Con đường từ 'Sơn xay xát' trở thành đại gia Hoành Sơn 'khét' tiếng

Nổi tiếng làm ăn từ nghề xay xát, bán phân bón, đại gia Hà Tĩnh Phạm Hoành Sơn đang dần gây được sự chú ý lớn trong giới đầu tư “chịu chơi” của cả nước khi liên tiếp giành lợi thế ở các thương vụ thâu tóm khủng.

“Sơn xay xát” những năm 90

Đại gia Phạm Hoành Sơn sinh năm 1972, vốn xuất thân trong gia đình không có truyền thống kinh doanh của huyện Đức Thọ tỉnh Hà Tĩnh. Bố làm bộ đội còn mẹ làm giáo viên.

“Sơn xay xát” là biệt danh người ta đặt cho ông từ những năm 90, thời điểm kinh tế gia đình khó khăn mẹ phải bỏ nghề giáo ra ngoài buôn bán kiếm sống. Với số tiền tích cóp được, mẹ ông đã mua một cái máy xay xát.

con duong tu son xay xat tro thanh dai gia hoanh son khet tieng
Chủ tịch Phạm Hoành Sơn sở hữu nhiều giải thưởng

Thế rồi nhiều năm liền, gia đình ông trở thành “trùm” xay xát của cái vùng quê ấy. Và cái tên “Sơn xay xát” cũng bắt đầu từ những ngày đó.

Theo lời của đại gia Hoành Sơn thì bước ngoặt lớn nhất đối với sự nghiệp kinh doanh của ông phải là lúc ông trở thành đại lý chính thức của nhà máy hóa chất phân bón Lâm Thao.

Đại lý phân phối phân bón Hoành Sơn phất lên “như diều gặp gió”, khi chỉ trong thời gian ngắn, chẳng những thị trường khu vực Miền Trung mà cả thị trường Lào đều gần như được phủ kín thương hiệu phân bón Hoành Sơn.

Sự nghiệp kinh doanh thuận buồn xuôi gió, năm 2001 ông cùng mẹ chính thức thành lập Công ty Hoành Sơn. Những năm đầu công ty hoạt động với 10 cán bộ, công nhân và doanh thu mỗi năm vài trăm triệu đồng.

Từ sản phẩm phân bón, công ty đã mở rộng kinh doanh sang các lĩnh vực cung ứng thức ăn gia súc, xi măng, sắt thép…

Qua 10 lần chuyển trụ sở, hiện Công ty cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn (Hoanh Son Group) có địa chỉ tại Phường Đức Thuận , thị xã Hồng Lĩnh , tỉnh Hà Tĩnh.

Sau hơn 15 năm phát triển, công ty này đã nhanh chóng trở thành một tập đoàn kinh doanh đa ngành nghề, nắm trong tay hàng loạt các dự án khủng. Không chỉ khu vực miền Trung mà trong vài ba năm trở lại đây, tên tuổi Hoành Sơn bắt đầu được giới đầu tư cả nước biết đến như là một đại gia “chịu chơi”, với số tiền đầu tư cho mỗi dự án có thể lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Năm 2014 vốn điều lệ tăng lên 2.500 tỷ đồng, doanh thu đạt trên 2.000 tỷ đồng, tăng 40% so với năm 2013, nộp ngân sách đạt trên 110 tỷ đồng, tăng 127% so một năm trước đó. Tổng số cán bộ nhân viên của cả Tập đoàn hiện nay khoảng hơn 2.000 người.

con duong tu son xay xat tro thanh dai gia hoanh son khet tieng PVN mua gần 800.000 tấn than không rõ nguồn gốc cho Nhiệt điện Vũng Áng 1

PVN và các đơn vị trực thuộc mua 800.000 tấn than NK và nội địa trị giá hơn 1.500 tỷ đồng từ Công ty Hoành ...

