Trước vụ việc Công ty CP Đầu tư phát triển và Xây dựng Thành Đô (Tập đoàn Empire) đã thông báo về việc không thể chi trả lợi nhuận 12%/năm như đã cam kết trước đó với nhà đầu tư mua condotel tại dự án Cocobay Đà Nẵng vì những khó khăn về dòng tiền mới đây UBND TP Đà Nẵng đã có thông báo về các thông tin dự án trên.
Đà Nẵng cho chuyển 1 phần codotel tại dự án Cocobay làm chung cư. (Ảnh: Văn Luận)
Theo đó, ngày 1/2/2019, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng kí phê duyệt điều chỉnh qui hoạch chi tiết 1/500 tại dự án Cocobay Đà Nẵng.
Cụ thể, Đà Nẵng cho phép chuyển đổi 1.016 căn hộ khách sạn trong tổng số 1.856 căn hộ khách sạn tại các công trình đang xây dựng thuộc cụm HH3 (Tòa nhà Cổ Cò 1), HH5 (Tòa nhà Cổ Cò 2), HH2 (Tòa nhà Cổ Cò 3) thành căn hộ chung cư.
Chuyển đổi 554 căn hộ khách sạn trong tổng số 1.657 căn hộ khách sạn tại công trình chưa xây dựng tại cụm HH1 (Tòa nhà Cocobay Tower) thành căn hộ chung cư.
Chuyển đổi các công trình căn hộ khách sạn cao tầng chưa xây dựng tại các cụm HH4, HH6, HH7 thành căn hộ chung cư, biệt thự, nhà liền kề.
Bổ sung qui hoạch một số công trình để bố trí văn phòng quản lí, công trình phụ trợ, trường học, trạm y tế, nhà sinh hoạt cộng đồng, trung tâm thương mại, nhà xe… đảm bảo đáp ứng nhu cầu của người dân.
Trước những thông tin trên, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch HoREA cho rằng, du lịch được mệnh danh là ngành công nghiệp "không khói", là con gà đẻ trứng vàng của nền kinh tế, tạo công ăn việc làm, thu nhập, tạo nguồn thu bền vững cho ngân sách nhà nước và quảng bá hiệu quả hình ảnh, con người, đất nước và các địa phương.
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) nhận định, đất du lịch mà nhồi vào đó một khu dân cư sẽ làm biến dạng và làm giảm đi giá trị, sự hấp dẫn đầu tư phát triển du lịch. (Ảnh: Khải An)
Trên cơ sở Luật Đất đai, Luật Qui hoạch, Luật Xây dựng, Luật Qui hoạch đô thị, Luật Du lịch và chiến lược phát triển kinh tế xã hội, các địa phương đã phê duyệt qui hoạch phát triển ngành du lịch, đi đôi với qui hoạch sử dụng đất du lịch.
Phát triển du lịch dựa trên qui hoạch tổng thể, đồng bộ với phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng là nhân tố quyết định để ngành du lịch phát triển bền vững, trở thành mũi nhọn của nền kinh tế đất nước và từng địa phương (Một bài học hay từ Nhật Bản có "Bộ Đất đai Hạ tầng Giao thông Du lịch - MLIT", đã gắn du lịch với phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng và giao thông vận tải).
"Pháp luật cho phép điều chỉnh qui hoạch, trong đó có điều chỉnh qui hoạch sử dụng đất du lịch, trong trường hợp qui hoạch không có tính khả thi hoặc không còn phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế xã hội.
Qui hoạch sử dụng đất, qui hoạch xây dựng là qui hoạch rất quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, đã có tình trạng điều chỉnh qui hoạch theo yêu cầu và theo hướng có lợi cho nhà đầu tư, ảnh hưởng xấu đến lợi ích cộng đồng", ông Lê Hoàng Châu chia sẻ.
Việc chuyển đổi condotel thành chung cư sẽ làm thu hẹp đáng kể nguồn lực đất đai phục vụ du lịch. (Ảnh: Khải An)
Tuy nhiên, ông Châu lưu ý, việc điều chỉnh giảm qui hoạch sử dụng đất du lịch, làm tăng đất ở, hình thành khu dân cư ngay tại khu vực nhiều tiềm năng phát triển du lịch sẽ tác động tiêu cực đến sự phát triển bền vững của địa phương.
"Đất du lịch mà nhồi vào đó một khu dân cư thì sẽ làm biến dạng và làm giảm đi giá trị, sự hấp dẫn đầu tư phát triển du lịch. Điều chỉnh qui hoạch từ condotel sang nhà chung cư mà không có căn cứ khoa học và thực tiễn, là bóp méo qui hoạch, là tai họa về qui hoạch", Chủ tịch HoREA cảnh báo.
Bởi theo ông Châu, việc chuyển đổi condotel thành chung cư sẽ làm thu hẹp đáng kể nguồn lực đất đai phục vụ du lịch, tác động tiêu cực đến việc thực hiện chủ trương phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Không thể chỉ vì giải quyết khó khăn trước mắt của chủ đầu tư mà điều chỉnh qui hoạch.
Theo đó, HoREA đề nghị Chính phủ, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch chỉ đạo các địa phương thực hiện chặt chẽ qui trình xem xét điều chỉnh qui hoạch sử dụng đất du lịch, điều chỉnh dự án (một phần dự án) khu du lịch nghỉ dưỡng thành khu nhà ở.