Chuyên gia giao thông hiến kế giúp cầu Thanh Trì giảm tai nạn, ùn tắc liên miên

"Khi xảy ra va chạm, phương tiện chiếm không gian, lực lương chức năng phải bảo vệ hiện trường hoặc cứu hộ chưa tới... dẫn đến ùn ứ phương tiện rất nhanh. Đây là nguyên nhân chính", Phó chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia Trần Hữu Minh cho biết.

20191203_074641_0023

Cầu Thanh Trì thường xuyên xả ra ùn tắc, tai nạn giao thông. (Ảnh: Di Linh).

Đi cao tốc trăm km nhanh hơn qua cầu Thanh Trì

Như chúng tôi đã đưa tin, thời gian gần đây, cầu Thanh Trì - cây cầu huyết mạch của Thủ đô Hà Nội kết nối các phương tiện giao thông từ QL1A, QL5, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng thường xuyên xảy ra tai nạn, ùn tắc.

Trao đổi với chúng tôi, tài xế Đào Văn Thắng, chạy tuyến Hải Phòng - Hà Nội cho biết tình trạng ùn tắc khu vực cầu Thanh Trì đang khiến nhiều người mệt mỏi.

"Tôi thường xuyên chạy xe qua đây. Cao tốc Hải Phòng - Hà Nội cả trăm km đi tốn hơn một giờ đồng hồ nhưng có khi đi qua cầu mất vài tiếng vì tai nạn, tắc đường", anh Thắng chia sẻ.

Theo anh Thắng, cầu Thanh Trì thường xuyên xảy ra tai nạn, chủ yếu là các xe không làm chủ tốc độ, va chạm. Trong khi đó, khu vực này không có đường thoát, nếu ùn tắc là phải chấp nhận "chịu trận".

"Tôi cho rằng nên tách riêng làn xe máy, ô tô con bên ngoài cùng, không nên để làn hỗn hợp như hiện nay. Làn hỗn hợp khiến va chạm dễ xảy ra.

Ngoài ra, cơ quan chức năng cần nghiên cứu hạ tốc độ khi qua cầu. Tôi chấp nhận đi chậm hơn là đi nhanh dễ tai nạn, ùn tắc", anh Hoàng Văn Ý, một tài xế taxi chia sẻ.

Theo anh Lâm Minh Tuấn (40 tuổi, Hà Đông), một người thường xuyên lưu thông qua cầu Thanh Trì, ùn tắc là do thời gian gần đây, lưu lượng phương tiện trên tuyến đường này ngày một tăng.

"Bên cạnh đó, tình trạng mặt cầu xuống cấp khiến các xe tải nặng, container di chuyển chậm dẫn đến ùn ứ. Ngoài ra, tai nạn thường xuyên cũng là nguyên nhân", anh Tuấn cho biết thêm.

20191203_074630_0022

Cầu Thanh Trì có mật độ phương tiện tăng cao. (Ảnh: Di Linh).

Phương tiện tăng cao, tai nạn dẫn đến ùn tắc?

Nhằm làm rõ hơn về "điểm nóng" giao thông cầu Thanh Trì, chúng tôi đã có trao đổi với ông Trần Hữu Minh, Phó Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia.

Ông Trần Hữu Minh cho biết, trong "bức tranh" ùn tắc giao thông chung hiện nay, nhu cầu đi lại đã vượt quá công suất của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông.

"Chính vì vậy, hiện tượng ùn ứ và giao thông chậm là điều mà chúng ta sẽ còn gặp phải trong thời gian tới", ông Trần Hữu Minh nói.

Tuy nhiên, ông Minh cho rằng đây không phải là lí do để giải thích hoặc biện hộ cho tình trạng ùn trọng giao thông thường xuyên xảy ra ở đoạn tuyến cầu Thanh Trì và Vành đai 3 trên cao.

Theo ông Minh, ùn tắc tại các đoạn tuyến trên nếu diễn ra vào dịp cao điểm lễ Tết khi nhu cầu tăng mạnh thì người dân có thể hiểu và thông cảm được nhưng thực tế ùn tắc diễn ra phố biến ở ngày thường.

"Bản thân tôi đi tuyến cầu Thanh Trì nhiều lần cả hai chiều. Tình trạng ùn tắc nghiêm trọng diễn ra rất nhiều và nguyên nhân phần lớn do các vụ va chạm giao thông.

