Chủ tịch Hà Nội đã giữ lời hứa về việc cung cấp trích xuất camera buổi tiếp dân nếu công dân có yêu cầu. (Ảnh Ngọc Thắng).
Cụ thể, UBND TP Hà Nội đã ban hành quy định hướng dẫn thực hiện việc trích xuất, cung cấp dữ liệu âm thanh, hình ảnh và việc ghi âm, ghi hình tại trụ sở tiếp dân thành phố.
Theo quy định mới này, mọi công dân đến trụ sở tiếp dân Hà Nội có quyền đề nghị cung cấp dữ liệu âm thanh, hình ảnh của buổi làm việc, nhưng phải có yêu cầu bằng văn bản (theo mẫu sẵn).
Theo đó, công chức Ban Tiếp công dân sẽ phải tiếp nhận văn bản đề nghị và cam kết sử dụng đúng quy định của pháp luật với hình ảnh và âm thanh được cung cấp của công dân; phối hợp với bộ phận kỹ thuật của Trung tâm Tin học - Công báo (Văn phòng UBND thành phố) tiến hành trích xuất dữ liệu âm thanh, hình ảnh của buổi làm việc giữa người tiếp công dân và công dân; chuyển dữ liệu vào thẻ nhớ hoặc hộp thư hoặc thiết bị lưu trữ khác của công dân.
Cán bộ Ban tiếp dân sẽ phải hỗ trợ công dân sao chép hình ảnh, ghi âm buổi tiếp dân nếu người dân yêu cầu. (Ảnh G.H).
Cán bộ tiếp dân cũng sẽ phải cùng công dân kiểm tra lại dữ liệu hình ảnh, âm thanh đã được sao chép, đảm bảo đầy đủ, rõ ràng và không làm lộ bí mật của người tố cáo, tài liệu tố cáo của công dân khác, trước khi cùng công dân ký biên bản bàn giao.
Cán bộ tiếp dân cũng phải “hướng dẫn, trả lời chu đáo, tỉ mỉ đối với đề nghị khác của công dân và lưu trữ văn bản đề nghị, cam kết, biên bản nêu trên, ghi sổ tiếp công dân”.
Đối với đề nghị được quay phim, chụp ảnh, ghi âm buổi làm việc, Hà Nội quy định cán bộ tiếp dân phải đồng ý trong trường hợp “công dân chấp hành đúng các quy định của pháp luật về tiếp công dân và nội quy về việc tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân; đồng thời có cam kết sử dụng đúng quy định của pháp luật đối với hình ảnh, âm thanh ghi được”.
Trước khi quay phim, chụp ảnh, ghi âm, người tiếp công dân cùng công dân thống nhất cách thực hiện, vị trí đặt thiết bị quay phim, chụp ảnh, ghi âm đảm bảo thuận lợi, bao quát cả người tiếp và công dân được tiếp, tránh phản cảm hoặc ảnh hưởng xấu cho chất lượng buổi tiếp. Đặc biệt, không được để việc quay phim, chụp ảnh, ghi âm làm lộ bí mật của người tố cáo, thông tin, tài liệu tố cáo của công dân khác.
Trong quá trình quay phim, chụp ảnh, ghi âm, nếu thấy công dân có hành vi, lời nói phản cảm, làm mất tập trung, mất trật tự tại trụ sở, làm gián đoạn, ảnh hưởng xấu đến buổi tiếp, thời gian tiếp công dân khác (như: dí thiết bị ghi âm, ghi hình vào mặt cán bộ tiếp dân; có lời lẽ thiếu tôn trọng, xúc phạm đến cá nhân, tổ chức, cơ quan nhà nước...; phát livestream hoặc các hình thức phát hình ảnh, âm thanh trực tiếp ra bên ngoài phòng tiếp...) hoặc có khả năng làm lộ bí mật người tố cáo thì người tiếp công dân dừng buổi tiếp để nhắc nhở, chấn chỉnh đảm bảo theo quy định.
Công dân livestream hay truyền hình ảnh, âm thanh ra ngoài sẽ bị từ chối ghi âm, ghi hình. (Ảnh G.H).
Cũng theo quyết định này, người tiếp công dân có quyền không đồng ý việc quay phim, chụp ảnh, ghi âm với trường hợp “Công dân chưa chấp hành đúng khoản 2, điều 7 luật Tiếp công dân và Nội quy về việc tiếp công dân đã được Chủ tịch UBND TP Hà Nội ban hành”.
Với quy định mới này, có thể hiểu rằng Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đã thực hiện lời hứa của mình về việc công dân có quyền yêu cầu trích xuất camera buổi tiếp dân và được ghi âm, ghi hình nếu có đề nghị trước với cán bộ tiếp dân.
Ngay thời điểm tranh luận liên quan đến vấn đề này đang gay gắt, ngày 8.1, trao đổi với báo chí, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã lý giải quy định trên nhằm “chống tình trạng một số người đi theo người nhà đến trụ sở tiếp dân, nhưng lại dùng các thiết bị bí mật ghi âm, ghi hình rồi về cắt xén nội dung buổi tiếp, sau đó đưa lên mạng phục vụ những mục đích khác” và cho rằng “tất cả nội dung ghi âm, ghi hình đều phải được thực hiện một cách công khai minh bạch, sau đó lập biên bản để hai bên thống nhất với nhau về nội dung”; “việc sử dụng sau đó cũng phải được thực hiện một cách công khai, minh bạch”.
Xung quanh vụ quy định ghi hình, ghi âm cán bộ tiếp dân phải xin phép: Bộ Tư pháp 'than' không đủ thẩm quyền xử lý Bao nhiêu địa phương 'cấm' công dân ghi âm, ghi hình? Hà Nội có được 'cấm' công dân ghi âm, ghi hình tại trụ sở tiếp dân?
Với quan điểm trên, người đứng đầu chính quyền thành phố cũng cam kết “người dân có yêu cầu muốn trích xuất lại toàn bộ, chúng tôi sẽ trích xuất đầy đủ, bàn giao và có biên bản cẩn thận”. Trong trường hợp người dân có nhu cầu ghi âm, ghi hình thì trao đổi với cán bộ tiếp công dân, sau đó “hai bên cùng kiểm tra lại nội dung và xác nhận bằng biên bản với nhau để làm tài liệu sử dụng trên cơ sở công khai minh bạch”.
Khoản 2 điều 7 luật Tiếp công dân quy định như sau:
Khi đến nơi tiếp công dân, người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có các nghĩa vụ:
a) Nêu rõ họ tên, địa chỉ hoặc xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy ủy quyền (nếu có);
b) Có thái độ đúng mực, tôn trọng đối với người tiếp công dân;
c) Trình bày trung thực sự việc, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; ký hoặc điểm chỉ xác nhận những nội dung trình bày đã được người tiếp công dân ghi chép lại;
d) Nghiêm chỉnh chấp hành nội quy tiếp công dân và hướng dẫn của người tiếp công dân;
đ) Trường hợp nhiều người cùng khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về một nội dung thì phải cử người đại diện để trình bày nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh;
e) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung khiếu nại, tố cáo của mình.