“Nghề làm mẹ hay nghề giáo đều là nghề cần tu tâm dưỡng tính, con cái hay học sinh sinh ra không phải để chúng ta dạy, mà để chúng ta học”, cô Nguyễn Thắm - giáo viên Montessori cho trẻ 0-6 tuổi của Hiệp hội Montessori Hoa Kỳ đã chia sẻ như thế về những trăn trở của nghề giáo và nghề làm mẹ trong quá trình nuôi dưỡng con trẻ.
Chị Nguyễn Thắm - giáo viên Montessori cho trẻ 0-6 tuổi của Hiệp hội Montessori Hoa Kỳ. |
- Chào chị, là giáo viên Montessori cho trẻ 0-6 tuổi và thường xuyên giải đáp hàng nghìn thắc mắc của bố mẹ trong nuôi dạy trẻ, khi về nhà, trở lại làm mẹ, chắc hẳn chị “nhàn” và không bị “nổi điên” khi nuôi dạy con mình?
Đúng thật là nhàn hơn rất nhiều! Bởi thực tế nuôi dạy trẻ dễ hơn chúng ta tưởng, chỉ cần chúng ta hiểu tâm lý phát triển của trẻ, lý giải được hành vi của con, thì chúng ta sẽ kiểm soát được những cảm xúc tiêu cực của mình khi nuôi dạy con. Hoặc dường như chẳng còn cảm xúc tiêu cực nữa khi chúng ta hiểu trẻ, nên không thể “ nổi điên” được!
Hơn nữa, có một điều may mắn với bản thân tôi khi làm nghề chia sẻ cho các bố mẹ, chia sẻ hay dạy lại cho người khác chính là cách hiệu quả nhất của việc học. Khi chia sẻ nhiều cho các bố mẹ, thì những kiến thức mà tôi đã được học bài bản từ các chuyên gia Montessori quốc tế 0-6 tuổi, hay các tiến sĩ tâm lý cho trẻ 0-6 tuổi, được ôn đi ôn lại.
Người ta nói rằng: Nếu bạn có 1 cái kẹo, tôi có 1 cái kẹo, tôi cho bạn 1 cái, bạn cho tôi 1 cái, chúng ta chỉ được 1 cái. Nhưng nếu bạn có1 kiến thức và tôi có 1 kiến thức và chia sẻ cho nhau, thì chúng ta mỗi người sẽ có 2.
Vì vậy, kiến thức là thứ càng cho đi, chúng ta càng được nhiều.
Tôi rất tâm đắc với triết lý của đạo phật về sự cho đi: “Muốn có cái gì, thì trước hết hãy làm cho người khác trước!”
Có lẽ bởi vậy, mà việc nuôi dạy con của tôi trở nên nhàn hơn, kiểm soát cảm xúc tốt hơn.
- “Nghề” làm mẹ và nghề giáo, chị coi điều gì là ý nghĩa hơn trong cuộc đời mình?
Thực tế, nghề làm mẹ hay nghề giáo đều là nghề cần tu tâm dưỡng tính. Trẻ em sinh ra không phải để chúng ta dạy, mà là để chúng ta học! Học cách làm cha mẹ, học cách kiểm soát cảm xúc, học làm con và cả học làm người! hầu hết các bố mẹ sinh con ra mới thấy rõ, tình cảm của bố mẹ với mình như thế nào, và thấy mình cần học hỏi nhiều đến chừng nào! Nên đối với tôi, nghề nào cũng đều ý nghĩa cả.
"Nghề làm mẹ hay nghề giáo đều là nghề cần tu tâm dưỡng tính". |
- Làm nghề giáo thì phải học về kỹ năng sư phạm, còn làm mẹ thì cũng phải học chứ? Và cụ thể thì người làm mẹ phải học những kỹ năng gì?
Trong các chương trình “hành trình làm cha mẹ” của tôi, khi bắt đầu chương trình tôi thường hỏi phụ huynh:
“Bao nhiêu trong số các bố mẹ ngồi đây dám gửi con cho một giáo viên mầm non mà chưa qua một ngày đào tạo nào cả? Hay một giáo viên tiểu học mà chưa qua một ngày đào tạo nào về tiểu học?”
Hầu hết mọi người đều trả lời là “không”, vì: Các cô chưa được đào tạo thì sẽ không có kỹ năng để dạy trẻ, không hiểu tâm lý trẻ, không có kiến thức để dạy trẻ.
Và câu hỏi tiếp theo tôi hỏi mọi người: “Vậy bao nhiêu trong số các anh chị đã được đào tạo về nghề làm cha mẹ trước khi làm cha mẹ?”
Thì hầu hết mọi người cũng đều trả lời là “chưa”.
Vậy tại sao chúng ta không dám gửi con cho một giáo viên chưa qua một ngày đào tạo nào để dạy con mình, nhưng chính chúng ta lại không học qua bất kỳ một lớp nào để dạy con mình?
Mọi người đều trả lời là do “bản năng làm mẹ, làm mẹ có sẵn tình yêu thương con, nên không cần phải học”.
