Những người sống ở thành phố, lâu nay thường quen với sử dụng nước máy nên họ cho rằng, điều PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân nói là phi thực tế. Tuy nhiên, những ai đã từng sống ở thôn quê thì có thể hoàn toàn tin vào điều PGS.TS Hồng Xuân nói.
Một trong những giải pháp xanh cho nhà ở đô thị đó là xây dựng hệ thống thu gom và tái sử dụng nước mưa. (Ảnh: Shymart)
Cái lu là cách gọi của người Bắc, còn người miền Trung tùy theo kích cỡ, hình dáng... mà gọi nó là cái lu, cái ảng hay cái ghè.
Hứng nước mưa để uống, để rửa mặt, để tắm giặt hay để tưới cây... từ hàng trăm năm trước ông bà mình đã dùng rồi.
Hệ thống lọc nước mưa nhà ở cá nhân. (Ảnh: Shymart)
Khi ý kiến PGS.TS Hồng Xuân nói đến cái lu để chống ngập cho TP HCM, nhiều người phản ứng vì thấy nước ngập phố như thế thì cái lu làm sao chứa được? Tuy nhiên, người ta làm khoa học, họ tính bằng số liệu, khả thi cả.
Vấn đề ở đây, nếu PGS.TS Hồng Xuân đừng dùng CÁI LU mà dùng một cụm từ khoa học hơn đó là HỆ THỐNG THU và TÁI SỬ DỤNG NƯỚC MƯA thì có lẽ không bị gặp phản ứng.
Mô tả hệ thống thu gom và tái sử dụng nước mưa. (Ảnh: shymart)
Ở các nước phát triển, tại các khu đô thị lớn, họ cho xây dựng một hệ thống đường hầm lớn dưới lòng đất để chứa nước. Còn ở các đô thị Việt Nam, khi quy hoạch, họ luôn để lại các hồ chứa lộ thiên mà thường hay gọi là HỒ ĐIỀU TIẾT. Hồ điều tiết này có tác dụng gom chứa nước mưa đột biến tại một thời điểm nào đó qua hệ thống thoát nước để chống ngập. Tuy nhiên, do mật độ dân cư của các đô thị lớn ở Việt Nam quá lớn nên dần dần các hồ chứa bị thu hẹp, sức chứa nước bị hạn chế, cộng với nhiều yếu tố khác như triều cường, tắc cống,... nên bị ngập cục bộ sau những cơn mưa.
Máng xối lọc rác để thu hứng nước mưa. (Ảnh: Shymart)
Tại một số nước phát triển, người ta xây dựng hệ thống thu gom và tái sử dụng nước mưa cho hộ gia đình, vừa để giảm ngập cục bộ, úng thủy và tái sử dụng nguồn nước. Với hệ thống này, mỗi hộ gia đình, tùy theo nhu cầu mà họ dùng thùng nhựa hoặc bể chứa ngầm dưới 10 mét khối. Lượng nước mưa sau khi được thu gom sẽ dùng vào việc tưới cây, xả bồn vệ sinh,...
Hiện nay, tại Việt Nam, nhiều công ty khi tư vấn, thiết kế hộ gia đình thì họ đã tư vấn cho gia chủ về giải pháp xanh trong xây dựng nhà ở hộ gia đình, trong đó có giải pháp xây dựng hệ thống thu chứa và tái sử dụng nước mưa.
Với lượng mưa ở Việt Nam, nếu mỗi hộ gia đình có 1 bể thu chứa và tái sử dụng nước mưa chừng 1 đến 3 mét khối thì việc ngập cục bộ tại các đô thị sau các trận mưa lớn đã không xảy ra hoặc nếu xảy ra cũng không nghiêm trọng.
PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân nói là có cơ sở khoa học nhưng vẫn bị cộng đồng dè bỉu, chửi bới âu đó cũng là chuyện thường.
Từ thời Hy Lạp cổ đại cho đến tận thế kỉ XVI, con người vẫn quan niệm rằng Trái Đất đứng yên, là trung tâm của Vũ Trụ, Mặt Trời, Mặt Trăng và các thiên thể khác quay quanh Trái Đất. Quan niệm này được nhắc đến trong thuyết địa tâm, có thể tìm thấy dấu vết về mô hình vũ trụ này trong triết học tiền Sokrates. Học thuyết này được rất nhiều người ủng hộ, trong đó có Aristotle (384-322 TCN), ông được xem là một trong số những nhà triết học vĩ đại nhất thời bấy giờ.
Đến thế kỉ XVI, Nicolaus Copernicus (1473-1543) là nhà thiên văn học người Ba Lan, ông đã đưa ra thuyết nhật tâm (ngược với thuyết địa tâm), cho rằng Mặt Trời là trung tâm của vũ trụ, các hành tinh quay xung quanh Mặt Trời, Trái Đất quay xung quanh trục của nó trong khi chuyển động quanh Mặt Trời. (Trước đó mô hình nhật tâm đã được đề xuất bởi một số nhà thiên văn Hy Lạp, tuy nhiên nó đã bị lãng quên bởi hằng ngày con người chứng kiến chuyển động nhật động và quan điểm duy trì bởi Giáo hội đều chống lại mô hình này). Học thuyết này đưa ra đã gây xôn xao dư luận lúc bấy giờ, nhiều cuộc tranh cãi đã diễn ra. Một trong những người dám đứng ra ủng hộ và bảo vệ học thuyết của Copernicus là Galileo Galilei (1564-1642, là một nhà thiên văn học, toán học, vật lý học và triết học người Italia).
Galileo Galilei đã đứng ra bảo vệ thuyết nhật tâm, ông viết cuốn sách “Đối thoại về hai hệ thống thế giới”, xây dựng lập luận ủng hộ học thuyết của Copernicus, phản đối quan điểm độc đoán của nhà thờ lúc bấy giờ và chống lại thuyết địa tâm đã thống trị từ rất lâu. Học thuyết của Galileo Galilei vừa ra đời đã bị nhà thờ và Giáo hội phản bác, coi rằng học thuyết của ông là dị đoan. Cuối cùng, vào năm 1633, ông bị gọi ra trước tòa án dị giáo, bị kết án và ra lệnh bỏ tù, phán quyết này sau đó được đổi thành quản thúc tại gia cho đến khi ông qua đời. Tương truyền rằng, sau khi bước ra khỏi cửa tòa án, ông đã bực tức nói to: “Dù sao Trái Đất vẫn quay!”
Chuyện của PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân không hẳn giống chuyện của Nicolaus Copernicus hay Galileo Galilei, nhưng có một điểm chung đó là cái chân lý có thời điểm bị cái giả dùng số đông để phủ định. Nhưng, cái chân lý luôn đúng và sẽ được chấp nhận khi số đông cập nhật kiến thức.
Vậy, để không là kẻ hồ đồ, mỗi chúng ta nên tìm hiểu kỹ trước khi phản đối một luận điểm khoa học còn mới mẻ với chúng ta!