Trở về Việt Nam với tấm bằng thạc sĩ ngành Quản lý và Lãnh đạo giáo dục loại xuất sắc (Distinction) của Đại học Warwick, chị Nguyễn Thanh Nguyệt Minh tự hào vì có một năm đáng nhớ ở Anh, quãng thời gian không chỉ có học mà còn làm và chơi đúng như mục tiêu đặt ra khi nhận được học bổng toàn phần của Chính phủ Anh - Chevening năm 2017.
Thủ khoa đại học ngành Quan hệ quốc tế rẽ sang quản lý giáo dục
Tốt nghiệp thủ khoa ngành Quan hệ quốc tế của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM năm 2013, chị Minh có hai năm làm việc với tư cách giảng viên thỉnh giảng ở trường, nhân viên của Quỹ phòng chống thương vong châu Á (AIP Foundation) và giáo viên dạy tiếng Anh. Được nhiều học viên đánh giá cao khả năng truyền đạt, chị quyết định chuyển hướng sang lĩnh vực giáo dục.
Chị Nguyễn Thị Nguyệt Minh trong chuyến đi tới đảo quốc Malta. Ảnh: NVCC |
Năm 2015, chị Nguyệt Minh mở trung tâm tiếng Anh chuyên về luyện thi IELTS. Sau hai năm đặt nền móng, nhận thấy tiềm năng phát triển xa hơn, chị nghĩ rằng cần phải nâng cao kỹ năng quản lý để có thể mở rộng trung tâm.
"Khi đó tôi không có chút kiến thức nền nào về quản lý giáo dục, lại nghĩ rằng ngành giáo dục rất cần kiến thức chuyên sâu ở học vị cao hơn nên đã nộp hồ sơ xin học bổng du học ở Anh quốc. Vì trung tâm đang phát triển, tôi không thể vắng mặt quá hai năm, lựa chọn duy nhất lúc ấy là Chevening", chị Minh nói.
Nhờ kỹ năng lãnh đạo và networking (kết nối) tốt, chị Minh trúng tuyển khóa thạc sĩ một năm ở Đại học Warwick, trường top 10 của Anh quốc (theo QS năm 2018). Kể từ đó, chị lên kế hoạch để vừa có thể tập trung học tập, vừa điều khiển được trung tâm từ xa, đồng thời đặt chân đến càng nhiều quốc gia càng tốt vì muốn trải nghiệm văn hóa và tìm hiểu thực tế.
Vừa học, vừa làm vẫn đi được 25 nước châu Âu
Một năm học ở Anh, chị Minh đã đi tới 25 quốc gia châu Âu, trong đó có Morrocco, Malta, Hà Lan, Nga, Pháp, Italy, Ireland, Hungary, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha... Chị khẳng định việc đi nhiều nước không phải chỉ cho vui và càng không phải cứ nói là đi được. Đó là sự quyết liệt, nỗ lực trong quản lý công việc, học tập và sắp xếp thời gian.
Thời gian làm việc và học tập một ngày của chị luôn là từ 8h sáng đến 11h đêm. Học thạc sĩ ở Anh khác so với Việt Nam, thời gian chủ yếu được dùng để đọc bài ở nhà, trong khi học trên lớp chỉ chiếm hai ngày mỗi tuần. Để tiết kiệm, trong giờ học tại lớp, chị thực hiện song song hai công việc: tai nghe bài giảng của giáo viên, mắt dùng để đọc tài liệu.
IELTS 8.5 là lợi thế giúp chị đọc, hiểu bài nhanh hơn, có thể viết bài luận 5.000 từ chỉ trong một tuần, qua đó rút ngắn thời gian học để hoàn thành công việc.
Chị Nguyệt Minh trải nghiệm cưỡi lạc đà ở Morocco. Ảnh: NVCC |
Dù sống ở Anh, cô gái sinh năm 1991 vẫn phải điều hành công việc của trung tâm tiếng Anh ở nhà. Chị tự nhận bản thân có khả năng bao quát và dự đoán tương lai cần gì nên có thể sớm lên kế hoạch và giao việc từ xa. Thế nhưng, vào tháng 1 vừa qua, trung tâm gặp sự cố về nhân sự khiến mọi công việc gần như tê liệt. Chị phải bay về Việt Nam xử lý rồi quay lại Anh. Dù vậy, với kế hoạch đã vạch ra từ sớm, chị vẫn đi thăm các quốc gia.
