Ngày 23/5, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có quyết định giảm loạt lãi suất điều hành áp dụng từ ngày 25/5/2023. Đây là lần thứ ba NHNN ra quyết định giảm lãi suất điều hành để hỗ trợ nền kinh tế kể từ đầu năm 2023.
Cụ thể, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với tổ chức tín dụng (TCTD) giảm từ mức 6,0%/năm xuống 5,5%/năm; lãi suất tái cấp vốn giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu giữ nguyên ở mức 3,5%/năm.
Cùng với đó, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giữ nguyên ở mức 0,5%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5,0%/năm. Như vậy, tổng mức giảm sau 3 lần của NHNN là 0,5 - 1,5%/năm tùy loại.
Động thái giảm lãi suất của NHNN đã được các chuyên gia dự báo từ trước, bởi nếu không hạ lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp rất khó để kích thích nền kinh tế cũng như đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2023.
Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV hôm 22/5, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cũng thẳn thắn chỉ ra, tăng trưởng GDP Quý I/2023 đạt 3,32%, mức rất thấp trong điều kiện nền kinh tế đã mở cửa sau khi kiểm soát dịch COVID-19 và trên nền thấp của cùng kỳ năm trước cho thấy việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm 6,5% là rất khó khăn.
Để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5%, bình quân ba quý cuối năm mỗi quý phải tăng trưởng đến 7,5%. Đây là một mục tiêu không hề đơn giản.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng năm nay, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng đưa ra một số giải pháp trong đó có hạ lãi suất điều hành hỗ trợ tăng trưởng, tăng cường giám sát các thị trường tiền tệ, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản.
Chỉ ra những điểm tiêu cực nếu giữ môi trường lãi suất cao, TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách (VEPR) cho hay, trong quý I/2023 khu vực công nghiệp và xây dựng có tốc độ tăng trưởng âm, trong khi đây là một trong những động lực chính của nền kinh tế.
Môi trường lãi suất cao khiến huy động vốn của khu vực các tổ chức kinh tế giảm mạnh, đồng thời tốc độ huy động vốn của ngành ngân hàng cũng thấp hơn rất nhiều so với tốc độ bình quân trong 10 năm trở lại đây.
Tiền gửi khu vực dân cư tăng mạnh, cho thấy sự tăng lên của cảm nhận rủi ro đầu tư, làm giảm nhu cầu thành lập doanh nghiệp, đầu tư vào sản xuất kinh doanh, làm giảm động lực tăng trưởng kinh tế.
Theo báo cáo từ VEPR, huy động vốn khu vực tổ chức kinh tế giảm trong khi tín dụng tăng chậm phản ánh tình trạng thanh khoản khó khăn của các doanh nghiệp; những doanh nghiệp tốt có dư thừa thanh khoản đã phải rút tiền gửi về để đáp ứng nhu cầu thanh khoản của bản thân.
Bên cạnh đó, lãi suất cao cũng là một trong những nguyên nhân làm giảm tổng cầu tiêu dùng, khiến nền kinh tế mất đi động lực tăng trưởng. Vì vậy, nếu không có giải pháp để hỗ trợ tăng trưởng, chắc chắn Việt Nam không thể đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% vào năm nay.
Ngay từ tháng 3, Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành cũng đã dự báo, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% của năm nay, NHNN buộc phải giảm lãi suất là để thúc đẩy tăng trưởng. Kết hợp với đó là thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đẩy mạnh chính sách tài khoá.
"Khác với năm ngoái có mức nền rất thấp, mục tiêu tăng trưởng dễ dàng đạt được nhưng năm nay sẽ không dễ gì để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5%. Bởi lãi suất quá cao, doanh nghiệp rất khó khăn mà doanh nghiệp khó khăn thì sẽ không có động lực để tăng trưởng", TS. Nguyễn Xuân Thành cho hay.
Tuy nhiên, chuyên gia cũng lưu ý rằng, khi bơm tiền ra mạnh luôn có rủi ro lạm phát, đây là điều khiến NHNN không mạnh tay hạ lãi suất. Chính sách tiền tệ nên nới lỏng từ từ, không nên quá nóng vội để giảm lãi suất bằng mọi giá, ông Thành khuyến nghị.
