Phát biểu của ông Nguyễn Đình Anh - nguyên Trưởng phòng giáo dục chuyên nghiệp thuộc Sở GD&ĐT Nghệ An mới đây cho rằng, có gần 70% giáo viên đứng lớp thiếu kỹ năng sư phạm đang dấy lên lo ngại của nhiều thầy cô giáo. Có người đặt vấn đề liệu có nên thi năng khiếu với tất cả các ngành sư phạm hay không?
Các diễn giả tham dự Hội thảo Giáo dục 2017. Ảnh: Đình Tuệ. |
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, TS Lê Trường Tùng - Chủ tịch HĐQT Trường Đại học FPT nêu quan điểm: "Thứ nhất, tôi không hiểu con số 70% đó là thống kê theo kiểu gì, không lẽ là đi hỏi từng giáo viên là có năng khiếu hay không sao? Phải xem tính chính xác của số liệu là như thế nào. Nếu giả thiết rằng, một số giáo viên có kỹ năng sư phạm yếu thì chính xác hơn là năng khiếu sư phạm.
Bởi năng khiếu là tố chất của tùy từng người, người ta thích người ta say mê và bộc lộ lại là câu chuyện khác. Nghề sư phạm là một nghề tương đối đặc biệt, không phải ai cũng phù hợp để có thể theo được nghề này.
Thứ hai là trong vấn đề thi tuyển đại học, chưa nói chuyện ở một số trường, điểm đầu vào thấp. Khi tuyển đại học thì tuyển những người phù hợp với ngành sẽ học và nghề sẽ làm sau này. Sư phạm thì cần phải có một số tố chất nhất định. Đối với ngành sư phạm mầm non, họ tuyển thí sinh phải có các năng khiếu như hát, múa, đọc truyện... Bởi những điều này rất rõ và cần thiết vì chăm trẻ mầm non cũng chỉ cần các năng khiếu trên.
TS Lê Trường Tùng - Chủ tịch HĐQT Trường Đại học FPT. Ảnh: NVCC. |
Nhưng nếu các ngành sư phạm bình thường khác thì năng khiếu lại không phải là yếu tố đầu vào. Lúc đó sẽ động chạm đến vấn đề then chốt là thi THPT và thi đại học sẽ khác nhau như thế nào? Thi phổ thông là kiểm tra cách vận dụng và nắm bắt những kiến thức đã học. Thi đại học là chọn được người phù hợp với ngành sẽ học và nghề sẽ làm. Khi ấy nhất thiết phải có một bộ 'Test' ở từng trường sư phạm.
Chính vì thế mới phải đưa câu chuyện tuyển sinh đại học phải là tự chủ của từng trường, vì trường là nơi rõ nhất hiểu là thí sinh cần và như thế nào để phù hợp với chuyện học và ra nghề sau này".
Ông Tùng cũng tái khẳng định, kỹ năng thì có thể đào tạo được nhưng năng khiếu là cái không thể đào tạo được vì đó là tố chất của con người. Mỗi ngành đều phải có tố chất riêng. Ví dụ như các ngành kiến trúc, âm nhạc, hội họa hay sư phạm cũng vậy.
"Nếu nói 70% giáo viên chưa có năng khiếu, còn lại 30% tạm gọi là có năng khiếu sư phạm thì lúc ấy, con số 30% này có thể sẽ trở thành đầu tàu cho 70% kia. Vấn đề cuối cùng vẫn là chuyện đào tạo và bồi dưỡng giáo viên.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đình Anh cho rằng: "Sư phạm là nghề có tính chất nghệ thuật, cho nên người có năng khiếu sư phạm thật sự và trở thành giáo viên giỏi. Số giáo viên dạy để đạt yêu cầu thì chiếm số lượng cao hơn.
Nghề dạy học là một nghề vừa mang tính khoa học vừa tính nghệ thuật. Số giáo viên có năng khiếu sư phạm chỉ đạt mức 30%. Tương đương với số giáo viên đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp tỉnh. 70% giáo viên không có năng khiếu sư phạm chứ không phải 70% giáo viên dạy không đạt yêu cầu. Đánh giá trên được rút ra trong quá trình chỉ đạo, quản lý, dạy học và dự giờ giáo viên từ tiểu học đến cao đẳng trong suốt hơn 30 công tác tại Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An chứ không phải tự nhiên rút ra kết luận như thế.
Mọi người thử thực nghiệm lại sẽ thấy, 10 giáo viên thì có mấy phần trăm là giáo viên dạy tốt theo nghĩa năng khiếu sư phạm. Năng khiếu sư phạm ở đây khác với dạy đạt yêu cầu. Người có năng khiếu sư phạm là trong bài dạy của họ có tính nghệ thuật để cuốn hút học sinh. Chứ không phải tôi nói là chỉ được có 30% giáo viên dạy là đạt yêu cầu đâu. Số đạt yêu cầu phải đạt hơn 60%. Có thể giáo viên họ hiểu nhầm con số 70% kia nên tôi phải giải thích rõ ràng như thế. Để có giáo viên dạy cho tốt không phải là dễ, sau một thời gian tôi luyện thì giáo viên có thể có năng khiếu sư phạm.
