Theo ghi nhận của Zing.vn vào ngày 10-11/9, trong khu vực bán kính 200 m quanh Công ty Rạng Đông, đặc biệt tại các con đường quanh khu vực nhà xưởng, bên trong các nhà dân ngay sát hiện trường, vẫn có nhiều mùi khét.
Các hộ dân ở đây cho biết mùi khét xuất hiện từ hôm vụ hỏa hoạn xảy ra. Đến hơn 1 tuần sau, dù hiện trường được phủ bạt, xây bờ be, nhưng gần như không giảm được mùi. Do hiện trường vụ cháy quá rộng, không được che chắn kĩ nên bụi, tro cùng với mùi của nhựa, bóng đèn cháy mới lan khắp khu vực dân cư.
Khu vực cháy Công ty Rạng Đông được phủ bạt sau 8 ngày phơi mình dưới nắng, mưa. (Ảnh: Duy Hiệu).
Trao đổi với Zing.vn, PGS.TS Trần Hồng Côn (nguyên giảng viên Khoa Hóa, Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội) nhận định nguyên nhân của mùi khét quanh quẩn tại khu vực này do còn nhiều chất hữu cơ chưa cháy hết.
"Nhựa, polime là các chất hữu cơ cháy rất lâu, khi hỏa hoạn, các chất này không cháy hết. Chúng bị nhiệt làm cho chảy ra, hay phân hủy thành các phân tử nhỏ hơn, dễ bay hơi, dễ phát tán hơn. Trong mùi khét này cũng có hàng trăm chất, mức độ độc hại còn tùy thuộc vào nồng độ, nhưng chắc chắn rằng các chất này đều không tốt cho sức khỏe con người", TS Hồng Côn lí giải.
Theo ông Côn, người dân nên hết sức đề phòng với mùi khét. Việc ngửi thấy mùi nghĩa là môi trường không khí đang bị ô nhiễm và cần có các biện pháp phòng tránh.
"Những chất hữu cơ này thường có cấu trúc hóa học phức tạp, khi bị cháy thì phân hủy ra thành chất có cấu trúc đơn giản hơn. Thành phần của hỗn hợp khí gây nên mùi khét này rất đa dạng. Cần phân tích kĩ hơn các chỉ số ô nhiễm khác để cho kết luận thật khách quan, môi trường có đảm bảo hay không", chuyên gia nhận định.
Theo TS Hồng Côn, các chất trong hỗn hợp mùi khét này nhìn chung độc hại cho sức khỏe con người, nhưng còn tùy thuộc vào nồng độ trong không khí, thời gian tác động đến con người, cách thức tiếp nhận (nuốt, hít, tiếp xúc da...).
Nhiều người dân phải rời bỏ nhà cửa do lo ngại nhiễm độc thủy ngân. (Ảnh: Hồng Quang).
"Các chất này ở nồng độ thấp thì không quá nguy hiểm, nhưng nếu người dân sống trong khu vực bị ảnh hưởng, thường xuyên ngửi mùi khét này có thể sẽ đau đầu, mệt mỏi, chóng mặt. Vậy nên họ phải tự bảo vệ mình, đeo khẩu trang khi đi ra khỏi nhà, thường xuyên đóng kín và lau dọn nhà cửa", ông Côn cho hay.
TS Trần Hồng Côn cũng cho rằng ngoài thủy ngân là mối lo ngại lớn nhất, trong bóng đèn huỳnh quang vẫn còn một số chất có thể độc hại với sức khỏe con người.
"Ngoài thủy ngân còn có photpho, kẽm, và một số chất khác dùng để tráng ruột phích. Nhìn chung, các chất này không quá độc hại, nhưng trong vụ cháy, nhiều chất có thể kết hợp với nhau, tạo thành các chất độc hơn. Ngoài ra, chúng ta cũng chưa nắm rõ hết quy trình sản xuất bóng đèn của Rạng Đông nên cũng chưa xác định được chính xác những chất này là gì", ông Côn nhìn nhận.