Khi xảy ra va chạm, phương tiện chiếm không gian, lực lương chức năng phải bảo vệ hiện trường hoặc cứu hộ chưa tới... dẫn đến ùn ứ phương tiện rất nhanh. Đây là nguyên nhân chính", ông Trần Hữu Minh cho biết.

Ông Minh khẳng định tai nạn giao thông đương nhiên không ai mong muốn xảy ra nhưng thức tế là chúng ta phải chấp nhận dù làm tốt đến mức nào chăng nữa.

IMG_8781

Phương tiện "khốn khổ" qua cầu khi xảy ra ùn tắc. (Ảnh: Di Linh).

Theo ông Minh, ngoài việc tiếp tục thực hiện những giải pháp từ vĩ mô đến vi mô của cơ quan quản lí thì chúng ta phải chuẩn bị các giải pháp ứng phó với các tình huống va chạm.

Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia khẳng định công tác chuẩn bị ứng xử với những tình huống va chạm của chúng ta còn nhiều bất cập. Điều này dẫn đến khi có tai nạn, va chạm, tốc độ xử lí chậm dẫn đến ùn ứ kéo dài.

"Có lần tôi bị tắc trên cầu Thanh Trì đến hai tiếng đồng hồ và ngồi nghe VOV Giao thông thì biết phía trước có vụ va chạm, xe cộ ùn ứ", ông Minh nói.

Giải pháp thứ nhất mà ông Minh đưa ra là phải tiếp tục tăng cường các nội dung kĩ năng tham gia giao thông trên đường cao tốc, mật độ giao thông cao, kĩ năng giữ khoảng cách... Bởi lẽ nhiều vụ va chạm trên cầu Thanh Trì do các xe bám đuôi nhau gần quá.

Ông Minh cho biết vấn đề nêu trên những điều cơ bản trong tham gia giao thông, đó là những phần đào tạo sát hạch lái xe đã dạy nhưng cần tiếp tục tăng cường cả lí thuyết và thực hành để giảm bớt tình trạng này.

Về giải pháp thứ hai, ông Minh cho rằng kênh thông tin thu nhận xử lí các vụ tai nạn, va chạm phải được tăng cường.

"Thông tin đường dây nóng phải làm sao để sự cố được cung cấp đến đơn vị quản lí tuyến đường đó một cách nhanh nhất.

Trong khi hiện nay, nếu một người nhìn thấy một vụ tai nạn cũng chưa chắc biết gọi điện thông báo cho ai. Ở nước ngoài, họ chỉ có một số điện thoại tiếp nhận xử lí trong khi chúng ta quá nhiều gây khó cho người dân.

Do đó, điều cần làm là tinh giản đầu mối đường dây nóng để khi xảy ra sự cố người dân thông báo còn việc xử lí thông tin là chuyện của cơ quan chức năng.

Khi chỉ có một đầu mối, người dân sẽ tiếp nhận, thông tin và lực lượng chức năng sẽ tiếp nhận thông tin rất nhanh. Thông tin có nhanh thì lực lượng chức năng ra hiện trường điều phối mới nhanh và tránh gây ùn tắc", ông Minh chia sẻ.

IMG_8793

Cầu Thanh Trì thường xuyên xảy ra tai nạn. (Ảnh: Di Linh).

Song song với việc thu nhận thông tin qua đường dây nóng, ông Trần Hữu Minh cho rằng cần tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, thiết bị giám sát trên từng tuyến đường.

"Chỉ cần 2km lắp một camera độ phân giải cao là chúng ta biết được trình trạng trên tuyến như thế nào. Nếu không có camera chúng ta dễ bị động. Ví dụ như trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, Hà Nội - Lào Cai đã làm rồi", ông Minh nói.

Thứ ba, ông Minh cho biết hiện nay đường cao tốc có một làn phía ngoài cùng để làm làn khẩn cấp nhưng chúng ta đang khai thác là sai hoàn toàn.

"Làn dành cho xe dừng khẩn cấp dùng để khi tai nạn thì kéo xe vào đó để các xe khách lưu thông bình thường. Nhưng thực hiện hiện nay lưu lượng giao thông cao hoặc có va chạm là toàn bộ xe khác đi vào làn dừng khẩn cấp.

