Có một ngôi làng thờ vị “thần Cẩu” linh thiêng ở Huế

Ở làng nghề đan lát Bao La (tỉnh Thừa Thiên Huế) có một tượng hình chó, người dân nơi đây xem như bảo vật và tôn kính thành một vị thần bảo vệ dân làng. Họ gọi bằng cái tên cung kính là “thần Cẩu”.

Theo quan sát của chúng tôi, “thần Cẩu” được thờ tự trong ngôi miếu ở xóm Hóp (làng Bao La, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền) - cách trung tâm thành phố Huế chừng 25km về phía Bắc.

Ngôi miếu nằm ở con đường chính của làng, miếu được xây dựng nghiêm trang, rộng khoảng 9m2, ở giữa có thờ ‘thần Cẩu” với đầy đủ lư hương, ly, quả bồng, hoa.

Hằng ngày, miếu được người dân quét dọn sạch sẽ. Để ghi nhớ công ơn, dân làng thường lo thắp hương đều đặn vào những ngày mười bốn, ngày rằm, ngày 30 và mồng 1 (Âm lịch) hàng tháng để thần không quở trách mà bảo vệ tinh thần, mang lại sự bình an cho dân làng.

co mo t ngoi la ng tho vi than cau linh thieng o hue
Miếu thờ “thần Cẩu” nằm bên con đường của làng. Ảnh: Khải Tuấn.

Khi trong làng có lễ, họ đều đem mâm lễ đến miếu “thần Cẩu”, mâm lễ có gì thì cúng nấy như con gà, xôi, cau trầu, rượu… Những năm làng tổ chức lễ lớn, mổ heo bao giờ cũng được cúng nguyên cái đầu heo.

Theo tìm hiểu, tượng chó đá to gần bằng chó thật, dáng ngồi khoan thai, với tư thế ngồi nhổm. Tượng thần nặng khoảng 35 - 40kg, cao khoảng 70cm, rộng khoảng 50cm, ngồi trên cái bệ cao chừng nửa mét.

Mặt hướng ra đồng ruộng của làng và sông Bồ, thân hình có màu trắng xen kẽ màu xám. Mắt và miệng không còn lộ rõ, do thời gian làm hao mòn dần. Phía trên có khắc ba chữ Hán được dịch là "Thiên Cẩu Thần".

co mo t ngoi la ng tho vi than cau linh thieng o hue
Thần Cầu được thờ. Ảnh: Khải Tuấn.

Người dân cho biết, hơn 500 năm trước, làng xảy ra hạn hán. Họ liên tục đào giếng sâu giữa ruộng để tìm nguồn nước, nhưng đào mãi vẫn không thấy mạch. Sau đó, dân làng phát hiện vật lạ dưới đáy giếng, lấy vật lạ ấy lên thì mạch nước ngầm xuất hiện.Vật lạ ấy chính là tượng chó đá.

Họ tin rằng, đây là vị thần được phái đến để bảo vệ và mang lại may mắn cho dân làng. Do vậy, họ đã thành kính làm lễ đưa bức tượng chó đá lên, rồi xây miếu thờ cúng và tôn kính gọi bức tượng là “thần Cẩu”.

Thời chiến tranh, giặc Pháp càn quét về làng và ngồi lên cưỡi rồi đập phá miếu thờ Thần Cẩu làm cho bức tượng bị gãy làm đôi. Người dân thấy vậy đem thần vào cất giữ ở đình làng, sau đó khôi phục lại.

Hỏi chuyện về “thần Cẩu”, chỉ có những vị cao niên trong làng mới biết đến những câu chuyện xoay quanh bức tượng thiêng này.

Cụ bà Võ Thị Mau (63 tuổi, ở gần miếu) cho biết: “Lúc ông ngoại của tôi còn trẻ, ông ấy đã thấy người dân thờ thần rồi. Sau đó, giặc Pháp đến đập phá làm hư, rồi chú tôi từ Sài Gòn về và dùng xi măng xây lại cho thần nguyên vẹn”.

