Chuyện cảm động ở khu cách li: 'Cảm ơn đồng bào, mình cùng nhau cố gắng nhé!'

'Cảm ơn đồng bào, mình cùng nhau cố gắng nhé' là câu cửa miệng mà các anh bộ đội làm công tác hậu cần trong khu cách li Trung tâm đào tạo nghề Thành An, luôn nói với các bạn trẻ cách li tại đây.

Những chiếc áo luôn đẫm mồ hôi

Là người chia sẻ những câu chuyện, hình ảnh xúc động về các anh bộ đội thuộc Binh đoàn 11, Bộ Quốc phòng tại khu cách li Trung tâm đào tạo nghề Thành An (huyện Thanh Trì, Hà Nội), Nguyễn Thúy Huyền (20 tuổi, quê Hà Nội) là du học sinh Hà Lan, đã nhận được "bão tim" từ cộng đồng mạng.

Chú bộ đội và bạn trẻ cách ly cúi đầu cảm ơn nhau. (Thúy Huyền).

Chú bộ đội và bạn trẻ cách ly cúi đầu cảm ơn nhau. (Ảnh: Thúy Huyền).

Huyền kể: "Ngày nào các chú bộ đội cũng leo lên leo xuống cầu thang bộ hàng chục lần để phát cơm, đáp ứng các nhu cầu của người cách li, khử trùng, đưa tờ khai xét nghiệm... Nhìn những chiếc áo đẫm mồ hôi nhưng ánh mắt vẫn luôn thể hiện sự vui tươi trìu mến, tụi em ai cũng nhủ mình phải thực hiện thật tốt việc cách li này. Hôm tụi em xét nghiệm lần một âm tính, các chú lên tặng quà từng người, rồi cả người tặng lẫn người được tặng cúi đầu cảm ơn nhau. 'Cảm ơn đồng bào, mình cùng nhau cố gắng nhé!'. Buổi sáng thì các chú lên từng phòng gọi 'trời sáng rồi, mời đồng bào ăn sáng và đi xuống sân cho thông thoáng'... Lúc nào các chú cũng ân cần như vậy. Vì hai tiếng đồng bào mà đẫm cả mồ hôi mà vẫn luôn thân thương trìu mến".

Huyền kể các anh còn rất tâm lí khi mua sách và truyện về cho bạn trẻ đọc. "Nhìn dòng chữ Binh đoàn 11 thân tặng các cháu, chúc các cháu có kì trải nghiệm vui vẻ nghe có cưng hông? Các chú sửa ổ điện bị hư, thu xếp hẳn một chỗ học cho tụi em và lắp wifi ngay ở trong phòng. Thương một cái là ngay bên cạnh đó là phòng ngủ của các chú, vì tường phía trên thông nhau nên ánh đèn rọi sang sáng trưng sẽ rất khó ngủ. Cả ngày vất vả nhưng đêm vẫn phải ngủ trễ theo tụi em vì sợ tụi em không đảm bảo bài vở. Có thắc mắc hay nhu cầu gì, các cán bộ và các chú bộ đội đều cố gắng đáp ứng. Cái gì không cung cấp được, các chú đều sẽ giải thích và luôn luôn thêm câu 'xin đồng bào thông cảm'. Vì thế, câu mà em nói nhiều nhất ở đây cũng chính là 'con cảm ơn các chú nhiều'", Huyền xúc động.

Chuyện cảm động ở khu cách li: 'Cảm ơn đồng bào, mình cùng nhau cố gắng nhé!' - Ảnh 2.

Thuý Huyền khi ở Hà Lan. (Ảnh: NVCC).

Huyền cho rằng thời gian qua một số hình ảnh, câu chuyện tiêu cực trên mạng khiến các anh lo lắng, nên lúc nào các anh cũng sợ "đồng bào" không hài lòng, còn lập hòm thư góp ý trực tiếp lẫn qua mail. "Ban đầu tụi em vào cách li cũng có chút lo lắng, nhưng sau đó thì ai cũng thấy thoải mái, hợp tác với ý thức cao. Tụi em hằng ngày tự lau chùi nhà, dọn dẹp vệ sinh để đảm bảo nơi ở sạch sẽ thoáng mát. Đến nay sắp hết 2 tuần thì tự dưng quyến luyến không muốn về", Huyền bày tỏ.

