Hình ảnh Huỳnh Giao cắt từ clip bóc giá quần áo ồn ào. |
Bị nổi tiếng?
Không phải Huỳnh Giao cũng như những bạn trẻ xuất hiện trong clip bóc giá quần áo, giày dép hàng hiệu có sở thích khoe giá trị những thứ khoác lên người. Hãy nhớ, các bạn trẻ ấy đang hòa mình trong Sneaker Fest 2018, ngày hội lớn dành cho những tín đồ sneaker, diễn ra gần đây tại TP Hồ Chí Minh). Nhóm bạn trẻ này không tự bóc giá đồ, nếu không có người đề nghị họ làm chuyện ấy. Chẳng khó khăn để tìm được trang cá nhân của cô gái đang nổi tiếng: Trần Huỳnh Giao. Cô viết: “Thiệt là không muốn lên clip gì hết (từ đầu đang đứng với đám bạn, bên media đến xin phỏng vấn và nói đừng lo, che mặt lại nên mới phỏng vấn thôi)! Chứ bản thân biết là nhìn lên thì mình không bằng ai hết á! Có nhiều người khoác trên người cả vài trăm triệu đó!”.
Huỳnh Giao tự cảm thấy mình “chưa bằng ai” song với nhiều người Việt thì giá trị set đồ cô sở hữu trong ngày hội hôm ấy gây choáng: Túi xách 60 triệu đồng, ví 2 triệu đồng, áo khoác 10 triệu đồng, giày 16 triệu đồng. Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam khá thấp, năm 2017 ước 53,5 triệu đồng/năm (tương đương 2.385 USD), cho nên khoác lên người một tài sản trị giá gần gấp đôi thu nhập bình quân đầu người của Huỳnh Giao khiến cô trở thành “cái gai” trong con mắt của nhiều người, là điều chẳng có gì khó hiểu. Vô số bình luận khiếm nhã nhắm đến nhóm bạn trẻ trong clip bóc giá quần áo, Huỳnh Giao và một bạn nam khác khoe chiếc khẩu trang giá 1,4 triệu đồng đi đầu trong “hứng đá”. Đáng tiếc, có không ít bình luận hồ đồ, không chịu xét hoàn cảnh nảy sinh bóc giá, thậm chí còn có những bình luận ác ý mang tính miệt thị cơ thể: “Ăn bám mà còn đem khoe. Tự kiếm tiền mà diện lên mấy chục củ thì người ta mới nể”; “Có nhiều tiền mà sao không đập mặt đi xây lại cho đẹp đi”… Đặc biệt từ clip này đã làm nở rộ trào lưu bóc giá trang phục trên mạng xã hội, với mục đích châm biếm, đả kích nhóm bạn trẻ trong clip ồn ào: “Mình đây dùng kem đánh răng P.., dầu gội R…, tắm sữa L…, toàn thương hiệu nổi tiếng thế giới đấy nhưng mình có thèm khoe đâu. Đấy chưa kể nhiều bạn cứ khoe xe này xe nọ, mình đây ngày đi xe bus, 35 chỗ trị giá hàng tỉ đồng, sáng đi 1 xe trưa đi 1 xe, tài xế thì đổi liên tục, mình cũng đâu thèm khoe. Chưa kể mình còn có mối quan hệ rất thân thiết với các thương hiệu, nổi tiếng của Việt Nam như H.H, G.Đ, Ô.M.C, B.M (những thương hiệu mì tôm)…”.
Một trong những thói hư tật xấu của người Việt được nhiều người nhặt ra: Thói quen chỉ trích, ném đá hội đồng, qua mỗi ồn ào lại càng thấy rõ. Rất nhiều người trách Huỳnh Giao và nhóm bạn trẻ, cớ sao không dành tiền để làm từ thiện? Đến mức, cô viết trên trang cá nhân: “Chẳng lẽ mỗi lần từ thiện phải đi báo cho mọi người biết hay sao? Thật ra gia đình em từ thiện nhiều lắm, vì từ thiện là tại tâm thôi! Mong mọi người hiểu và thông cảm”. Hoàn cảnh của Huỳnh Giao đã mau chóng được khai thác: Cô sinh năm 2001, tại Sa Đéc, Đồng Tháp, hiện đang chuẩn bị đi du học. Huỳnh Giao là một “con nhà giàu” thứ thiệt, vì cô là ái nữ của “vua hải sản miền Tây”. 17 tuổi đã đặt chân đến nhiều quốc gia, sở hữu nhiều món đồ hiệu khủng… Cô “khai”: Những món hàng hiệu mà cô có được là nhờ tiền của bố mẹ cho cộng với tiền cô “nuôi heo” (được mẹ trả lương vì làm thư ký giúp mẹ) và bán hàng online… Cũng có khi cô được thưởng quà vì có thành tích tốt trong học tập... Như vậy, nguồn gốc gia tài hàng hiệu của cô gái này khá minh bạch. Việc con nhà có điều kiện được ăn ngon, mặc đẹp là câu chuyện bình thường xưa nay. Nhưng theo thói thường, nếu gia đình có điều kiện lại thể hiện một phong cách bình dân sẽ dễ dàng được lòng dư luận hơn. Thí dụ phong cách giản dị nhưng thanh lịch của công nương Anh Kate Middleton rất được lòng công chúng trong và ngoài nước. Việc cô cho các con là những hoàng tử, công chúa nhỏ mặc hàng hiệu bình dân, thậm chí mặc lại đồ cũ, để dạy các con về tính tiết kiệm được đặc biệt hoan nghênh. Mặc dù chuyện ăn mặc của công nương Anh có ý nghĩa, mang tính thông điệp cao, song thế giới muôn màu, không phải người có của, có vị trí nào cũng chọn phong cách như vậy. Đừng tròn mắt ngạc nhiên hoặc chỉ trích quá dữ dội khi một nhóm bạn trẻ nào đó có khả năng diện những món đồ mà một công chức chăm chỉ lao động nhiều năm cũng không thể sở hữu. Ở ta, sẽ ngày càng xuất hiện nhiều hơn những “con nhà giàu” bởi trong bảng xếp hạng tỷ phú USD thế giới được Forbes công bố, Việt Nam mỗi năm nhích thêm một bước, hiện nay đã có tới 4 tỷ phú USD được vinh danh. Đừng biến một cô gái trẻ vì cởi mở chia sẻ về giá set đồ khi được hỏi, thành “mục tiêu” bị tấn công, khiến cô phải thốt lên: “Em thề là em bị stress nặng lun á, em sợ ba cái thị phi vậy lắm lun á… Thề là không biết gì luôn, này là người ta tự lại xin phỏng vấn, nên đừng ai sân si nữa, mệt mỏi lắm. Mong được hiểu”.