Bức tượng linh thiêng có tiếng, đến nỗi dân ở các làng xung quanh cũng biết đến và tôn kính. Xung quanh vị "thần Cẩu" này, có nhiều câu chuyện kỳ bí được người dân lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác.

co mo t ngoi la ng tho vi than cau linh thieng o hue
Cận cảnh “thần Cẩu” linh thiêng. Ảnh: Khải Tuấn.

Bà Mau kể thêm: “Ông ngoại của bà nói rằng, cứ tối tối, thần hiện ra to như con trâu, có màu trắng, chạy khắp làng để bảo vệ dân làng khỏi bệnh tật, hoạn nạn, xua tan tà khí và giúp đỡ người dân làm ăn thuận lợi”.

Trong một lần trao đổi với chúng tôi, cụ ông Nguyễn Văn Nùng cho biết, có một lý do khiến cho người dân ở đây tôn thờ và kính mến. Chuyện là ngày xưa dân làng Bao La có cuộc sống cực khổ. Do đó, họ làm lụng suốt ngày suốt đêm, có nhiều lúc nửa khuya vẫn còn ngoài đồng vắng vẻ.

Thấy vậy, thần Cẩu hiện hình về, sủa lên những tiếng rất to để dọa người dân, khiến họ sợ mà về nhà nghỉ ngơi kẻo làm việc mệt.

“Thực hư câu chuyện trên như thế nào thì tôi không biết, nhưng tôi hay nghe người dân kể với nhau rằng, nhiều dân làng đang làm việc ngoài đồng thì nghe thấy tiếng sủa lớn, họ sợ hãi quá nên về nhà”, ông Nùng chia sẻ thêm.

co mo t ngoi la ng tho vi than cau linh thieng o hue
Mặt thần cẩu hướng ra cánh đồng ruộng bao la, bát ngát. Ảnh: Khải Tuấn.

Để củng cố thêm sự linh thiêng của “thần Cẩu”, ông Nùng chia sẻ câu chuyện của chính ông mà bấy lâu nay ông vẫn còn nhớ. Ông kể, ngày còn nhỏ, khoảng 2h sáng tinh mơ, ông cùng bố đi đạp nước vào ruộng, bất chợt ông nhìn thấy bóng màu trắng to như một con trâu.

“Lúc ấy, tôi run sợ nên có hỏi bố thì bố tôi nói không thấy gì. Thế nhưng, về đến nhà, bố tôi nói rằng, ông cũng thấy con trâu màu trắng nhưng sợ tôi hoảng nên giả vờ nói không thấy gì cho tôi yên tâm”, ông Nùng tâm sự.

Theo người dân làng Bao La, có một lần, tất cả gia súc trong làng mắc dịch bệnh. Dân làng quá sợ hãi đã đến van xin và khấn vái “thần Cẩu”. Ngay đêm hôm đó, xuất hiện một con chó trắng vừa chạy vừa sủa xung quanh làng để bảo vệ đàn gia súc, hai chân trước vờn lên như đang chiến đấu với kẻ thù.

Ngay hôm sau, nạn dịch lập tức chấm dứt. Từ đó, mỗi khi làng có dịch bệnh, người dân tìm đến miếu “thần Cẩu” để xin giúp đỡ. Cũng vì linh thiêng, cho nên đa số người dân khi đi ngang qua miếu đều thể hiện sự tôn kính, lịch sự.

Trong tâm thức của người làng, con chó đá này chính là vị thần che chở, mang đến bình yên và may mắn cho cả làng, gắn bó trong đời sống tâm linh của người dân nơi đây.

co mo t ngoi la ng tho vi than cau linh thieng o hue Em bé chào đời thời khắc giao thừa Tết Mậu Tuất

Cùng với các bệnh viện chuyên khoa Sản - Nhi trên cả nước, vào thời khắc chuyển giao năm cũ và năm mới, Bệnh viện ...

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.