'Nên làm làn riêng cho xe buýt từ chục năm trước'

Theo TS Phan Lê Bình, giảng viên Đại học Việt Nhật, làm làn đường dành riêng cho xe buýt là chủ trương đúng đắn, nên làm. "Thậm chí là nên làm sớm từ chục năm trước chứ không phải đến bây giờ mới làm. Tuy nhiên, muộn còn hơn không", ông Bình nói.
IMG_2741

Xe buýt không có làn riêng, chen lấn cùng các loại phương tiện cá nhân. (Ảnh: Di Linh).

Hoan nghênh làn riêng xe buýt nhưng cần thận trọng

Ngày 9/9, UBND TP Hà Nội ban hành kế hoạch thực hiện các giải pháp cụ thể để hoàn thành chỉ tiêu tỉ lệ vận chuyển hành khách công cộng vào năm 2020.

Trong kế hoạch này, Hà Nôi cho biết sẽ nghiên cứu, triển khai tổ chức các làn đường ưu tiên cho xe buýt trên các trục đường như Nguyễn Trãi, Trần Phú, Phạm Hùng, Nguyễn Văn Cừ, Giải Phóng...

Trao đổi với chúng tôi về kế hoạch trên của UBND TP Hà Nội, chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên cho biết đây là chủ trương đáng hoan nghênh khi TP quan tâm tới nhu cầu đi lại của người dân.

"Ưu tiên hoặc làm làn riêng cho xe buýt là xu hướng nhiều nước trên thế giới đã làm. Chúng ta phấn đấu làm được là tốt.

Tuy nhiên, với vấn đề này, tôi thấy nhiều băn khoăn. Bởi lẽ, hạ tầng giao thông hiện nay nếu làm đường ưu tiên cho xe buýt đã phù hợp hay chưa? Điều kiện đã cho phép chưa?, ông Liên nói.

Đáng chú ý, ông Liên cho rằng với điều kiện hiện tại của Hà Nội thì chưa nên làm đường ưu tiên hoặc đường riêng cho xe buýt.

"Những tuyến đường Hà Nội đưa ra nghiên cứu có nhiều điều kiện chưa cho phép làm ngay, cần thời gian đầu tư hạ tầng phù hợp, nâng cao chất lượng xe buýt...", ông Bùi Danh Liên nói.

IMG_2736

Xe buýt bị phương tiện cá nhân "bủa vây". (Ảnh: Di Linh).

Cũng liên quan đến vấn đề trên, TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Giao thông vận tải cho biết việc làm làn riêng, ưu tiên xe buýt nhiều nước đã làm nhưng ở Việt Nam cần hết sức thận trọng.

"Bài học từ buýt nhanh BRT đã có rồi", TS Nguyễn Xuân Thủy nói.

Theo TS Thủy, hạ tầng giao thông của chúng ta vẫn còn kém. Cụ thể, ở Hà Nội có hơn 60% đường có mặt cắt từ 7-11m, số đường 6 làn xe ít.

"Nếu dành đường riêng cho xe buýt thì có thể gây ùn tắc, lợi bất cập hại. Nếu làm thì cần làm như một đề tài khoa học, cần nghiên cứu tính toán kĩ lưỡng. Ngoài ra, thời điểm 2020 chưa phải thích hợp", TS Thủy nói.

Theo ông Thủy, nếu làm làn riêng hoặc ưu tiên xe buýt thì hạ tầng giao thông phải tốt, giao thông công cộng phải phát triển, ứng dụng giao thông thông minh, qui hoạch kiến trúc hợp lí, cần giãn dân khỏi nội đô, động viên người dân sử dụng giao thông công cộng.

"Các biện pháp như trên cần thực hiện đồng bộ thì mới giải quyết được ùn tắc", ông Thủy cho biết.

TS Nguyễn Xuân Thủy cũng cho rằng Hà Nội đưa chỉ tiêu năm 2020 đạt tỉ lệ giao thông công cộng từ 20-25% có thể khó đạt được.

"Tôi cho rằng, từ 5-10 năm nữa Hà Nội mới nên làm làn riêng, ưu tiên xe buýt", TS Thủy cho biết thêm.

IMG_2729

TS Bình cho rằng nên làm đường riêng cho xe buýt từ chục năm trước. (Ảnh: Di Linh).

Nên làm làn riêng cho xe buýt từ chục năm trước

Theo TS Phan Lê Bình, giảng viên Đại học Việt Nhật, làm làn đường dành riêng cho xe buýt là chủ trương đúng đắn, nên làm.

"Thậm chí là nên làm sớm từ chục năm trước chứ không phải đến bây giờ mới làm. Tuy nhiên, muộn còn hơn không", ông Bình nói.

TS Bình cho rằng cơ quan quản lí nhà nước đang thiếu ưu tiên quyền cho giao thông công cộng.