TS Nguyễn Hồng Vũ, chuyên gia ngành Sinh học phân tử trong Y học, Viện Nghiên cứu Ung thư City of Hope (Mỹ), nhận định trong vụ cháy này cần phải xem xét đến cả các chất khác thoát ra môi trường chứ không riêng gì thủy ngân.
"Ngoài thủy ngân, nhiều kim loại nặng thoát ra trong vụ cháy, trong đó có những kim loại có nồng độ cao trong không khí rất hại sức khỏe như chì, kẽm. Cùng với đó là việc khu vực bị cháy của Rạng Đông đến hơn một tuần sau mới bị cách li, che chắn khiến việc phát tán chất độc hại dễ dàng", TS Hồng Vũ chia sẻ.
Theo vị chuyên gia, cái khó nhất bây giờ là phân tích được các chất độc hại đã thoát ra gồm những chất nào, mỗi nhóm chất lại cần những biện pháp xử lí, tiêu độc khác nhau.
"Lo ngại nhất là trong những ngày sau vụ cháy, có rất nhiều trận mưa, mưa giúp không khí sạch hơn, nhưng lại rửa trôi chất độc hại xuống cống, rãnh. Toàn bộ lượng chất hóa học này có thể trôi ra sông, biển rồi đe dọa đến sức khỏe con người trong thời gian lâu dài", TS Hồng Vũ bày tỏ lo lắng.
Chiều 5/9, theo chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, Binh chủng Hoá học đã đến hiện trường lấy 25 mẫu kiểm tra mức độ nhiễm độc thủy ngân, phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng phương án tẩy độc, dọn dẹp hiện trường vụ cháy.
Đến ngày 10/9, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung có văn bản hoả tốc yêu cầu Công ty Rạng Đông thu gom toàn bộ chất thải chuyển đến nơi xử lí; phối hợp với Bộ Tư lệnh Hóa học tiến hành tẩy độc ngay hiện trường đám cháy và vùng lân cận, bảo đảm an toàn vệ sinh môi trường.
Đồng thời, Chủ tịch Hà Nội yêu cầu Công ty Rạng Đông phải khẩn trương di dời nhà máy đến cơ sở sản xuất mới theo quyết định số 130 của Thủ tướng (năm 2015).
Bộ Tư lệnh Hóa học sẽ hướng dẫn, giám sát toàn bộ quá trình thu gom, xử lí chất thải do vụ cháy để lại cũng như quy trình tẩy độc theo đúng quy định; kinh phí do công ty chi trả.
Cán bộ của Binh chủng Hóa học đến hiện trường thu thập mẫu quan trắc. Ảnh: BCHH.
Tuy nhiên, đến ngày 11/9, khu vực này vẫn chưa được tẩy độc.
Theo PGS.TS Lê Hùng Anh,
"Tôi cho rằng các đơn vị liên quan phải phối hợp, thống nhất được với nhau. Chứ mỗi đơn vị cho một kết quả khác nhau thì sao tiến hành hiệu quả được", ông Hùng Anh cho biết.
Rạng Đông gian dối việc dùng thuỷ ngân lỏng độc hại
Tổng cục Môi trường thuộc Bộ TNMT cho biết qua kiểm tra thực tế cùng quá trình đấu tranh với lãnh đạo công ty, Rạng Đông mới thừa nhận toàn bộ 480.000 bóng đèn huỳnh quang bị cháy sử dụng thuỷ ngân lỏng có độc tính cao hơn so với amalgam.
Trước đó, công ty này báo cáo rằng 3 năm qua, Rạng Đông sử dụng hợp chất amalgam gồm thuỷ ngân, kẽm và bismut để thay cho thuỷ ngân lỏng trong sản xuất bóng đèn. Điều đó cho thấy vụ cháy nhà máy Rạng Đông ngày 28/8 không chỉ phát tán thuỷ ngân chứa trong amalgam mà còn có cả thuỷ ngân lỏng.
Cũng theo Tổng cục Môi trường, lượng thuỷ ngân lỏng phục vụ sản xuất trữ trong nhà kho lúc đó của Rạng Đông lên đến hơn 100 kg và theo tính toán của các nhà khoa học có đến 27,2 kg thuỷ ngân bị thất thoát vào môi trường.