Thực tế, để có thể dạy 1 em bé trong độ tuổi mầm non, 1 giáo viên mầm non cần học 2-4 năm, để dạy học sinh tiểu học, các giáo viên tiểu học cũng phải học 3-4 năm, để dạy cấp 3, đại học thì lại càng cần nhiều hơn!
Nhưng chúng ta, chúng ta làm cha mẹ, thì có phải chỉ nuôi con trong 1 độ tuổi không? Mà chúng ta cần dạy con cả đời, đồng hành cùng con cả đời, hay tối thiểu đến năm 18 tuổi.
Với những người làm cha làm mẹ, thì không những phải có kỹ năng sư phạm, mà còn cần phải hiểu tâm lý của con, không phải một lứa tuổi, mà con lớn tới đâu phải học tới đó. Ngoài kiến thức tâm lý ra, thì người mẹ cần phải:
- Học cách sống, cách cư xử đúng mực, đối nhân xử thế để làm gương cho con.
- Mẹ cần phải học cách tư duy tích cực, kỹ năng vượt khó.
- Mẹ cần phải học kỹ năng quản lý cảm xúc của mình.
- Mẹ phải học cách sắp xếp công việc và gia đình.
- Mẹ phải học cả cách tiêu tiền, quản lý tiền bạc.
- Mẹ phải học cả cách kiếm tiền, cách làm giàu để có thể dạy con về tư duy tài chính.
"Những người làm cha làm mẹ, thì không những phải có kỹ năng sư phạm, mà còn cần phải hiểu tâm lý của con, không phải một lứa tuổi, mà con lớn tới đâu phải học tới đó". |
- Dạy con trẻ cần nhất là sự chịu đựng và kiên nhẫn, trong suốt những năm làm giáo dục, chắc chắn chị cũng có những lúc không thể kiên nhẫn, nhẹ nhàng với chúng chứ?
Thực tế, khi quyết định đi theo nghề giáo viên Montessori, xuất phát từ một người mẹ GDS (Giáo dục sớm), yêu Mon và theo nghề, tình yêu trẻ như chính con của mình giúp ích rất nhiều cho nghề, nên dường như không có tình trạng nào khiến tôi gọi là quá sức chịu đựng hay mất kiên nhẫn. Tất nhiên cũng có lúc cảm thấy bực, nhưng vẫn quản lý được cảm xúc của mình.
Thực tế trong quá trình làm giáo viên Mon tôi phát hiện, để có thể kiểm soát cảm xúc và xử lý các vấn đề của trẻ khá đơn giản. Vấn đề là, một giáo viên Mon phải luôn thể hiện mình Mon cả trong lớp và ngoài cuộc sống mới là khó. Đấy là lý do mà tôi học nhiều hơn để hoàn thiện bản thân mình, chứ không chỉ đơn giản là học xong khóa giáo viên Mon ra đã trở thành 1 giáo viên Mon tốt.
- Và chị thường “niệm thần chú” gì để “trấn an” bản thân?
Những lúc bực mình, thì tôi xử lý bằng cách đi ra chỗ khác và nhờ cô giáo khác xử lý. Sau đó chỉ 1,2 phút là mọi thứ lại ổn thỏa.
- Trong quá trình nuôi dạy con trẻ, có nhiều vấn đề gây đau đầu ở từng giai đoạn, lứa tuổi khác nhau (bướng, không nghe lời, thích làm ngược lại, khi thì cư xử đúng mực khi thì ăn vạ vô cớ), liệu có công thức chung giúp bố mẹ giải quyết hoặc ít ra giúp bố mẹ bình tĩnh đối mặt với những vấn đề đó hay không?
Thực tế, trẻ em trên toàn thế giới đều được sinh ra và phát triển tâm lý giống như nhau, trẻ nào cũng có giai đoạn bướng bỉnh, không nghe lời, thích làm ngược hay ăn vạ... Và làm sao để giải quyết được các vấn đề ấy?
Đầu tiên, bố mẹ cần hiểu được giai đoạn phát triển tâm lý của trẻ từng giai đoạn. Khi chúng ta biết tại sao con ăn vạ, tại sao con bướng bỉnh, tại sao con không nghe lời, thì chúng ta sẽ có cách giải quyết. Vì vậy mà trong chương trình “Dạy con ở nhà cùng Nguyễn Thắm”, phần đầu tiên Thắm đưa vào cho các bố mẹ, chính là kiến thức hệ thống về tâm lý trẻ và triết lý Montessori.
Tôi lý giải một vấn đề xảy ra khá phổ biến ở trẻ, đó là khi trẻ ăn vạ. Trẻ ăn vạ nghĩa là trẻ đang dùng tiếng khóc của mình để đe dọa người lớn. Nếu trẻ khóc ăn vạ được 1 lần mà đạt được mục đích, thì lần sau trẻ lại khóc tiếp.
Nếu lần 1 khóc 30 phút đạt được mục đích, thì ngày mai trẻ sẵn sàng khóc 1 tiếng. Nếu khóc được 1 tiếng và cũng đạt được mục đích thì ngày mai sẵn sàng khóc 2 tiếng, thậm chí là khóc đến khi nào nôn ọe nào thì thôi.
