Pháp Luật TP.HCM ngày 25-2 có bài “Hy hữu: Dùng tiếng chim lạ để “đấu” tiếng chim yến” phản ánh việc hàng xóm khiếu nại lẫn nhau liên quan đến việc một hộ gia đình nuôi chim yến trên nóc nhà.
Cơ sự bắt nguồn từ việc giữa năm 2017, ông Lê Văn Minh cải tạo tầng trên cùng căn nhà của mình đang ở (tại khu chợ mới An Hiệp, huyện Ba Tri, Bến Tre) để nuôi chim yến. Ban đầu hộ liền kề rất ủng hộ, còn cho nhờ nóc nhà của mình để ông Minh chuyển vật tư xây dựng nhà nuôi yến.
Thưa hàng xóm vì phân chim yến
Khi nhà nuôi chim yến của ông Minh hoạt động được vài tháng thì ba hộ dân liền kề đã gửi đơn đến UBND xã An Hiệp khiếu nại. Theo các hộ dân này, đàn chim yến của ông Minh đã ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Cụ thể là chim yến thải phân trên nóc nhà trong khu vực, ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt vì người dân ở đây vẫn đang sử dụng nước mưa để uống và sinh hoạt. Cạnh đó, ông Minh gắn máy phát loa để dụ chim yến về gây tiếng ồn xung quanh suốt ngày…
UBND xã tổ chức hòa giải không thành vì ông Minh cho rằng gia đình ông nuôi yến là đúng theo quy định. Trong khi cơ quan chức năng đã đo tiếng ồn phát ra từ loa dụ chim yến thì kết luận âm thanh không vượt mức cho phép, chỉ có việc lấy mẫu phân chim để giám định thì chưa có kết quả.
Bức xúc, các hộ lân cận đã về lắp loa âm thanh phát ra các tiếng chim đại bàng, chim heo, chim cú mèo, tắc kè với lý do để… đuổi chim lạ. Sau đó đến lượt vợ chồng ông Minh gửi đơn đến ủy ban xã yêu cầu không cho hàng xóm lắp các loa trên vì chim yến là loài rất sợ những âm thanh này. Hiện các đơn khiếu nại liên quan đến vụ việc khá hy hữu này đã được UBND xã chuyển lên UBND huyện chờ giải quyết.
Hình ảnh loa dẫn dụ chim yến nhà ông Minh. Ảnh: THU GIANG |
Nuôi chim yến phải theo quy hoạch
Từ vụ việc này, nhiều bạn đọc thắc mắc quy định hiện hành về việc nuôi chim yến ra sao?
Theo luật sư (LS) Nguyễn Thế Cương (Đoàn LS TP.HCM), Thông tư 35/2013 của Bộ NN&PTNT quy định khá rõ về việc nuôi chim yến.
Theo đó, chủ cơ sở nuôi chim yến phải khai báo với Phòng NN&PTNT hoặc Phòng Kinh tế ở các quận, huyện, thị xã, TP thuộc tỉnh, nơi có cơ sở nuôi chim yến theo mẫu tại phụ lục ban hành kèm theo thông tư này. Đối với trường hợp tổ chức, cá nhân đã nuôi chim yến trước thời điểm thông tư này có hiệu lực phải khai báo chậm nhất vào ngày 31-12-2013.
Về vị trí xây dựng mới cơ sở nuôi chim yến, tổ chức, cá nhân xây dựng cơ sở để nuôi chim yến kể từ thời điểm thông tư này có hiệu lực phải phù hợp với quy hoạch hoặc được sự đồng ý bằng văn bản của UBND cấp huyện. Cường độ âm thanh để dẫn dụ chim yến không vượt quá 70 dBA (đề xi ben A) trong khoảng thời gian từ 6 giờ đến 21 giờ và không được sử dụng âm thanh trong thời gian từ 21 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau.
Thông tư 35 cũng quy định chất thải từ việc nuôi chim yến phải được thu gom, tiêu độc, khử trùng và xử lý bằng một trong các biện pháp ủ, đốt, chôn lấp hoặc phương pháp khác nhằm đảm bảo an toàn trước khi đưa ra môi trường.