Những thương vụ “khủng”

Tại Miền Trung, Hoàng Sơn là một cái tên rất nổi tiếng bởi nói đến Hoành Sơn người ta nghĩ ngay đến những công trình gắn liền với Khu kinh tế Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh.

Năm 2011 Công ty cổ phần tập đoàn Hoành Sơn chính thức trở thành chủ đầu tư của dự án xây dựng hệ thống cấp nước cho Khu kinh tế Vũng Áng. Nguyên do là vì trước đó, Công ty cổ phần Kinh doanh nước Hà Tĩnh vốn được chấp thuận làm chủ đầu tư dự án với nguồn vốn xã hội hóa nhưng sau đó, công ty này bị cho là đã chậm trễ trong việc hoàn thiện hồ sơ nên Ban Quản lý khu kinh tế Vũng Áng đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Vũng Áng (Công ty cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn là cổ đông lớn, chiếm tới 92% cổ phần).

Dự án này theo đánh giá của giới chuyên gia trong ngành có nhiều vấn đề thiếu minh bạch vì thế, mới đây Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã chỉ đạo Thanh tra Chính phủ làm rõ việc điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án cung cấp nước cho Khu kinh tế Vũng Áng đội vốn 2.550 tỷ đồng (từ 1.850 tỷ đồng lên 4.400 tỷ đồng) và việc được hỗ trợ từ ngân sách địa phương.

con duong tu son xay xat tro thanh dai gia hoanh son khet tieng
Ông Sơn tại Lễ khởi công Dự án Cảng tổng hợp quốc tế Hoành Sơn

Ngoài ra, Dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước cho Khu kinh tế Vũng Áng cũng bị phát hiện có hiện tượng chỉ định thầu bất thường.

Tháng 10/2015, chủ đầu tư Hoàng Sơn group chính thức khởi công Dự án xây dựng Cảng tổng hợp quốc tế Hoành Sơn. Dự án có quy mô 16ha với tổng mức đầu tư 1.489 tỷ đồng, cùng hệ thống kho bãi và khu dịch vụ hậu cảng với công suất khai thác dự kiến 2.300.000 tấn/năm.

Ở dự án này, Tập đoàn Hoành Sơn không chỉ tham gia với tư cách chủ đầu tư mà cũng chính là tổng thầu dự án.

Cũng trong các năm 2014 - 2015, Tập đoàn Hoành Sơn đã triển khai xây dựng Nhà máy sản xuất phân bón tại KKT Vũng Áng. Dự án có tổng mức đầu tư 1.445 tỷ đồng, trên diện tích 10 ha, với quy mô sản xuất 1.200.000 tấn/năm.

Cũng trong thời gian này, Dự án xây dựng nạo vét khu neo đậu tránh trú bão tàu biển Cửa khẩu Hà Tĩnh do Hoành Sơn group là chủ đầu tư cũng được triển khai với số vốn cũng lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Trong giai đoạn từ 2014-2017, Công ty Hoành Sơn làm ăn nên nổi hơn nhờ nắm được trong tay đơn hàng bán than cho Nhiệt điện Vũng Ánh với khối lượng lên đến gần 800.000 tấn, tương đương với giá hơn 1.500 tỷ đồng.

Điều đáng nói là từ tháng 8/2015, Thủ tướng đã có Chỉ thị yêu cầu các nhà máy điện trên cả nước phải mua than của Tập đoàn Than và Khoáng sản và Tổng công ty Đông Bắc, thế nhưng bằng cách nào đó, doanh nghiệp này vẫn chèo kéo được lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và các đơn vị trực thuộc mua lại than nhập khẩu và nội địa từ Công ty Hoành Sơn.

Năm 2016, doanh nghiệp này càng trở nên nổi tiếng hơn khi mạnh tay rót 460 tỷ đồng để thâu tóm Dự án cảng Phước An là một dự án đầy tham vọng của PVN tại Thị Vải – Cái Mép (Đồng Nai) có tổng mức đầu tư lên tới 19.000 tỷ, tổng diện tích 183ha.