"Bản thân tôi rất thích du lịch, trước khi sang Anh, tôi đã đến 14 nước châu Á thông qua các chương trình quốc tế, trong đó có Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Nhật Bản, Singapore... Và tôi muốn biến một năm du học thành một năm với những chuyến đi đáng nhớ bởi khi về nước, công việc sẽ khiến tôi không thể đi nhiều", chị nói và cho biết đến giờ đã đi tổng cộng 40 nước.
Cô giáo 9x chia sẻ các chuyến đi không đem lại kiến thức liên quan đến công việc nhưng lại cho chị nhiều trải nghiệm văn hóa và những cái nhìn thực tế nhất ở từng nước. Nhiều nơi khiến chị vỡ mộng bởi tưởng lãng mạn nhưng lại rất bẩn và nhiều trộm cắp. Có nơi lại khiến chị ngạc nhiên và thoải mái vì người dân địa phương rất tuyệt vời. Đó là những góc nhìn thực tế mà chỉ khi tận mắt chứng kiến mới dám tin.
Luận văn xuất sắc về "Tự chủ trong việc học ngoại ngữ"
Đặt chân tới đủ 25 quốc gia cũng là lúc chị Minh phải hoàn thành luận văn để kết thúc một năm ở Anh. Quản lý một trung tâm tiếng Anh và muốn tìm hiểu những gì tốt nhất cho học viên của mình, chị lựa chọn đề tài "Tự chủ trong việc học ngoại ngữ". Bài luận văn được đánh giá là đã đưa ra nhiều kết luận mới mẻ và có nhiều ý tưởng khả thi để áp dụng vào thực tế ở Việt Nam.
Trong quá trình học ở Anh, chị Minh nhận thấy sinh viên có tinh thần coi việc học là việc của chính mình và thầy cô chỉ đóng vai trò phụ. Trong khi ở Việt Nam, nhiều sinh viên có tư duy phụ thuộc vào thầy cô hơn là tự nỗ lực. Điều này hoàn toàn sai lầm, đặc biệt trong việc học ngoại ngữ bởi khoa học đã chứng minh người tự chủ trong việc học, tự chọn lộ trình, phương pháp, tiến độ học sẽ thành công hơn.
Chị Nguyệt Minh trong buổi nói chuyện về "Phương pháp học ngoại ngữ" với 200 sinh viên ở TP HCM. Ảnh: NVCC |
Khi làm luận văn, chị Minh đã tìm thấy những nhân tố thúc đẩy sự tự chủ của sinh viên. Đó là môi trường thực hành, lộ trình bài bản với giáo viên hướng dẫn và những "deadline" (thời hạn hoàn thành bài), động lực thúc đẩy người học.
Trở về Việt Nam, chị Minh hướng tới áp dụng kiến thức thu được vào trung tâm của mình, trong đó có việc xây dựng môi trường 100% tiếng Anh cùng không gian tự học với sự hỗ trợ của giáo viên hệ thống nhằm tăng khả năng tự chủ của học viên. Chị cũng xây dựng hệ thống trực tuyến giúp học viên theo dõi được tiến độ học, bài sửa và phản hồi của giáo viên.
"Về giảng dạy kiến thức và kỹ năng, tôi không thấy Việt Nam thua kém nước ngoài, nhưng lại yếu ở điểm chăm sóc và theo sát sinh viên, đặc biệt trong việc phản hồi sau mỗi bài kiểm tra. Tôi chắc chắn sinh viên được phản hồi kỹ về những điểm tốt, điểm cần cải thiện, được trao đổi trực tiếp với giáo viên và có nguồn học liệu phong phú, chất lượng giáo dục sẽ nâng cao rất nhiều", chị Minh nói và thông tin đây cũng là những cải tiến mà chị sẽ mang lại cho học viên.
Dành được nhiều thành tích, chị Minh khuyên các bạn trẻ nên chuẩn bị tốt hai yếu tố là tiếng Anh và công nghệ vì trong bất kỳ môi trường học tập, làm việc nào, chúng đều quan trọng. Bên cạnh đó, các bạn phải quyết liệt với những mục tiêu đã đặt ra. "Bạn không cần lựa chọn vì bạn có thể làm được tất cả điều bạn muốn", chị Minh nói.
Ngắm những 'giảng viên nhà người ta' nổi như 'cồn' trên mạng vì quá xinh
Nhiều giảng viên đại học nổi như cồn trên mạng xã hội vì xinh đẹp và tài năng. |
Xót xa cảnh người mẹ 88 tuổi mù lòa hơn 40 năm nuôi người con điên dại
Suốt bao năm tảo tần một mình nuôi người con điên dại, số phận lại thêm nghiệt ngã khi gần 3 năm nay, đôi mắt ... |