Vụt thành “thần tượng”
Có một điều lạ, tại sao Trần Huỳnh Giao và nhóm bạn trẻ trong clip bị ném đá không thương tiếc? Trong khi đó trào lưu bóc giá hàng hiệu thực ra bắt nguồn từ showbiz Việt. Nhan nhản những chuyện mỹ nhân khoe xe, khoe nhà, khoe váy áo.. lại nhận được những trầm trồ, ao ước của khán giả. Mà nguồn gốc của nhà cửa, váy áo cũng khó xác minh chính chủ hoặc chủ nhân của chúng liệu có “tậu” chúng chân chính, bằng lao động nghệ thuật? Mới có chuyện, có ngôi sao đến khi vướng scandal, khán giả mới té ngửa, nhà anh ta khoe hóa ra là nhà đi mượn. Những vụ như thế đáng lên án hơn nhiều.
Một bạn trẻ khác trong clip bóc giá quần áo. |
Căn bệnh khoe khoang cũng phổ biến trong xã hội ta, bắt đầu từ người lớn. Có người nói: Cha mẹ Việt kỳ lạ nhất thế giới. Trẻ thì đọ xe đọ nhà, già thì đọ con, lấy bảng điểm, trường học của con làm thước đo thể diện. Cha mẹ còn thế thì chuyện người trẻ khoe giá đồ hiệu cũng lấy gì làm lạ?
Lại nhớ những chia sẻ từng gây ngỡ ngàng trong cộng đồng mạng của một vị khách nước ngoài đã công tác lâu năm tại Việt Nam có tên Steve Jackson về lối sống kỳ lạ của người Hà Nội: “Một thập kỷ sống ở Hà Nội nhưng tôi vẫn chưa thể hiểu cách đồng tiền ở đây đang vận hành. Tôi từ lâu đã biết rằng đồng lương của những người đồng nghiệp Việt Nam chỉ bằng một phần nhỏ so với những đồng nghiệp người nước ngoài như chúng tôi. Vì thế, tôi luôn cố tránh đặt họ vào một tình thế mà họ buộc phải trả những “mức giá quốc tế”. Anh viết tiếp: “Thế nhưng tôi thấy chính những người đồng nghiệp đó khoe ảnh ọt trên Facebook. Họ đi du lịch, ở trong mấy nơi resort mà đến tôi cũng chẳng bao giờ đủ tiền để vào (…) Thậm chí, tôi thấy một bạn thực tập sinh của mình còn đổi đời trở thành một “ngôi sao Instagram suốt ngày đăng ảnh quần áo và có tới 50.000 người theo dõi. Mà, đồ cô ấy mặc toàn là hàng Chanel. Trong một cập nhật gần nhất, cô ấy tỏ vẻ giận dữ và khẳng định rằng những món đồ đắt tiền đó không phải nhờ bố mẹ của cô ấy hay nhờ người yêu mua cho”. Trong một diễn biến khác, Trần Huỳnh Giao có nguy cơ trở thành “ngôi sao”, phong cách sang chảnh của cô bắt đầu được nhiều bạn trẻ ngưỡng mộ. Trong phần bình luận sau mỗi dòng trạng thái ở trang cá nhân của Huỳnh Giao, có bạn trẻ gọi cô là “Idol”. Khỏi cần mệt mỏi tham gia những gameshow ca nhạc mang những cái tên ồn ào “Thần tượng bolero”; “Vietnam Idol”… cũng thành “thần tượng” chỉ sau vài giây bóc giá đồ hiệu. Chia sẻ với TPCN, Huỳnh Giao cho biết: Hiện nay cô đã lấy lại tinh thần, vui vẻ trở lại.
XEM THÊM
'Đây là nhà của bố và con đang ở nhờ mà thôi'
Sự phân định rất rõ ràng giữa trách nhiệm, tình thương, và sự nuông chiều làm cho con người ta không thể tìm thấy nổi ... |
Lời dạy con đừng mua túi đắt tiền mà rỗng của nữ giám đốc gây 'bão'
"Đã có lúc mẹ cũng se sua khi mua túi, vali hàng hiệu đắt đỏ... rồi mẹ nhận ra điều đó chẳng có ý nghĩa ... |
Có nên cho trẻ tiếp xúc với tiền và khuyến khích trẻ làm việc để tạo ra thu nhập?
Các thế hệ trước thường có suy nghĩ nên cho trẻ tránh xa việc tiếp xúc với tiền để giảm nguy cơ… hư hỏng. Nhưng ... |
Bà mẹ khiến ai cũng thán phục vì dạy con tiêu tiền và tôn trọng phái đẹp
Để con tự mời mình đi ăn, tự trả tiền, bà mẹ đã dạy cho con trai nhiều bài học ý nghĩa về lối sống ... |