Đây là dự án cảng tổng hợp logistic có quy mô đầu tư rất lớn, chiều dài bến 3 km gồm 6 bến container và 4 bến tổng hợp. Trước đây, PVN nắm cổ phần chi phối 79,58%, Sonadezi nắm 8,3% và các cổ đông khác.

Ngoài ra, trong thời gian trên, doanh nghiệp này cũng triển khai thêm nhiều dự án với vốn đầu tư lớn như: Dự án hồ chứa nước và thủy điện tại phía Tây thành phố Đà Nẵng, Dự án nhà máy sản xuất chế biến kaly tại CHDCND Lào công suất 2 triệu tấn/ năm…

Không những trở thành đại gia “khét tiếng” tại Hà Tĩnh, doanh nhân Phạm Hoành Sơn đang tạo được tên tuổi trên đất Bắc khi liên tiếp thâu tóm được những khu đất “vàng” mà nhiều đại Hà Thành dù thèm muốn nhưng vẫn không được sở hữu.

Năm 2015, Công ty Cao su Sao Vàng ra quyết định di dời Nhà máy về Khu công nghiệp Châu Sơn, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam để lại khu đất vàng tại địa chỉ số 231 Nguyễn Trãi, Hà Nội.

Mặc dù cũng có khá nhiều tên tuổi có “máu mặt” trong giới bất động sản tham gia vào cuộc chiến thâu tóm khu đất vàng nhưng cuối cùng Cao Su Sao Vàng đã chính thức lựa chọn Hoàng Sơn, vì tập đoàn này trả giá cho khu đất vào này cao nhất với 435 tỷ đồng.

Khu đất này có diện tích 6 ha do Nhà nước làm chủ sở hữu. Vì vậy, Cao su Sao vàng không thể bán đứt đoạn cho Hoành Sơn mà phải lách luật dưới hình thức hợp tác kinh doanh, cho ra đời Công ty dự án là CTCP Sao Vàng - Hoành Sơn với vốn điều lệ dự kiến 1.673 tỷ đồng (trong đó, Hoành Sơn sở hữu 74%, Cao Su Sao Vàng 26%).

Khu đất này dự kiến sẽ được xây dựng thành tổ hợp các tòa nhà chung cư, trung tâm thương mai, cửa hàng bán lẻ.

Ngoài ra, trong những năm gần đây, hàng loạt các dự án bất động sản lớn từ Bắc vào Nam gắn liền với tên tuổi của Hoành Sơn cũng được triển khai như: Dự án Tổ hợp thương mại và Nhà ở có quy mô 6,2 ha tại quận Thanh Xuân, Hà Nội; Dự án căn hộ, văn phòng cao cấp tại đường Nguyễn Duy Hưng, Hà Nội.

Tại Bắc Trung Bộ, các dự án như: Dự án Khu đô thị Hoàng Mai – Hoành Sơn tại Nghệ An có quy mô 26,6 ha; Dự án Khu đô thị - thương mại Hoành Sơn tại Khu kinh tế Vũng Áng, Hà Tĩnh; Dự án Trung tâm thương mại - khách sạn Hoành Sơn tại Thành phố Hà Tĩnh; Dự án Khu biệt thự Hoành Sơn tại Thành phố Hà Tĩnh - Tỉnh Hà Tĩnh cũng đang gấp rút được triển khai.

Tại TP.HCM, Công Ty CP Tập Đoàn Hoành Sơn kết hợp cùng Công Ty CP Công Nghiệp Cao Su Miền Nam làm chủ đầu tư Dự án cao ốc văn phòng Hoành Sơn – Casumina nằm tại vị trí khá đắc địa ở Ngã tư Trương Định - Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 3. Dự án này khởi công từ tháng 8 năm 2016.

chọn
Hình ảnh khu phức hợp Đại sứ quán Mỹ sau hơn năm khởi công
Hình ảnh mới nhất về tiến độ khu phức hợp Đại sứ quán Hoa Kỳ sau hơn năm khởi công.