"Con tàu" IMO Việt Nam 2017 đang bay trên bầu trời để hạ cánh tại Nội Bài lúc 6h30' ngày mai (25/7/2017). So với "huyền thoại Lê Bá Khánh Trình" thì Lê Anh Vinh sau một thế hệ, anh tham dự IMO 2001 với huy chương bạc. Nhưng tốc độ trên con đường khoa học tràn đầy sức trẻ!
Ngay từ nhỏ, tài năng toán học của Lê Anh Vinh đã được các thầy trường THPT chuyên Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, phát hiện và chăm sóc bồi dưỡng. Những người thầy đã mang đến cho Vinh vẻ đẹp của toán học qua những kiến thức toán phổ thông nhưng đầy hấp dẫn. Tất cả sự truyền cảm ấy đã làm cho niềm mê thích học toán cứ lớn dần lên trong lòng cậu học trò thông minh Lê Anh Vinh.
Năm 2001, Lê Anh Vinh đã giành huy chương bạc Olympic Toán quốc tế và huy chương vàng Toán châu Á Thái Bình Dương. Với học bổng toàn phần của chính phủ Australia, anh vào học tại ĐH New South Wales. Năm 2005, anh tốt nghiệp thủ khoa ĐH chuyên ngành Toán - Tin của Australia. Năm 2010, anh nhận bằng tiến sĩ của ĐH Harvard khi mới 27 tuổi.
Nụ cười Lê Anh Vinh 2010 thời ĐH Harvard . |
Lê Anh Vinh từng là nghiên cứu viên trẻ tại Viện nghiên cứu Toán - Lý Erwin Schrodinger (Vienna, Áo) và giảng viên khoa Toán ĐH Rochester (Mỹ). Đến tháng 10/2011, Lê Anh Vinh đã chọn bến đỗ là ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội.
Lãnh đạo trường ĐH Giáo dục luôn xác định không chỉ chú ý phát hiện năng khiếu mà còn phải tạo môi trường để thu hút và tài năng phát triển. Với môi trường đảm bảo “4T”: Tâm thế - Thời gian - Thúc đẩy - Thành tích, để tạo tâm thế, PGS.TS Lê Anh Vinh đã được nhà trường bổ nhiệm Phó phòng Nghiên cứu Khoa học và Hợp tác Quốc tế.
Trong quá trình công tác, anh chủ trì một đề tài cấp trường ĐH Giáo dục, 2 đề tài cấp ĐH Quốc gia Hà Nội, một đề tài nghiên cứu cơ bản của Quỹ Phát triển Khoa học Công nghệ Quốc gia, và một đề tài nghiên cứu cơ bản của Viện Hàn lâm Khoa học các nước Thế giới thứ 3.
Với Hạnh phúc vẫn bay bổng lãng mạn (2009). |
Những giải thưởng liên tiếp đến với TS Lê Anh Vinh: Giải nhất Tài năng Khoa học Trẻ Việt Nam dành cho giảng viên trẻ năm 2012, giải thưởng Công trình Khoa học tiêu biểu của nhà khoa học trẻ ĐH Quốc gia Hà Nội năm 2012, Huy hiệu Tuổi trẻ sáng tạo của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, 10 Gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu năm 2013. Tròn 30 tuổi, anh là người trẻ nhất được phong học hàm phó giáo sư năm 2013.
Cuối năm 2016, PGS Lê Anh Vinh được bổ nhiệm vị trí chủ nhiệm khoa Sư phạm - một trong những khoa nòng cốt của ĐH Giáo dục - ĐH Quốc gia Hà Nội.
Quyết định về Việt Nam và chọn "đầu quân" cho ĐH Giáo dục đã chứng tỏ chí hướng của TS Lê Anh Vinh lúc ấy chính là con đường giáo dục mà cụ thể hơn là giáo dục toán học.
Không chỉ say mê lập nhóm nghiên cứu khoa học cho các bạn sinh viên mà anh còn say mê dạy toán cho các cháu nhỏ cùng lứa với con gái Jenny của anh. Anh lập câu lạc bộ "Học toán cùng Jenny" rồi ra cho ra đời tập san điện tử hàng tháng cùng tên câu lạc bộ.
