Chuyển đổi hình thức đầu tư dự án giao thông tại Vĩnh Phúc từ PPP sang sử dụng ngân sách địa phương

Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến về việc đầu tư đoạn tuyến thuộc Dự án đường nối từ ĐT.310B vào hồ Thanh Lanh, huyện Bình Xuyên trùng với tuyến đường Vành đai 5 - Vùng Thủ đô, sử dụng ngân sách địa phương.

Đường vành đai 5 - Vùng Thủ đô Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý thực hiện theo hình thức PPP tại văn bản số 10294/VPCP-CN ngày 29/11/2016, nay UBND tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị đầu tư dự án đường nối từ ĐT.310B vào hồ Thanh Lanh, huyện Bình Xuyên trùng với tuyến đường Vành đai 5 - Vùng Thủ đô sử dụng vốn ngân sách địa phương.

Để tạo điều kiện cho Tỉnh chủ động đầu tư Dự án trên, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng Chính phủ đồng ý UBND tỉnh Vĩnh Phúc chuyển đổi từ hình thức đầu tư PPP sang sử dụng ngân sách địa phương của tỉnh.

UBND tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, UBND thành phố Hà Nội và UBND tỉnh Thái Nguyên tiếp thu ý kiến của các Bộ, tổ chức triển khai thực hiện Dự án theo đúng các quy định pháp luật có liên quan, đảm bảo hiệu quả đầu tư, chống thất thoát, lãng phí.

Đường Vành đai 5 quy hoạch đi qua địa giới hành chính của 36 quận, huyện, thành phố trực thuộc 8 tỉnh, thành: Hà Nội, Hòa Bình; Hà Nam, Thái Bình, Hải Dương, Bắc Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc.

Trong đó, đoạn qua thành phố Hà Nội dài khoảng 48 km; qua tỉnh Hòa Bình 35,4 km; qua tỉnh Hà Nam 35,3 km; qua tỉnh Thái Bình 28,5 km; qua tỉnh Hải Dương 52,7 km; qua tỉnh Bắc Giang 51,3 km; qua tỉnh Thái Nguyên 28,9 km, qua địa phận tỉnh Vĩnh Phúc 51,5 km.

Tổng chiều dài toàn tuyến đường Vành đai 5 khoảng 331,5 km (không bao gồm khoảng 41 km đi trùng các đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long, Hà Nội - Thái Nguyên, Nội Bài - Lào Cai và quốc lộ 3).

chọn
Nhiều dự án ở tỉnh lẻ bung hàng
Những tháng cuối năm, thị trường bất động ở các tỉnh lẻ như Thanh Hóa, Thái Nguyên, Lào Cai, Bắc Ninh... bắt đầu đón nguồn cung từ các dự án mới.