Chúng ta có thể quan sát số học sinh (giỏi) ở các trường chuyên xem có bao nhiêu em thi vào sư phạm? Trải nghiệm qua dự giờ trong lớp thì có thể thấy 3/4 giáo viên dạy không có năng khiếu nghề nghiệp. Còn dạy để đạt yêu cầu để học sinh hiểu được lại là câu chuyện khác. Dạy học cũng cần phải có nghệ thuật sư phạm.
Đã làm trong ngành giáo dục hơn 30 năm từ cấp tiểu học đến giáo dục chuyên nghiệp nên theo tôi, muốn có giáo viên thực sự giỏi, ngoài kiến thức thì cũng cần năng khiếu sư phạm để truyền đạt cho học sinh. Khi các giáo viên được công nhận dạy giỏi tức là họ đạt yêu cầu về kiến thức và nghệ thuật giảng dạy rồi".
TS Nguyễn Thị Mai Hoa - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. Ảnh: Đình Tuệ. |
Liên quan đến vấn đề này, TS Nguyễn Thị Mai Hoa - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho hay, đơn vị này cũng đã có ý kiến góp ý với ông Nguyễn Đình Anh về con số thống kê trên từ trước khi diễn ra hội thảo.
"Quá trình chuẩn bị tham luận, các đại biểu có gửi đến BTC. Con số 70% giáo viên không có năng khiếu sư phạm kia là bắt buộc phải có cơ sở thì mới đưa ra thống kê. Đối với cá nhân phát biểu thì phải chịu trách nhiệm về lời nói của mình. Đã là phần trăm thì nhất thiết phải rõ nguồn mình trích hoặc khảo sát ở một trường thôi cũng là có cơ sở rồi.
Chúng tôi tôn trọng bài tham luận của các tác giả và đã có ý kiến với thầy Đình Anh nên xem xét lại và bỏ con số thống kê 70% giáo viên không có năng khiếu sư phạm kia đi. Tuy nhiên, tác giả họ muốn bảo lưu quan điểm của mình mà cố tình để các con số đó. Về nguyên tắc, bài đưa vào kỷ yếu khoa học là phải chính xác".
Theo Th.sĩ Vũ Hoàng Sơn - Trường Tiểu học Bình Hòa (TP HCM) cho biết, việc thi đầu vào ĐH cũng trên kiến thức nền tảng của bậc phổ thông, chứ ở phổ thông học sinh đâu có được đào tạo năng khiếu sư phạm. Qua 4 năm đại học, có 3 năm học về chuyên ngành. Năng khiếu của từng người là khác nhau và tích tụ từng ngày một chứ không phải ai cũng có sẵn.
PGS.TS Nguyễn Mạnh Hưởng - Giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng: Trường hợp này nên dùng cụm từ "năng lực sư phạm" mới chuẩn xác, không thể dùng cụm từ "năng khiếu sư phạm" được. Cần phân biệt rõ nội hàm các khái niệm này. Có người gọi là kĩ năng sư phạm, nhưng có kĩ năng sư phạm vẫn chưa thể dạy tốt được. Kĩ năng chỉ là sự vận dụng bước đầu những kiến thức, sự hiểu biết của bản thân mình về một lĩnh vực nào đó vào thực tiễn, nếu thường xuyên rèn luyện, thực hành (lặp đi lặp lại) sẽ có kĩ xảo (gọi là có kĩ năng, kĩ xảo), cộng thêm sự ý thức của bản thân khi làm việc gì đó thì sẽ hình thành năng lực (về một lĩnh vực cụ thể). "Tựu chung lại, giáo viên đứng lớp phải có năng lực sư phạm bao gồm: Năng lực chuyên môn - kiến thức chuyên môn tốt; năng lực phương pháp - kiến thức về phương pháp dạy học, giáo dục môn của mình; năng lực nghiệp vụ sư phạm - nghiệp vụ riêng của nghề dạy học qua rèn luyện. Mỗi môn sẽ có nghiệp vụ dạy học đặc thù. Nói đến năng khiếu người ta thường đề cập đến yếu tố bẩm sinh, có thể là gen di truyền (có sẵn, sinh ra đã có rồi, không cần rèn luyện nhiều). Không phải ai cũng có năng khiếu. Không phải ai sinh ra cũng có năng khiếu làm nghề dạy học", thày Nguyễn Mạnh Hưởng khẳng định. |
Chớ nhầm lẫn 'kỹ năng sư phạm' với 'năng khiếu sư phạm' mà oan cho giáo viên Nhiều thầy cô cho rằng, đừng nhầm lẫn "kỹ năng sư phạm" với "năng khiếu sư phạm" mà oan cho họ khi có thông tin ... |