Dự án tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) của TPHCM hiện đang gặp khó khăn về nguồn vốn. Ảnh: T.L |
Cơ sở hạ tầng yếu kém ảnh hưởng đến phát triển kinh tế
Tại buổi gặp gỡ báo chí mới đây, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho rằng, hiện nay thành phố đang có những thách thức làm ảnh hưởng đến quy mô kinh tế thành phố, nếu không sớm giải quyết những thách thức đó thì về lâu dài sẽ làm cho quy mô kinh tế thành phố nhỏ lại, và khi đó thì tỉ lệ đóng góp cho ngân sách Trung ương sẽ giảm đi.
Phân tích thêm điều này, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong dẫn chứng một ví dụ cụ thể như nghị quyết của Đảng bộ TP đề ra trong năm 2017 là tăng trưởng kinh tế đạt 8,4%. Tuy nhiên trên thực tế đến hết tháng 9.2017, tốc độ bình quân mới đạt 7,97%. Như vậy, để cả năm 2017 đạt tốc độ tăng trưởng 8,4% thì 3 tháng còn lại của năm 2017, thành phố phải nỗ lực tăng trưởng bình quân 9,2%.
“Đây là vấn đề cực kỳ khó khăn, không đơn giản tí nào. Mặc dù chúng ta điểm lại 9 tháng qua cho thấy các ngành quy mô tăng trưởng đều cao so với cùng kỳ, nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra” - Chủ tịch Nguyễn Thành Phong chia sẻ.
Nhận định nguyên nhân khiến tăng trưởng kinh tế những năm gần đây bị chậm lại, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cũng cho rằng, yếu tố kẹt xe, ngập nước cũng như cơ sở hạ tầng còn kém cũng là những thách thức tác động làm ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố.
Nhiều chuyên gia, nhà kinh tế cũng chỉ ra vấn đề ngập nước, kẹt xe hằng năm gây thiệt hại cho nền kinh tế TPHCM hàng tỉ USD. Tại hội thảo về kiểm soát nhu cầu sử dụng xe cá nhân trên địa bàn TPHCM - thực trạng và giải pháp được tổ chức vừa qua, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TPHCM đã đưa ra đánh giá riêng về kẹt xe tại TPHCM mỗi năm đã gây thiệt hại về mặt kinh tế ước tính khoảng 6 tỉ USD (tương đương gần 140.000 tỉ đồng), chiếm 13,4% GDP của TP, cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP của TPHCM.
Trao đổi với PV Lao Động, luật sư Trần Quốc Minh (Đoàn Luật sư TPHCM) phân tích thêm, do ảnh hưởng của vấn nạn kẹt xe đã khiến không ít nhà đầu tư ngần ngại đầu tư vào thành phố.
“Ví dụ hiện nay, đường Mai Chí Thọ - Đồng Văn Cống là tuyến đường ra vào khu vực cảng Cát Lái (cảng lớn nhất miền Nam), nhưng ngày nào cũng xảy ra kẹt xe kéo dài, kẹt xe kể cả thứ bảy, chủ nhật, thì thử hỏi làm sao không tác động, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế thành phố….” - luật sư Trần Quốc Minh dẫn chứng.
Thiếu tiền và thiếu cơ chế
Để giải quyết các vấn đề thách thức như: Ngập nước, kẹt xe, cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị của TPHCM trong giai đoạn 2016-2020, thành phố cần tổng nhu cầu vốn đầu tư ước khoảng 850.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, khả năng ngân sách TPHCM cũng chỉ mới đáp ứng được khoảng 20%. Trong đó, tính riêng nhu cầu vốn cho các lĩnh vực giao thông, môi trường, chống ngập đã gần 500.000 tỉ đồng, chưa kể những dự án chỉnh trang, phát triển đô thị. TP sẽ có cơ chế nhằm hút vốn theo PPP.
Mặc dù nhu cầu tổng vốn đầu tư rất lớn, song vấn đề khó khăn nhất của thành phố hiện nay là vấn đề cân đối về nguồn vốn đầu tư. Thách thức đặt ra là vậy, song tỉ lệ phân chia ngân sách giữa Trung ương và TPHCM trong những năm qua lại liên tục bị cắt giảm.
Cụ thể nếu vào khoảng năm 2003, thành phố cứ thu ngân sách được 100 đồng thì được giữ lại 33 đồng; nhưng những năm sau đó, tỉ lệ ngân sách thành phố được giữ lại giảm dần xuống 29 đồng rồi 23 đồng và giai đoạn hiện nay là 18 đồng.
