016 dù tình trạng căn hộ chưa được lát gạch nền, tường chưa sơn, đèn đuốc chưa có và họ bị buộc phải xác nhận căn hộ hoàn thiện để nhận nhà, vừa ở vừa hoàn thiện nội thất.
Được biết, chung cư HQC Plaza là nhà ở xã hội với giá rẻ do công ty cổ phần Tư vấn - Thương mại - Dịch vụ địa ốc Hoàng Quân xây dựng. Block nhà bị cháy được cho là chưa nghiệm thu PCCC, đang còn trong giai đoạn hoàn thiện.
Chịu cảnh “thê thảm” hơn là những cư dân sống tại chung cư Bảy Hiền Tower (đường Phạm Phú Thứ, Quận Tân Bình). Dù dự án này chưa hoàn thiện, “dính” nhiều sai phạm nhưng chủ đầu tư vẫn bàn giao 11/170 căn hộ cho khách hàng để hoàn thiện, với 22 nhân khẩu dọn về ở. Khiến những cư dân tại đây ngày ngày phải gánh chịu tiếng ồn do việc thi công những hạng mục còn dở dang. Không những thế, tầng hầm chưa hoàn thiện còn ngập nước, thang máy chưa được lắp hộp số nên mỗi lần người dân muốn sử dụng phải liên hệ và chờ đợi bảo vệ bấm số. Hệ thống PCCC chưa có, chủ đầu tư thay thế bằng cách đặt trước các căn hộ có người ở 2 bình chữa cháy.
Dự án Bảy Hiền Tower dù chưa hoàn thiện, tầng hầm còn ngập nước, , thang máy chưa được lắp hộp số nên mỗi lần người dân muốn sử dụng phải liên hệ và chờ đợi bảo vệ bấm số. Hệ thống PCCC chưa có nhưng vẫn cho dân vào ở. (Ảnh: Dân Trí). |
Theo Thanh tra Sở Xây dựng TP HCM, hiện công trình chưa hoàn thành hệ thống điện, nước, phòng cháy chữa cháy, thang máy chỉ mới lắp ráp tạm, hệ thống hạ tầng chưa làm xong... Do dự án chưa hoàn thành nên chưa được nghiệm thu đưa vào sử dụng. Việc chủ đầu tư đưa người vào công trình đang thi công để ở sẽ có nguy cơ cao về cháy nổ, tai nạn và các sự cố khác tại công trình.
“Khủng” nhất có lẽ phải kể đến việc DNTN xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên có 15/38 chung cư sai phạm về PCCC và sai phạm về xây dựng ở hàng loạt dự án khách sạn Mường Thanh,
Cụ thể, trong danh sách các tòa nhà không đảm bảo các quy định về phòng cháy và chữa cháy vừa được Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy Hà Nội công bố, vẫn còn 38 chủ đầu tư, đơn vị quản lý công trình nhà cao tầng không thực hiện, thực hiện không đầy đủ các quy định của pháp luật về PCCC, không tổ chức khắc phục các nội dung còn tồn tại, thiếu sót về PCCC đã được Cơ quan Cảnh sát PC&CC kiến nghị. Công trình đưa vào sử dụng nhưng chưa được nghiệm thu về PCCC, không đảm bảo các điều kiện an toàn về PCCC. Trong đó có tới 15 công trình của “đại gia điếu cày” Lê Thanh Thản.
Liên tiếp 4 vụ cháy xảy ra tại các chung cư của "đại gia điếu cày" Lê Thanh Thản chỉ trong vòng vài tháng của nửa cuối năm 2015, đã làm dấy lên làm sóng lo ngại về chất lượng chung cư và vấn đề an toàn cháy nổ tại các khu chung cư này.
Vụ cháy gần đây nhất là vào khoảng 20h ngày 11/10, một vụ cháy lớn đã xảy ra tại khu khu chung cư CT4A-CT4B-CT4C khu đô thị Xa La (Hà Đông, Hà Nội).
Toàn cảnh vụ cháy ở khu đô thị Xa La ngày 11/10/2015 nhìn từ trên cao. (Ảnh: Infonet). |
Liên quan đến vụ hỏa hoạn khiến hàng trăm người bị mắc kẹt trên các tầng cao tại khu đô thị Xa La, Hà Đông, Hà Nội tối 11/10/2015, đại diện Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Hà Nội, Đại tá Nguyễn Văn Sơn, Phó Giám đốc Sở Cảnh sát Phòng cháy trả lời báo chí rằng chủ đầu tư có biểu hiện chống đối, thiếu tinh thần trách nhiệm trong việc đảm bảo an toàn cháy nổ.