Tâm lý của người lớn thì thường sợ tiếng khóc của trẻ, hay không chịu đựng được tiếng khóc của trẻ nên sẽ đáp ứng theo. Và nếu như vậy thì trẻ sẽ luôn bắt nạt người lớn bằng việc ăn vạ. Nhưng nếu chúng ta hiểu được điều ấy, cư xử đúng mực: kiểm soát cảm xúc của mình, giữ thái độ tích cực với trẻ, nhất quán, cái gì được thì được, cái gì không được thì không được, thì trẻ sẽ hiểu rằng: khóc không có tác dụng gì , lần sau trẻ sẽ không bao giờ khóc để đe dọa bố mẹ nữa.
- Muốn dạy trẻ trước hết phải hiểu trẻ, với chị, phải tiếp xúc cùng lúc với nhiều trẻ, làm thế nào để chị hiểu hết được chúng?
Thực tế, tiếp xúc cùng lúc với nhiều trẻ là cách dễ dàng nhất để người lớn hiểu trẻ. Hầu hết các bố mẹ không hiểu được con mình, hay không kiểm soát cảm xúc được với con mình, đơn giản vì chúng ta chỉ nuôi 1,2 em bé, nên chúng ta thấy để hiểu được trẻ, để nói sao cho trẻ nghe lời... là việc quá khó khăn. Nhưng thực tế trẻ em nào cũng thế, chỉ cần chúng ta nhất quán trong cách xử lý, và có 1 công thức chung và làm theo là mọi chuyện sẽ đâu vào đấy.
"Muốn trẻ có thể phát triển và nhanh chóng vào nề nếp, thì cần phải sự thống nhất tư tưởng và phối hợp giáo dục giữa gia đình và nhà trường". |
- “Người mẹ tốt hơn người thầy tốt”, tất nhiên câu nói này không nhằm hạ thấp vai trò của thầy cô giáo trong nuôi dạy trẻ, chị đánh giá thế nào về mối quan hệ ba mẹ - con trẻ - cô giáo?
Trong quá trình làm giáo viên Mon, 1 ngày ở trường 4-8 tiếng, có những khi ở trường 12 tiếng, và điều tôi quan sát được ở trẻ là: cùng 1 môi trường giáo dục ở nhà trường, cùng các cô giáo, cùng chương trình học, cùng chế độ dinh dưỡng, nhưng vẫn có những em bé thế này, có em bé thế khác. Có bạn thì tự tin, bạn lại nhút nhát, bạn thì chủ động, bạn lại thụ động.
Vậy nguyên nhân tại sao lại có sự khác biệt như vậy? Chắc hẳn bạn đã có câu trả lời ngay bây giờ rồi! Đúng vậy, do yếu tố gia đình! Và muốn trẻ có thể phát triển và nhanh chóng vào nề nếp, thì cần phải sự thống nhất tư tưởng và phối hợp giáo dục giữa gia đình và nhà trường.
Ví dụ khi con không ăn, ở trường các cô sẽ không xúc, và để con chịu đói đến bữa sau mới được ăn tiếp, thì ở nhà bố mẹ cũng cần phải kiên trì như vậy, tránh sốt ruột, sợ con đói, sợ con mệt... và xúc cho con ăn, nếu như vậy thì trẻ sẽ khó để tự lập, hay khó để rèn cho trẻ tự xúc.
- Chị từng nói “dạy con không có cơ hội lần thứ hai”, vậy với những ba mẹ đã từng đi sai hướng, muốn bắt đầu lại từ đầu, thì nghĩa là không thể?
Thực tế tôi cũng đã từng đi sai hướng, suốt từ khi mang bầu đến 18 tháng chỉ lo được ăn uống cho con mà không quan tâm tới giáo dục con. Rồi đến khi biết đến GDS (Giáo dục sớm), thì mày mò, tự mua sách về tìm tòi, học hỏi những mẹ đi trước rồi áp dụng cho con mình, cuối cùng lại không hiệu quả.
Sau đó, tôi quyết tâm đi học bài bản 1 khóa giáo viên Mon để về dạy con. Tính từng ấy thời gian cũng mất 3,5 năm của con. Và từ khi con 3,5 tuổi trở đi, tôi đã mất nhiều thời gian để rèn giũa lại từ đầu, và cả sửa sai. Sai từ cách khen con đến cách giáo dục con.
Tôi nhận ra 1 điều rằng: để dạy đúng cho con, có thể chúng ta mất 10 lần, 20 lần, nhưng sửa sai cho con thì mất cả tháng, thậm chí tính cả bằng năm. Nhưng chỉ cần có người dẫn đường đúng, làm đúng cách, thì mọi thứ sẽ rất đơn giản.
Đấy cũng là lý do tôi tập trung nhiều hơn cho công việc tư vấn, hỗ trợ các bố mẹ. Bởi bố mẹ nào cũng yêu con, cũng mong những điều tốt nhất cho con. Nhưng không phải bố mẹ nào cũng biết cách giáo dục đúng cách.