Liên quan đến hai đề án xây dựng lộ trình giảm dần, tiến tới dừng hoạt động của xe máy tại các quận ở Hà Nội vào năm 2030 và đề án thu phí của một số loại phương tiện giao thông vào trung tâm dễ gây ùn tắc và ô nhiễm môi trường mà ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT cho biết tại buổi làm việc với Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải hôm 9/3, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy - Chuyên gia đã có hơn 30 năm kinh nghiệm nghiên cứu về giao thông.
Theo đó, TS Thủy cho biết, việc cấm xe máy phải có lộ trình và quá trình chuẩn bị, nếu đã hạn chế xe máy thì cũng nên hạn chế cả ô tô, do đó quan điểm chỉ hạn chế xe máy là sai hoàn toàn.
"Nếu hạn chế xe máy quá sớm sẽ dẫn đến hàng triệu người không có phương tiện đi lại, trong khi các phương tiện công cộng chỉ đảm đương được từ 8 – 10%, cùng lắm đến năm 2030 thì được 20 – 25%. Vậy 70 – 80% còn lại người dân sẽ đi bằng gì, sinh sống ra sao?
Theo TS Thủy, nếu hạn chế xe máy thì cũng nên hạn chế cả ô tô (Ảnh: Phi Hùng).
Bên cạnh đó, về nguyên tắc hạn chế phương tiện phải hạn chế cả ô tô và xe máy, mà ô tô phải hạn chế trước vì phương tiện này là nguyên nhân chính gây ùn tắc và ô nhiễm chứ không phải xe máy", TS Thủy nói.
Theo TS Thủy, hiện nay cơ sở hạ tầng và giao thông công cộng ở thành phố Hà Nội vẫn đang yếu kém, việc yếu kém đó chính là do lỗi của cơ quan quản lý.
"Hiện nay, việc cần làm là thành phố phải nâng cấp hạ tầng lên, phát triển giao thông công cộng, ngăn chặn quá trình đô thị hóa bằng việc giảm bớt nhà cao tầng trong đô thị để giãn dân. Đồng thời, cũng cần nâng cao chất lượng quản lý nhà nước, áp dụng ứng dụng 4.0 - giao thông thông minh là chính, chứ không phải không quản lý được là cấm, điều đó là sai lầm.
TS TS Thủy cho rằng, hiện nay cơ sở hạ tầng và giao thông công cộng ở thành phố Hà Nội vẫn đang yếu kém (Ảnh: Phi Hùng).
Ngoài ra, cơ quan quản lý cần thường xuyên tuyên truyền, khuyến khích người dân tuân thủ luật giao thông. Những yếu tố kể trên không thể thiếu được yếu tố nào, trong đó tuyệt đối không được ngăn cấm, không được áp đặt, ngăn chặn không cho giao thông phát triển", TS Thủy Khẳng định.
Tốt nhất cơ quan chức năng cứ làm hết trách nhiệm của mình là phải phát triển giao thông công cộng, phải có tầm nhìn và chiến lược…".
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy
Vị chuyên gia cũng bày tỏ quan điểm, việc nhiều phương tiện đi lại thể hiện tình hình kinh tế - xã hội đang phát triển, đời sống nhân dân nâng cao.
Cơ quan quản lý phải thấy mừng, thấy được trách nhiệm của mình phải nâng cao cơ sở hạ tầng, tăng cường phương tiện công cộng để từ đó người dân hạn chế được phương tiện cá nhân đi xe công cộng, giảm bớt ùn tắc, tai nạn.
Trong vòng 10 năm tới, nếu cấm xe máy, trong khi cơ sở hạ tầng, phương tiện giao thông công cộng chưa đáp ứng được, người dân lúc đó có thể sẽ tức tốc đi mua ô tô, như vậy chẳng phải tắc lại càng thêm tắc.
Về đề án, đề án thu phí của một số loại phương tiện giao thông vào trung tâm dễ gây ùn tắc và ô nhiễm môi trường, TS Thủy cho rằng: "Việc không đáp ứng được đủ phương tiện giao công cộng, người dân phải mua phương tiện cá nhân để đi lại là điều dễ hiểu. Vậy thì tại sao lại thu phí, thu như vậy khác nào là phạt người dân?
Tốt nhất cơ quan chức năng cứ làm hết trách nhiệm của mình là phải phát triển giao thông công cộng, phải có tầm nhìn và chiến lược…".
Liên quan đến đề án xây dựng lộ trình giảm dần, tiến tới dừng hoạt động của xe máy tại các quận ở Hà Nội, anh Nguyễn Văn Hải (Hoài Đức, Hà Nội) cho biết, hai vợ chồng anh mua nhà cách trung tâm thành phố gần 20km và phương tiện chủ yếu để đi làm là xe máy.
Hiện nay, xe máy vẫn là nhu cầu thiết yếu của nhiều người lao động (Ảnh: Phi Hùng).
"Nếu cấm xe máy thì không biết vợ chồng tôi sẽ đi bằng gì, bởi hiện giờ phương tiện giao thông công cộng lại không tiện lợi, không chủ động được trong công việc, mua ô tô thì gia đình tôi cũng không có điều kiện".
Tôi ủng hộ việc hạn chế xe máy, tôi tin khi đã đưa ra đề án thì cơ quan quản lý chắc chắn sẽ có giải pháp hợp lý".
Anh Nguyễn Hữu Anh - một người dân đang sinh sống ở Hà Nội
Cùng chung nỗi lo đó, ông Công (một lái xe ôm ở cổng trường ĐH sư phạm Hà Nội) chia sẻ: "Bao năm nay tôi chạy xe ôm để kiếm tiền mưu sinh. Xe máy chẳng khác nào cái cần câu cơm, cấm thì tôi lấy gì để lo cho vợ con. Thật sự, tôi rất lo lắng với đề án này của Sở GTVT Hà Nội".
Còn anh Hữu Anh (29 tuổi, hiện đang làm việc tại Hà Nội) cho rằng: "Bản thân tôi đã có ô tô, nhiều lúc đi ra đường, tôi thấy nhiều người đi xe máy ý thức rất kém, họ vượt đèn đỏ, lạng lách đánh võng nguy hiểm lắm. Do đó, tôi ủng hộ việc hạn chế xe máy, tôi tin khi đã đưa ra đề án thì cơ quan quản lý chắc chắn sẽ có giải pháp hợp lý".