"Bảo vệ tốt người ở khu cách li là bảo vệ tốt những người còn lại"

Các chú bộ đội chuẩn bị mang cơm cho người cách ly

Các chú bộ đội chuẩn bị mang cơm cho người cách li. (Ảnh: Thúy Hiền).

Là người được nhắc đến nhiều nhất với cách gọi trìu mến "thầy Trung" trong các câu chuyện của Huyền, anh Tạ Quang Trung, người trực tiếp quản lý công tác hậu cần tại khu cách li Trung tâm đào tạo nghề Thành An, rất bất ngờ vì hình ảnh của mình và mọi người lại được cộng đồng mạng yêu thích.

Anh Trung chia sẻ: "Mình chỉ tâm niệm một điều là giữa lúc dịch bệnh khiến mọi người bất an, lo lắng, nhiệm vụ của những người như mình ở trong này là phải làm sao để nhân dân an tâm thực hiện tốt công tác cách li, nâng cao ý thức cộng đồng. Mình bảo vệ tốt cho tinh thần và sức khỏe của những người cách li, cũng chính là bảo vệ tốt cho những người còn lại và cho chính mình. Hơn nữa, những gì mà các bạn thấy đều là truyền thống của anh bộ đội cụ Hồ mà tụi mình đang hằng ngày phát huy thôi".

Phòng học online cho du học sinh được các anh bộ đội sắp xếp

Phòng học online cho du học sinh được các anh bộ đội sắp xếp. (Ảnh: Thúy Hiền).

Được biết, khu cách li này có 234 người, trong đó có gần 100 du học sinh trở về từ các quốc gia, còn lại là người dân ở các vùng miền khác nhau, với hơn 20 chiến sĩ, cán bộ trực tiếp phục vụ. Không chỉ phục vụ cơm nước và các nhu cầu sinh hoạt, anh Trung còn tổ chức rất nhiều hoạt động thể thao và vui chơi giải trí phù hợp trong điều hiện hiện có và phù hợp với yêu cầu về cách li. Anh đề xuất lên cấp trên để sắp xếp một chỗ học trực tuyến cho du học sinh, tặng sách cho trẻ em, tặng sữa cho bà bầu... 

Chú bộ đội Tạ Quang Trung (trái) và đồng đội

"Chú bộ đội" Tạ Quang Trung (trái) và đồng đội. (Ảnh: Quang Trung).

Ngoài ra, anh Trung còn tổ chức các môn thể thao như bóng chuyền, bóng rổ, cầu lông, bóng đá... để rèn luyện sức khỏe, vận động bạn trẻ và cả người lớn tuổi cùng tham gia học nhảy do một du học sinh hướng dẫn để thời gian cách li không bị nhàm chán. Buổi tối anh lại bắc loa tổ chức hát cho nhau nghe bằng đủ các thứ tiếng Anh, Pháp, Hàn, Nhật...

"Tất nhiên là các hoạt động tiếp xúc gần như bóng đá thì phải đảm bảo các bạn đã âm tính 2 lần. Một số hoạt động khác thì luôn đảm bảo cách nhau 2 mét trở lên", anh Trung cho biết.

Chuyện cảm động ở khu cách li: 'Cảm ơn đồng bào, mình cùng nhau cố gắng nhé!' - Ảnh 6.

Bạn trẻ chơi bóng rổ tại khu cách li. (Ảnh: Quang Trung).

Mặc dù công việc nhiều và vất vả, nhưng anh Trung và đồng đội vẫn luôn động viên nhau và động viên những người cách li để cùng nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ. Phương châm của các anh là "quý đồng bào hài lòng là hạnh phúc của chúng tôi"...

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.