Tiến sĩ ĐH Harvard hào hứng dạy trẻ. |
Cách thức học toán tư duy rất đặc biệt qua trò chơi, qua các câu chuyện, chỉ cho trẻ thấy những ứng dụng thực tế của toán trong đời sống từ phụ huynh này “mách nhỏ” đến phụ huynh kia đang “gây sốt” với nhiều gia đình Hà Nội có con ở lứa tuổi mầm non, tiểu học.
PGS.TS Lê Anh Vinh đưa toán đến trẻ bằng cách dạy mới mẻ, anh muốn “nhiều khi trẻ phải biết nghĩ chậm lại”.
“Trẻ con bây giờ nghĩ rất nhanh, người lớn đôi khi mặc định trẻ nhanh là thông minh. Nhưng nhiều em nhanh, giỏi hồi tiểu học, lên cấp II đã bớt giỏi đi, lên cấp III, rồi đại học lại càng hao hụt. Lối dạy theo kiểu rập khuôn dễ làm tư duy các em mòn đi.
Nhiều trẻ khi tôi đưa bài toán, nhìn thấy lạ là vội xua tay 'em không làm được', trong khi nếu quyết làm thì chỉ sau vài phút suy nghĩ là ra đáp án. Nhiều trẻ khi được hỏi 'trong các bài toán đã học, em thích bài nào?', 'có bài nào em không làm được mà cứ muốn làm mãi?', chỉ lắc đầu 'không làm được thì bỏ qua thôi'. Không thấy toán đẹp, toán hay thì làm sao thích được?”, PGS Vinh trăn trở.
Đến nay, mô hình câu lạc bộ toán học mà thầy Vinh khởi xướng đang được đưa vào triển khai tại một trường tiểu học chất lượng cao, đồng thời còn được tích hợp với chương trình chuẩn của Bộ GD&ĐT để triển khai áp dụng tại một trường tiểu học quốc tế ở Hà Nội.
Tập san "Học toán cùng Jenny". |
“Từ thiết kế chương trình này, tôi đang ấp ủ dự định xây dựng một bộ sách - không nhất thiết là sách giáo khoa - nhưng có thể giúp học sinh tham khảo để thấy yêu toán, say toán hơn”, PGS Vinh tâm sự.
PGS Vinh cùng ĐH Giáo dục nơi anh đang công tác đem những kỳ thi toán đại chúng từ các nước đưa về Việt Nam để tất cả học sinh đều có thể tham gia, chứ không chỉ giới hạn cho những học sinh phải “vượt vũ môn” đủ vòng tuyển chọn mới có cơ hội thử sức.
Không phải toán đỉnh cao để ghi giành thành tích quốc gia, kỳ thi toán quốc tế giữa các thành phố dành cho học sinh THCS và THPT, kỳ thi đánh giá năng lực tư duy toán quốc tế IMAS và kỳ thi toán quốc tế Kangaroo dành cho học sinh tiểu học và THCS... đã thu hút hàng nghìn thí sinh ở khắp mọi miền đất nước tham gia với niềm hứng khởi chưa từng có.
Chúng ta nhớ lại, "con tàu" IMO Việt Nam trước đây đã từng "neo" ở vị trí thứ 3 thế giới, nhưng có một giai đoạn "bão lũ" mà đỉnh điểm là IMO 2011, "con tàu" bị đẩy xuống tận thứ 31 trên 90 nước dự thi. Một loạt giải pháp được đưa ra để vực dậy thành tích như Việt Nam đã từng có. Năm 2012, Việt Nam giành lại vị trí thứ 9.
Năm 2013, PGS.TS Lê Anh Vinh được Bộ GD&ĐT cử làm Phó trưởng đoàn học sinh Việt Nam tham dự IMO lần thứ 54 tại Cộng hòa Colombia dưới "trướng" của "huyền thoại" Lê Bá Khánh Trình, giúp đoàn học sinh Việt Nam đạt 3 huy chương vàng, 3 huy chương bạc, con tàu nhích lên vị trí thứ 7 trên 97 nước tham dự.