Giảm lãi suất để chống suy thoái và thúc đẩy tăng trưởng cũng là giải pháp được PGS. TS. Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Kinh tế vĩ mô, Đại học Kinh tế Quốc dân đề xuất nếu muốn đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5%.
Theo PGS. TS. Thế Anh, tăng trưởng Quý I/2023 chỉ đạt 3,32%, thấp ngang với khi "chịu đòn" COVID-19 vào năm 2020 phản ánh nền kinh tế đang cực kỳ ảm đạm. Đáng chú ý, trong quý I, công nghiệp chế biến chế tạo hay sản xuất và phân phối điện nước đã có mức tăng trưởng âm. Nếu tăng trưởng không hồi phục, các thị trường tài sản tiếp tục ảm đạm, rủi ro suy thoái kinh tế tăng lên,... thì con số này thậm chí sẽ còn xuống thấp hơn.
Theo ông Thế Anh, điều này cho thấy, lạm phát không phải vấn đề đáng quan ngại nhất của Việt Nam trong năm 2023 mà vấn đề đáng lo hơn là suy giảm tăng trưởng. Một yếu tố nữa là sức cầu tiêu dùng hiện khá yếu do các nguyên nhân: Thu nhập sụt giảm, tăng trưởng kinh tế chậm lại, chi tiêu giảm, đặc biệt là lãi suất ở mức cao khiến cho chi phí cơ hội của việc tiêu dùng đắt đỏ hơn, người dân có xu hướng tiết kiệm nhiều hơn, ảnh hưởng đến sức cầu.
Bên cạnh đó, các thị trường tài sản của Việt Nam có sự giảm giá rất mạnh, vốn hoá của thị trường bất động sản, chứng khoán, trái phiếu giảm mạnh trong những tháng vừa qua. Vì vậy, NHNN hoàn toàn có dư địa giảm lãi suất khi áp lực lạm phát hạ nhiệt, đây sẽ là một trong những yếu tố có thể thúc đẩy sức cầu.
Mặc dù, NHNN đã có ba lần hạ lãi suất điều hành, các ngân hàng thương mại cũng hạ dẫn lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp, tuy nhiên trên thực tế nhiều doanh nghiệp phản ánh lãi suất còn cao. Theo báo cáo của Ủy ban Kinh tế, lãi suất cho vay bình quân hiện nay vẫn ở mức cao, khoảng 9,3%/ năm.
Tín dụng tăng trưởng đến cuối tháng 4 tăng thấp, tăng 2,75% so với đầu năm cho thấy những khó khăn trong khả năng hấp thụ vốn của nhiều doanh nghiệp và nền kinh tế. Ngoài ra, nợ xấu có xu hướng tăng. Kênh huy động vốn qua phát hành cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp gặp khó khăn.
Lý giải về hiện tượng này, các chuyên gia cho rằng, một chính sách khi ban hành sẽ luôn có độ trễ từ 3-6 tháng, tức phải sang quý III, quý IV lãi suất cho vay mới thực sự giảm mạnh.
Theo TS. Nguyễn Hữu Huân,Trưởng bộ môn Thị trường Tài chính, Đại học Kinh tế TP HCM, lãi suất cho vay chưa thể giảm mạnh ngay là bởi trước đó, các ngân hàng thương mại đã huy động lãi suất cao với kỳ hạn 6 tháng, 12 tháng.
Nguồn vốn giá cao như vậy khiến chi phí vốn của ngân hàng cũng cao, kết hợp với chi phí vốn rẻ ở thời điểm hiện tại (lãi suất 6-7%) khiến chi phí vốn bình quân của ngân hàng vẫn ở mức khá cao.
"Đó là lý do vì sao, lãi suất huy động giảm mạnh nhưng lãi suất cho vay chưa thể giảm ngay được mà phải đến quý III khi lãi suất huy động xuống thấp, lãi suất cho vay có điều kiện hạ thêm mà không gây ảnh hưởng đến lợi nhuận của ngân hàng", TS. Huân cho biết.
Chuyên gia cũng dự báo, một chính sách tiền tệ sẽ có độ trễ khoảng hai quý nên phải đến quý III/2023, lãi suất mới có thể giảm mạnh.