Theo LS Cương, ngoài ra, cơ sở nuôi chim yến phải được kiểm tra, giám sát và lấy mẫu xét nghiệm định kỳ hoặc đột xuất theo yêu cầu của cơ quan thú y có thẩm quyền. Cơ quan thú y lấy mẫu định kỳ một năm hai lần để kiểm soát dịch bệnh, lấy mẫu đột xuất khi có hiện tượng chim yến chết bất thường hoặc cơ sở nuôi chim yến nằm trong vùng đang có dịch cúm gia cầm.
LS Chu Văn Hưng (Đoàn LS TP.HCM) cho rằng pháp luật đã bắt buộc người nuôi chim yến phải theo quy hoạch. Cũng theo Thông tư 35 thì những cơ sở vi phạm phải bị xử lý. Theo điểm b khoản 7 Điều 7 Nghị định 90/2017 của Chính phủ (quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thú y) thì hành vi nuôi gia súc, gia cầm không đúng quy hoạch có thể bị phạt tiền từ 6 triệu đến 8 triệu đồng.
Cũng theo LS Hưng, nếu cơ quan chức năng chứng minh được đàn chim yến của ông Minh phóng uế trên nóc nhà người khác hoặc nơi công cộng gây mất vệ sinh thì có thể áp dụng Điều 7 Nghị định 167/2013 (quy định xử lý vi phạm về giữ vệ sinh chung) để xử phạt. Người vi phạm có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đến 300.000 đồng và bị buộc phải khắc phục hậu quả. Về tiếng ồn, nếu vượt quá ngưỡng cho phép cũng có thể bị xử phạt theo quy định của Nghị định 155/2016 của Chính phủ.
“Cũng theo Thông tư 35, việc nuôi chim yến phải tuân thủ quy hoạch, xa khu dân cư, đảm bảo tính bền vững, phòng chống dịch bệnh, khoa học công nghệ, phù hợp với môi trường tự nhiên cho chim yến sinh sống và phát triển; quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng nhà yến, không phát triển tự phát ảnh hưởng đến nghề nuôi chim yến, lợi ích kinh tế của cộng đồng và sức khỏe nhân dân” - LS Hưng nói.
Có thể khởi kiện ra tòa Về vụ việc của ông Minh, theo tôi rất khó để giải quyết cho rốt ráo. Bởi một bên phát tiếng chim yến, một bên phát tiếng chim lạ và họ đều có mục đích, lý do. Nó cũng giống như việc bên nhà này thích nuôi chó, còn nhà kế bên thì thích nuôi hổ, mà chó thì rất sợ hổ. Các bên liên quan đều có quyền khởi kiện ra tòa yêu cầu giải quyết nhưng người đứng đơn kiện phải chứng minh được lỗi của bên kia gây thiệt hại cho mình. Chẳng hạn những âm thanh gây thiệt hại về tinh thần, gây giảm sút việc chăn nuôi của bên kia; phân chim gây ô nhiễm, thiệt hại về sức khỏe ra sao. Nếu chứng minh được thì tòa án sẽ lấy đó làm cơ sở để xem xét giải quyết vụ kiện. Phó viện trưởng VKSND huyện Ba Tri, Bến Tre TRẦN VĂN TƯ THU GIANG ghi Nỗi lo dịch bệnh từ chim yến Nuôi chim yến là nghề mang lại nguồn lợi kinh tế lớn nên ngày càng có nhiều cơ sở nuôi yến trong khu dân cư khiến nhiều người dân bị ảnh hưởng về tiếng ồn và nỗi lo dịch bệnh. Trường hợp chim yến chết hàng loạt do dịch bệnh nguy hiểm cũng đã xảy ra. Cụ thể, năm 2013 tại Tháp Chàm, Ninh Thuận, hơn 5.000 con chim yến chết đồng loạt, các mẫu xét nghiệm xác chim yến cho kết quả dương tính với virus H5N1. |