"Với vận tải công cộng, chúng ta có ưu tiên về trợ giá nhưng chưa có quyền ưu tiên lưu thông trên đường.

Giao thông công cộng có điểm yếu là phải đi bộ, dùng phương tiện chuyển đổi nhưng chiếm ít mặt đường và có ý nghĩa lớn. Chúng ta muốn người dân sử dụng phương tiện công cộng thì phải ưu tiên cho nó", TS Bình cho biết.

IMG_0757

Xe buýt đang chật vật với phương tiện cá nhân. (Ảnh: Di Linh).

Theo TS Bình, khi có làn riêng cho xe buýt thì dễ gây ùn tắc trên phần đường còn lại. Tuy nhiên ùn tắc này là cần thiết vì chỉ khi nào ùn tắc thì người dân mới từ bỏ phương tiện cá nhân để chuyển sang giao thông công cộng.

"Nếu không, vẫn tư tưởng phần đường tôi vẫn đi bình thường thì chẳng ai nghĩ đến việc chuyển sang giao thông công cộng.

Muốn phát huy được thế mạnh của giao thông công cộng thì phải ưu tiên cho loại hình này khi lưu thông", TS Bình phân tích.

Ông Bình dẫn chứng việc mới đây, Hà Nội xén dải phân cách giữa một số tuyến đường và cho rằng khi xén thì nên dành làn mở rộng đó cho xe buýt.

"Khi đó, sẽ không có ai kêu ca về việc lấy mất đường họ vẫn đang đi để dành riêng cho xe buýt.

Ngoài ra, khi có làn riêng, việc thực thi pháp luật cần kiên quyết chứ không thể như tuyến buýt nhanh BRT. TP lập ra BRT nhưng ô tô xe máy vẫn lấn làn gây ùn tắc làn dành riêng.

Chúng ta phải kiên quyết, ví dụ như nước ngoài, khi có làn riêng cho xe buýt, các làn khác tắc thì phương tiện vẫn phải đứng đó đợi chứ không thể đi vào làn của phương tiện công cộng.

Thêm nữa, đây không chỉ là việc của riêng ngành giao thông mà cần tuyên truyền cho người dân hiểu được tầm quan trọng của giao thông công cộng và chấp nhận, thay đổi thói quen quá lớn là lệ thuộc vào phương tiện cá nhân", TS Bình nói.

IMG_0759

Vận tải công cộng tốt, người dân sẽ dần bỏ xe cá nhân? (Ảnh: Di Linh).

"Xe buýt tốt, đúng giờ thì ai muốn đi xe máy?"

Chia sẻ với chúng tôi về việc làm làn ưu tiên, làn riêng cho xe buýt ở một số tuyến đường, ông Chu Đình Tuấn (58 tuổi, Hà Đông) cho rằng đây là việc nên làm.

"Tôi nghĩ đây là việc nên làm mặc dù nếu làm làn riêng sẽ có ảnh hưởng nhất định đến các phương tiện khác. Tuy nhiên, người dân cần chia sẻ với TP cũng như chuyển dần sang phương tiện công cộng để giảm ùn tắc, ô nhiễm.

Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhìn vào thực tế, nếu hạ tầng, phương tiện giao thông công cộng phát triển thì người dân sẽ tự bỏ phương tiện cá nhân. Xe buýt tốt, đúng giờ thì ai muốn đi xe máy để chịu nắng bụi?, ông Tuấn nói.

Anh Phạm Hoàng Nam (32 tuổi, Long Biên) cũng đồng tình với việc ưu tiên phát triển vận tải công cộng.

"Nước ngoài, người dân sử dụng phương tiện công cộng là chủ yếu. Đành rằng hạ tầng giao thông của họ tốt, đáp ứng được vận tải công cộng nhưng chúng ta cũng không vì thế mà cứ mãi loay hoay với bài toán tắc đường, ô nhiễm từ rất nhiều phương tiện cá nhân ở các TP lớn.

Ngoài việc TP phát triển, ưu tiên giao thông công cộng thì cần thêm việc tuyên truyền cho người dân về việc ủng hộ, hạn chế dần phương tiện cá nhân, chuyển sang giao thông công cộng", anh Nam cho biết thêm.

Theo tìm hiểu, Hà Nội hiện có 1 làn đường riêng cho xe buýt thường dài 1,3km từ điểm trung chuyển xe buýt Long Biên đến nút giao cắt Thanh Niên - Nghi Tàm - Yên Phụ và đường buýt nhanh BRT.

chọn
Địa phương được dự báo là 'thủ phủ công nghiệp' mới ở phía nam vừa hút hơn 1,5 tỷ USD vốn ngoại sau một quý
Quý I/2024, Bà Rịa - Vũng Tàu đã thu hút 13 dự án FDI với tổng vốn đầu thu thu hút hơn 1,56 tỷ USD và 10 dự án trong nước với tổng đầu tư thu hút gần 25.000 tỷ đồng.