Nhìn vào tình hình tài chính, không ai có thể đoán được Blink Charging là một trong những cổ phiếu nóng nhất trên thị trường chứng khoán Mỹ. Trong 11 năm hoạt động, Blink chưa bao giờ có lãi ròng trong cả năm, doanh thu gần bằng không, ban lãnh đạo có vấn đề và năm ngoái công ty phải cảnh báo cổ đông về nguy cơ phá sản.
Nhưng nhà đầu tư vẫn vơ vét cổ phiếu Blink, đẩy giá tăng lên 3.000% trong 8 tháng qua. Trong số 2.000 công ty trị giá trên 1 tỷ USD tại thị trường Mỹ, chỉ có 7 cổ phiếu có đà tăng ấn tượng hơn Blink.
Bloomberg lý giải hiện tượng trên: Blink là một công ty năng lượng xanh, sở hữu và vận hành các trạm sạc cung cấp năng lượng cho xe điện. Trong cơn sốt càn quét thị trường chứng khoán, nhà đầu tư tin chắc rằng các doanh nghiệp xanh là khoản đầu tư không thể bỏ lỡ.
Không cổ phiếu nào nắm bắt sự hưng phấn này giỏi hơn Blink. Với vốn hóa 2,2 tỷ USD tính đến 8/2, hệ số EV/R (giá trị doanh nghiệp trên doanh thu) của Blink đã bùng nổ đến 481. Trong khi đó Tesla - con cưng của thế giới xe điện cũng chỉ có hệ số EV/R là 26.
Ông Andrew Left, nhà sáng lập quỹ đầu cơ Citron Research quả quyết: "Tất cả mọi thứ về Blink đều sai lầm. Chẳng qua công ty này chỉ có cái tên dễ thương, hút mắt nhà đầu tư nhỏ lẻ". Blink có nghĩa là lấp lánh.
Citron là một trong số ít quỹ đầu cơ đặt bán khống Blink hồi năm ngoái hòng kiếm lời khi giá chứng khoán sụp đổ. Tỷ lệ cổ phiếu bị bán khống trên số cổ phiếu lưu hành đã giảm từ 40% hồi tháng 12/2020 xuống còn 25%.
Đối với đội bán khống, một trong những dấu hiệu cảnh báo là một số nhân vật chủ chốt tại Blink, bao gồm CEO kiêm Chủ tịch Michael Farkas có liên quan đến các công ty vi phạm quy định chứng khoán nhiều năm trước.
Trong vòng một năm từ tháng 11/2018 đến tháng 11/2019, ba trong số 5 thành viên HĐQT đã rời khỏi Blink. Kể từ 2017, công ty có hai giám đốc tài chính và ba giám đốc vận hành.
Từ trước đến nay, dịch vụ sạc pin cho xe điện luôn luôn thua lỗ. Theo lý thuyết, mô hình kinh doanh của Blink bao gồm bán thiết bị và thu phí người dùng có thể mang lại lợi nhuận ổn định trong bối cảnh các chính phủ ủng hộ xu hướng chuyển sang xe điện. Nhưng chưa công ty nào làm được như vậy.
"Thị trường vẫn còn quá nhỏ và ở trong giai đoạn quá sơ khai. Sẽ phải mất thời gian để các công ty đạt được lợi thế kinh tế nhờ quy mô", nhà phân tích Pavel Molchanov của Raymond James & Associates nhận xét.
Dù xét theo các tiêu chuẩn "bao dung" trong ngành, doanh thu của Blink cũng rất khiêm tốn, ước tính vào khoảng 5,5 triệu USD trong năm 2020. EVgo Services có mạng lưới sạc nhỏ hơn Blink nhưng doanh thu còn lớn lớn hơn gấp đôi. ChargePoint, một công ty còn chưa lên sàn, tạo ra hơn 144 triệu USD trong năm 2020.
Tháng 5/2020, Blink cảnh báo tình hình tài chính "làm dấy lên nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của công ty trong vòng một năm".
Ông Erik Gordon, Giáo sư tại Trường Kinh doanh thuộc Đại học Michigan cho biết: "Tiềm năng của ngành xe điện là có thật. Nhưng giá chứng khoán của các công ty thì không. Bong bóng công nghệ dot-com đã tạo ra một số công ty thực sự thành công, nhưng hầu hết những cổ phiếu công nghệ bị định quá cao đều là các khoản đầu tư tồi".
"Sự bùng nổ của xe điện cũng sẽ trở thành câu chuyện tương tự. Một số công ty tuyệt vời sẽ được sinh ra, nhưng hầu hết nhà đầu tư theo đuổi các công ty định giá trên trời sẽ phải rơi nước mắt".
Tuy nhiên, cơn sốt gần đây đã thổi luồng sinh khí mới vào Blink, giúp công ty huy động 232 triệu USD trong đợt phát hành cổ phiếu hồi tháng 1. Kết phiên 5/2, Blink giảm 2% xuống 52,1 USD/cp. Triển vọng của Blink phụ thuộc vào sự bùng nổ của xe điện.
Hiện tại, Blink cho biết công ty có 6.944 trạm sạc. Bản đồ nội bộ cho thấy Blink có 3.700 trạm sạc trên toàn nước Mỹ. Trong khi đó, ChargePoint tự hào có mạng lưới sạc quốc tế lớn hơn Blink gấp 15 lần.
Ông Nick Nirgo, nhà sáng lập công ty tư vấn Atlas Public Policy cho biết Blink từng dẫn đầu thị trường trong số các công ty cung cấp dịch vụ sạc pin xe điện nhưng đã đánh mất vị thế. Hiện Blink kiểm soát 4% thị phần lĩnh vực trạm sạc công cộng cấp độ 2.