Với 3 năm liên tục là "thuyền phó" cho thầy Trình, từ năm 2016, anh đã chính thức lên làm "thuyền trưởng" "con tàu" IMO Việt Nam.
IMO 2017 vừa qua, "con tàu" IMO Việt Nam lên đỉnh cao nhất của lịch sử 41 lần tham gia Olympic Toán quốc tế: Vị trí thứ 3 trên 112 nước và "thủy thủ tài năng" Hoàng Hữu Quốc Huy đứng trên đài cao thủ khoa cùng 2 học sinh Nhật và Iran.
Hãy nghe tâm sự của "thuyền trưởng" sau khi có kết quả vang dội tại IMO 2017:
"5 năm dẫn đoàn dự thi IMO, sau khi họp chốt điểm xong là sẽ đi ngay sang chỗ học trò. Dù với tư cách là phó đoàn, được ở bên cạnh động viên các em trong những lúc nhiều áp lực nhất, hay đứng từ xa nhìn nụ cười rạng rỡ của các em trên sân khấu ngày khai mạc, hồi hộp đợi chờ bài làm của các em được gửi về nơi chấm khi làm trưởng đoàn, những giây phút đó đều cho thầy cơ hội như được trải qua những cảm xúc của tuổi 18 một lần nữa. Cảm ơn các em!
Kết quả hôm nay là mỹ mãn đối với toàn đoàn, nhưng chắc chắn vẫn sẽ có vài từ 'giá như'. Mỗi mùa IMO, từ việc tuyển chọn, tập huấn đến công tác chuyên môn khi đưa các em đi thi, thầy đều cảm thấy rất nhẹ nhàng. Chỉ có điều khó khăn nhất mỗi lần đi cùng các em là chứng kiến những sự tiếc nuối cho dù tất cả đều đã cố gắng hết sức mình. Tuy nhiên, người đứng sau sẽ luôn có nhiều động lực để phấn đấu, đội tuyển của chúng ta cũng vậy. Chúc các em tiếp tục có nhiều thành công trong tương lai!"
Thầy Lê Anh Vinh say sưa giảng về Tổ hợp. |
Từ thành tích của Việt Nam tại IMO 2013, "thuyền trưởng" của "con tàu" IMO Saudi Arabia đã ngỏ ý được sang Việt Nam học hỏi cách gây dựng phong trào học toán, đề nghị PGS.TS Lê Anh Vinh hỗ trợ tham gia dẫn dắt đội tuyển toán của Saudi Arabia.
Không chỉ dành tâm huyết cá nhân, anh còn mời thêm nhiều “cao thủ” dạy toán của Việt Nam sang đào tạo cho học sinh Saudi Arabia. Đặc biệt, Saudi Arabia còn đưa học sinh giỏi sang tận Việt Nam để theo các buổi học đặc biệt do các thầy giáo Việt Nam đứng lớp.
Sau khoảng thời gian được giảng viên Việt Nam dẫn dắt, học sinh chuyên toán của Saudi Arabia đã bước vào nhiều cuộc thi quốc tế như Olympic toán vùng Vịnh, Olympic toán châu Á - Thái Bình Dương, Olympic toán vùng Balkan... với kết quả cao hơn các năm trước. Đấy là câu chuyện "xuất khẩu" luyện toán học sinh giỏi mà Lê Anh Vinh là người mở đường.
Bên các "thủy thủ" của con tàu IMO Saudi Arabia. |
Năm 2016, trường ĐH Giáo dục mở trường THPT Khoa học Giáo dục (HES), xây dựng theo mô hình trường THPT thực hành giáo dục tiên tiến, chất lượng cao của Việt Nam, PGS.TS Lê Anh Vinh được lãnh đạo bổ nhiệm làm Phó hiệu trưởng (trong 2 phó hiệu trưởng - không có hiệu trưởng) và sau đó giữ chức Hiệu trưởng của HES.
Đang dở dang năm học 2016-2017, ngày 27/3, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ký Quyết định 946/QĐ-BGD&ĐT bổ nhiệm PGS.TS Lê Anh Vinh giữ chức vụ Phó viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam.