“Việc giảm tỉ lệ ngân sách thành phố được giữ lại như hiện nay làm ảnh hưởng đến việc cân đối đầu tư phát triển hạ tầng của thành phố. Bởi thực tế, có những dự án đầu tư công phải sử dụng nguồn vốn ngân sách. Còn với những dự án khác đành rằng kêu gọi đầu tư theo các hình thức khác, song thành phố cũng cần nguồn vốn không nhỏ để đối ứng” - Chủ tịch Nguyễn Thành Phong giải thích.
Việc đói vốn và vướng cơ chế về đầu tư cơ sơ hạ tầng của TPHCM có thể thấy rõ nhất ở dự án đầu tư xây dựng tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) hiện nay. Dù thành phố đã chủ động thúc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ, song khi tiến độ được đẩy nhanh thì gặp phải vướng mắc không đủ tiền để thanh toán cho các nhà thầu.
Theo Ban quản lý Đường sắt đô thị TPHCM, trong năm 2017, nhu cầu vốn để xây dựng tuyến metro số 1 là 5.442 tỉ đồng, nhưng đến tháng 10 chỉ mới được giao 2.119 tỉ đồng, đáp ứng 36% và còn thiếu 3.303 tỉ đồng. Đối với phần vốn trung hạn từ 2016-2020, nhu cầu vốn cho dự án metro số 1 là 20.930 tỉ đồng, hiện đã được giao 7.500 tỉ đồng, đáp ứng 39% và còn thiếu 13.430 tỉ đồng.
Mặc dù, thành phố cũng làm việc với các bộ, ngành liên quan, song đến nay Trung ương vẫn chưa thể giải quyết đủ nguồn vốn theo tiến độ thực tế của nhà thầu. Trước tình thế nguy cơ nhà thầu dừng thi công, ảnh hưởng tiến độ dự án, thành phố đành bấm bụng đã 3 lần tạm ứng nguồn vốn ngân sách để tạm chi trả cho nhà thầu.
Dự án mở rộng tuyến quốc lộ 13: Đội vốn trên… 5.000 tỉ đồng, chưa triển khai
Tháng 3.2016, Báo Lao Động từng có loạt bài phản ánh đoạn quốc lộ 13 (QL 13) - từ ngã tư Hiệp Bình Phước tới cầu Bình Triệu - chỉ dài 4,5km, nhưng ròng rã 16 năm, TPHCM thực hiện nâng cấp, mở rộng chưa xong. Hệ lụy của sự trì trệ này dẫn tới đoạn đường luôn trong cảnh quá tải, ngập nước, kẹt xe triền miên v.v… Lãnh đạo Thành uỷ TPHCM lúc đó đã yêu cầu mở rộng QL 13 lên 60m, thế nhưng đến nay, sau 17 tháng chỉ đạo, dự án QL 13 vẫn… bế tắc.
Trả lời Báo Lao Động, xung quanh chuyện mở rộng QL 13, ông Bùi Xuân Cường - GĐ Sở GTVT TPHCM - cho biết: “Dự án cầu đường Bình Triệu 2 được Tổng Cty Xây dựng Công trình giao thông 5 (Cienco 5) triển khai đầu tư từ năm 2000, với giá trị đầu tư khoảng 203 tỉ đồng, hình thức BOT.
Nếu mở rộng QL 13 (đoạn TPHCM) với mặt cắt ngang theo quy hoạch là 60m, sẽ không đảm bảo tính khả thi về hoàn vốn đầu tư bằng thu phí (hơn 3.500 tỉ đồng chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng và 1.500 tỉ đồng chi phí xây dựng công trình). Vì vậy, TP sẽ đầu tư bằng dự án khác cho việc mở rộng QL 13. Hiện nay, UBND TP đang giao cho nhà đầu tư Liên danh Đức Bình - Cienco 1 - Khánh An nghiên cứu, lập đề xuất dự án theo quy mô từ 40-60m làm cơ sở thực hiện bước tiếp theo đúng quy định.
TP HCM: Mưa ngày càng nhiều và lớn hơn các năm trước
Tuy chưa hết năm 2017 nhưng TP HCM đã xuất hiện 8 trận mưa có vũ lượng trên 100mm, lớn gấp đôi các năm 2009 ... |