Ông Sơn cho biết, Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy đã nhiều lần yêu cầu Xí nghiệp xây dựng tư nhân số 1 Điện Biên phải thực hiện nghiêm túc các quy định về an toàn cháy nổ, tuy nhiên đơn vị này lại có biểu hiện “phớt lờ.” Điển hình nhất phải kể đến tòa nhà CT4, nơi xảy ra vụ hỏa hoạn nghiêm trọng khiến cả trăm người bị mắc kẹt thì toàn bộ tòa nhà này mới chỉ có quyết định thẩm duyệt về phòng cháy chữa cháy chứ chưa được nghiệm thu…
Cũng theo ông Sơn, năm 2010, tòa nhà này đã được Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (cũ) tổ chức thẩm duyệt, từ đó có những kiến nghị trong văn bản thẩm duyệt về Phòng cháy chữa cháy. Vào thời điểm kể trên, tòa nhà này còn thiếu hệ thống hút khói của toàn bộ tòa nhà, thiếu hệ thống tăng áp cầu thang thoát nạn; cần bổ sung hệ thống báo cháy đối với các tầng. Tuy nhiên, chủ đầu tư tòa nhà này không chấp hành nghiêm túc, có biểu hiện chống đối trước những kiến nghị của cơ quan chức năng.
Bên cạnh đó, theo đại tá Nguyễn Văn Sơn, trong quá trình kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện một số thiếu sót tại tòa CT4 như: Cửa một số lối thoát nạn không ra theo chiều từ trong ra ngoài, chưa có giải pháp thoát nạn theo cầu thang bộ xuống tầng hầm. Các trục kỹ thuật thông tầng chưa được chèn, bịt kín bằng vật liệu chống cháy theo quy chuẩn, tiêu chuẩn quy định. Cửa các gian phòng kỹ thuật, buồng thang bộ không phải là cửa chống cháy theo quy định. Hành lang dài trên 60m nhưng chưa có giải pháp ngăn cháy. Hệ thống hút khói tòa nhà không có.
Nguyên nhân lớn nhất dẫn đến các công trình nhà ở của DNTN xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên không đạt yêu cầu an toàn, phòng chống cháy nổ như danh sách của cảnh sát PCCC được ông Lê Quốc Hưng, Giám đốc Chi nhánh dịch vụ nhà ở Kim Văn Kim Lũ (quản lý 5/15 công trình “danh sách đen” về PCCC) giải thích trên báo Pháp Luật là do... cư dân vào ở nhanh và quá đông.
Theo ông Hưng, chưa có công trình nào như các công trình của DNTN xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên, chỉ một tháng sau khi bàn giao thì cư dân vào ở gần kín. “Vì thế, các hạng mục liên quan như PCCC sẽ bị chậm. Bởi vì khi thi công hoàn thiện sẽ tác động đến sinh hoạt của cư dân. Ví dụ khi đục thi công cửa gió, tăng áp buồng thang thì chỉ làm từ 9 giờ đến 16 giờ. Sau giờ này phải dừng để tránh gây ảnh hưởng đến cư dân” - ông Hưng giải thích.
Ông Hưng cũng cho rằng hầu hết những người mua căn hộ ở các dự án của DNTN xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên có thu nhập thấp và trung bình. Vì vậy, khi có nhà là họ muốn vào ngay, thậm chí có người đề nghị nhận nhà sớm, đặc biệt là khu Xa La để bớt được tiền thuê nhà. “Tiền nong thì chúng tôi không thiếu nên không phải là không có để thi công. Vấn đề là như tôi đã nói, cư dân vào ở quá đông và quá nhanh” - ông Hưng “đẩy” về phía người dân.
Vì sao lại có tình trạng này? Vì sao chủ đầu tư lại có thể mang tính mạng, cuộc sống của khách hàng, người dân ra “đánh bạc” với chất lượng công trình như vậy?
Xung quanh câu chuyện này, trả lời báo chí, không ít chủ đầu tư đã thản nhiên khẳng định “chúng tôi đã tiến hành nghiệm thu nội bộ và mọi yêu cầu kỹ thuật đều đảm bảo”!
Vậy nghiệm thu nội bộ là có thể cho người dân vào ở được hay sao? Thế các lực lượng chức năng làm nhiệm vụ thẩm tra, kiểm định chất lượng các công trình xây dựng sinh ra để làm gì?...
Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh khi đề cập đến câu chuyện này đã thẳng thắn nêu rõ: Việc tiến hành bàn giao căn hộ sớm dù công trình chưa được nghiệm thu sẽ mang lại cho chủ đầu tư một nguồn lợi lớn. Bởi trong các hợp đồng mua nhà, nếu chưa tiến hành bàn giao căn hộ thì thường người mua sẽ chỉ thanh toán cho chủ đầu tư khoảng 70 – 80% giá trị hợp đồng. Tuy nhiên, nếu tiến hành bàn giao thì con số này sẽ là 95% hoặc thậm chí là hơn. Và đây là con số rất lớn!
Như vậy đã rõ, việc chủ đầu tư bàn giao nhà cho người mua dù công trình chưa được nghiệm thu thực chất là vì lợi ích của chủ đầu tư. Và vì lợi ích ấy, quyền lợi, cuộc sống của khách hàng đã bị chủ đầu tư gạt sang một bên, bị xem nhẹ và bất chấp những rủi ro mà nó có thể gây ra. Đây là vấn đề hết sức nghiêm trọng, cần cảnh báo và có sự vào cuộc trách nhiệm, xử lý nghiêm của các cơ quan thực thi pháp luật trong lĩnh vực quản lý trật tự xây dựng tại các địa phương!
An Yên (Tổng hợp)