Hãy nghe anh tâm sự trong lễ nhận quyết định bổ nhiệm Phó viện trưởng:
"Thời gian công tác tại trường ĐH Giáo dục đã giúp tôi hiểu rõ tầm quan trọng của nghiên cứu khoa học giáo dục. Điều này đặc biệt đúng khi chúng ta đang đứng trước một yêu cầu lớn về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục nước nhà, khi sự phát triển của nền giáo dục chưa theo kịp sự phát triển của xã hội, của nền kinh tế. Hệ thống giáo dục của chúng ta phải được xây dựng dựa trên một cơ sở lý luận về khoa học giáo dục bài bản.
Với vị trí, nhiệm vụ là cơ quan tư vấn chính sách, xây dựng chiến lược cho Bộ GD&ĐT, những đề bài đặt ra cho Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam trong thời gian tới sẽ là những bài toán lớn, không chỉ có ý nghĩa đối với ngành mà đối với toàn xã hội.Tôi cảm thấy rất vinh dự và may mắn khi được đứng trong hàng ngũ cán bộ của Viện, giúp việc cho GS Trần Công Phong, để tham gia vào những nhiệm vụ quan trọng này".
Chúng ta hy vọng bằng tâm huyết với giáo dục, sức mạnh của tuổi trẻ cùng tài năng đang phát triển của mình, PGS.TS Lê Anh Vinh chắc chắn sẽ đóng góp ngày càng nhiều hơn nữa cho giáo dục toán học nói riêng và cho sự nghiệp giáo dục Việt Nam.
TS Lê Thống Nhất chia sẻ ý tưởng BigSchool với PGS.TS Lê Anh Vinh |
Khi BigSchool mới khởi công xây dựng được hơn 2 tháng, ngày 5/12/2015, PGS.TS Lê Anh Vinh đã tới thăm và chia sẻ nhiều vấn đề với tập thể cán bộ của công ty. Khi được mình mời làm cố vấn chính thức cho trường, Vinh cười rất hiền:
- Có gì giúp được... anh cứ nói và em sẽ giúp. Nhận lời chính thức với anh mà công việc ngổn ngang không giúp thường xuyên được thì em cũng thấy ngại...
Lúc Lê Anh Vinh cho ra đời tập san "Học toán cùng Jenny" đã cho phép trường chia sẻ và giới thiệu với cộng đồng. Hy vọng sẽ có nhiều cơ hội, trường sẽ được sự tư vấn và hợp tác từ PGS.TS Lê Anh Vinh.
Cuối cùng, qua câu chuyện về "thuyền trưởng" của "con tàu" IMO Việt Nam 2017 cũng trả lời câu hỏi của nhiều bạn:
- Những Huy chương Toán quốc tế có trở về Việt Nam để tạo nên nguồn lực cho đất nước hay không?
- Có chứ. Tôi chỉ kể ra những cái tên mà tôi biết và nhớ: Hoàng Lê Minh, Vũ Đình Hòa, Nguyễn Long, Bùi Tá Long, Lê Bá Khánh Trình, Trần Nam Dũng, Lê Anh Vinh, Phan Vũ Diễm Hằng, Tạ Hồng Quảng,Nguyễn Trung Hà, Phan Phương Đạt, Đặng Hoàng Trung, Trương Bá Tú, Phan Hà Dương, Phạm Kim Hùng, Nguyễn Thái Hà, Nguyễn Chu Gia Vượng,..
- Tỷ lệ là bao nhiêu?
- Khó mà ai thống kê chắc chắn được. Điều này chắc Bộ GD&ĐT nên làm.
- Làm sao để thu hút những nhân tài trở về tạo nên nguồn lực cho đất nước?
- Đây là câu hỏi khó, cần nhiều lãnh đạo trao đổi và trả lời các bạn. Ý kiến cá nhân xin sẽ dành vào bài viết khác.
Và bây giờ, chúng ta chờ những hình ảnh của "con tàu" IMO 2017 Việt Nam hạ cánh tại Nội Bài.