Khi đó, lực lương chức năng, cứu hộ có muốn tiếp cận hiện trường cũng rất khó. Chúng ta không nên dùng lập luận nhu cầu giao thông cao và buộc phải đi vào làn khẩn cấp.

Nếu như chúng ta đi tuần tự, đi đúng qui định thì dù có ùn tắc cũng có thể giải quyết trong thời gian ngắn nhưng ngược lại khi đi vào làn khẩn cấp thì ùn tắc có thể kéo dài vài tiếng.

Mặc dù nhìn thì có vẻ là lãng phí một làn vì chỉ dùng cho tình huống khẩn cấp nhưng khoa học chứng minh hiệu quả.

Và một điều nữa, chúng ta phải kiên quyết tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra những ai mà đi vào làn dừng khẩn cấp là xử phạt", ông Minh nhấn mạnh.

Đối với làn hỗn hợp ô tô, xe máy trên cầu Thanh Trì, ông Minh khẳng định không đồng ý với cách tổ chức giao thông này.

"Chúng ta đang cố gắng đảm bảo an toàn cho người đi xe máy bằng cách phân tách làn xe máy vào làn ô tô. Chúng ta cũng đã có thiết kế làn ngoài cùng cho xe máy và hai làn trong cho ô tô.

Có thể chúng ta cần phân bổ lại thành 3 làn cho ô tô với tốc độ chậm hơn. Tốc độ chậm nhưng đi qui củ còn tốt hơn nhiều so với đi nhanh mà lộn xộn. Ngoài ra, chúng ta vẫn đảm bảo không gian cho người đi xe máy là có phân cách cứng.

Nhóm xe máy là nhóm rất dễ bị tổn thương bởi khi người lái ô tô non tay, người lái xe máy chủ quan là xảy ra tai nạn ngay.

Cho nên chúng ta phải tạo chúng ta cần phải tạo ra một môi trường an toàn cho người đi xe máy mà tốt nhất để phân tách vật lí, tức là cái dải phân cách cứng.

Còn nếu không thì phải đặt dải phân cách mềm, tức là vạch liền và xử phạt nếu lấn vạch", ông Minh chia sẻ thêm.

IMG_8792

Sở GTVT cho biết đang khảo sát, theo dõi tổ chức lại giao thông. (Ảnh: Di Linh).

Liên quan đến việc cầu Thanh Trì ùn tắc, tai nạn liên miên, theo Sở GTVT Hà Nội, hiện lưu lượng qua cầu đã lên đến hơn 120.000 xe/ngày đêm. Lưu lượng này vượt thiết kế ban đầu khoảng 8 lần (15.000 xe/ngày đêm).

Trả lời Báo Giao thông, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Ngô Mạnh Tuấn cho biết với mật độ giao thông cao, cầu Thanh Trì trong quá trình khai thác xuất hiện nhiều hư hỏng.

Vị này cũng cho biết đang tiến hành theo dõi, khảo sát để tổ chức lại giao thông, điều chỉnh tốc độ, phối hợp các đơn vị liên quan để kịp thời hướng dẫn giao thông, xử lí vi phạm.

Theo thống kê, từ 1/1 đến hết ngày 14/9/2019, trên cầu Thanh Trì xảy ra 84 vụ TNGT, làm chết 4 người, bị thương 19 người. 

Trong đó có 51 vụ do ô tô va chạm với ô tô với nguyên nhân do lái xe không làm chủ tốc độ đâm vào đuôi nhau. 

Ô tô va chạm với dải phân cách mềm 22 vụ, nguyên nhân cũng do lái xe không làm chủ tốc độ, lấn làn làm vỡ, đổ dải phân cách mềm. 

Ô tô va chạm với xe máy 3 vụ. Xe máy va chạm với xe máy 3 vụ và 5 vụ xe máy tự ngã.

chọn
Các dự án của Novaland, Nam Long, DIG ở Đồng Nai đón tin mừng
Quy hoạch chung TP Biên Hòa vừa được phê duyệt điều chỉnh cục bộ. MBS đánh giá động thái này sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ phê duyệt quy hoạch 1/500 các phân khu thuộc dự án Aqua City, Izumi và Khu đô thị Long Tân.