Lô E, chung cư 518 Võ Văn Kiệt, quận 1, TP HCM được xây dựng cách đây 20 năm nhưng qua kiểm định đã nghiêng 45cm, đe dọa tính mạng người dân. Trong ngày hôm qua (24/1), tất cả hộ dân được quận 1 hỗ trợ di dời khẩn cấp và bố trí chỗ ở mới tạm thời.
Chung cư 518 Võ Văn Kiệt do Công ty Kinh doanh nhà thành phố làm chủ đầu tư. Theo kết quả kiểm định của Sở Xây dựng, chung cư trên mới được xây 20 năm nhưng trên nền mương nước cũ, móng chỉ sâu 2 m, đóng hoàn toàn bằng cừ tràm.
NDH.vn có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Đực, Ủy viên Ban chấp hành Tổng Hội Xây dựng Việt Nam, để làm rõ hơn nguyên nhân hiện tượng nghiêng của chung cư và biện pháp khắc phục.
- Chung cư 518 Võ Văn Kiệt cao khoảng 5 - 6 tầng với gần 40 hộ dân nhưng việc làm móng công trình chỉ sâu 2 m, đóng cọc cừ tràm. Có ý kiến cho rằng điều này khó đảm bảo chất lượng, góc nhìn của ông?
- Làm móng công trình mà với cây cừ tràm chỉ 2m hoặc 3m, có thể nói là bên thi công ăn cắp. Bởi theo kinh nghiệm hay thói quen hàng trăm năm ở các công trình phía nam, việc xây dựng trên nền móng đều có cây cừ tràm. Hàng nghìn, chục nghìn công trình, từ bệnh viện, trường học, khách sạn được xây dựng trước năm 1975 ở phía nam, chiều cao 5 - 6 tầng, kể cả ở Sài Gòn như Cư xá Thanh Đa của chế độ cũ cũng đều dùng cừ tràm, nhưng cừ tràm đó dài 5 m, còn đây chỉ có 2 - 3m là ăn gian.
Tôi cho rằng một là họ dùng cây cừ non không đảm bảo, hai là cây cừ già dài chặt làm đôi. Đó là thủ thuật ăn gian mà chúng ta không kiểm soát được trong quá trình thi công.
Nguyên nhân xảy ra hiện tượng nghiêng thì có nhiều. Nếu xét thêm, ăn gian thi công đều thì sẽ lún đều, còn lún nghiêng thì bên nào ăn gian nhiều hơn sẽ lún nhiều hơn.
Cây cừ tràm đóng cọc móng công trình. Ảnh minh họa. |
- Độ lệch tối đa cho một công trình được quy định như thế nào? Theo tính toán của ông thì công trình chung cư tại Võ Văn Kiệt có thể nghiêng bao nhiêu trong mức độ cho phép?
- Quy định về độ nghiêng là 1/1000. Ví dụ chung cư Võ Văn Kiệt cao khoảng 20m thì được nghiêng tiêu chuẩn 2cm. Ở đây, công trình đã nghiêng 45cm thì gấp nhiều lần so với tiêu chuẩn, không thể chấp nhận được. Còn vấn đề nguy hiểm hay không lại là chuyện khác, chiếu theo quy định là sai rồi. Không một đơn vị quản lý về xây dựng dám cho tồn tại một công trình như thế.
- Thế giới vẫn có những công trình nghiêng nổi tiếng như tháp nghiêng Pisa, ông lý giải sao?
- Tháp Pisa còn nghiêng hơn. Thời điểm đó, người ta chưa biết gì về tính toán thi công, tính toán nền móng nên làm theo kinh nghiệm. Trong quá trình chất đá lên thì đã xảy ra lún nghiêng rồi. Sau này các nhà xây dựng khảo sát địa chất thấy phía nghiêng là chất đất xấu hơn. Nhưng đó là công trình lớn, cao cả trăm mét mới nghiêng như vậy.
Còn chung cư của mình, chưa chắc đã do địa chất mà do thiết kế có thể sai về lực, sai về diện tích móng hoặc sai thi công. Tôi cũng muốn nhấn mạnh một điều khác, khu dân cư đó có 5 lô chung cư nhưng chỉ 1 lô E bị phát hiện lún nghiêng, 4 lô kia chưa nghiêng hoặc nghiêng nhỏ. Vấn đề đặt ra là chúng ta phải bình tĩnh khảo sát lại lý do lún nghiêng. Bất cứ công trình nào cũng có thể lún nhưng lún trong điều khoản cho phép nhưng khi nghiêng chỉ một lô trên 5 lô thì cần xem xét lại.
- Có thể ông chưa biết phần lún nghiêng là lún về phía mương cũ, tức là cũng có thể do gia cố bờ kè mương ngày xưa không tốt?
- Đó có thể là một lý do nhưng không phải lý do quyết định. Thông thường với công trình như vậy, móng phải được đào sâu xuống 1,5m, cừ tràm đóng 2 - 3m nữa thì tổng cộng 4 -5m, đã qua chiều sâu của mương rồi. Mương thường thường 3m thôi. Do đó câu chuyện con mương là lý do cảm tính, cần bình tĩnh suy luận.
Vị trí lô E (hình vuông đen) và phác họa vị trí mương trước kia (màu đỏ). |
- Vậy theo ông hiện nay, biện pháp gia cố hay đập bỏ chung cư nghiêng là hợp lý?
- Đây là công trình công cộng. Chúng ta cũng chưa biết khảo sát để tìm hiểu nguyên nhân lún. Tuy nhiên tôi cho rằng tốt nhất nên đập bỏ vì việc tìm nguyên nhân lún rất khó, mất nhiều thời gian. Hơn nữa, công trình đã nghiêng tới 45cm là không sử dụng lại được, phải đập bỏ.
- Vậy trong chuyện này, ông cho rằng lỗi thuộc về ai?
- Lỗi đầu tiên phải nhắc tới là chủ đầu tư. Còn lại, trong quá trình nghiên cứu, thẩm định sẽ có 2 lỗi về thiết kế và thi công.
Về lỗi thiết kế, phải khai quật bản vẽ thiết kế, bản vẽ hoàn công hoặc là phải khảo sát thực tế như đập móng, xem cấu tạo móng có đúng như thiết kế không? Các lỗi thuộc về thiết kế có thể kể đến như tính đường kính móng sai, cấu tạo móng không hợp lý hay phủ đầu cừ tràm không đủ.
Về lỗi thi công, một số lỗi cơ bản như chiều dài cọc non không đủ, hoặc cừ tràm già bị cắt bớt; ăn gian mật độ cừ tràm (mật độ tiêu chuẩn 1 m2 ứng với 25 cây cừ tràm); đóng cừ tràm không hết diện tích móng.
Chuyện xác định nguyên nhân và lỗi thuộc về ai đều rất khó.
Ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND quận 1 cho biết việc lún nghiêng 45 cm của chung cư là hết sức nguy hiểm, cần di dời khẩn cấp người dân. Trong ngày 24/1, các hộ dân được chính quyền quận 1 hỗ trợ chuyển qua nơi ở mới. Trường tiểu học Chương Dương bên cạnh chung cư cũng được yêu cầu tạm ngưng hoạt động vì chính quyền lo ngại công trình nghiêng có thể đổ sập bất kỳ lúc nào.
Nói về trách nhiệm chủ đầu tư và đơn vị thi công, ông Hải nói đó là thẩm quyền quyết định của thành phố, quận 1 chỉ có nhiệm vụ đảm bảo cao nhất an toàn tính mạng cho người dân.