Theo báo cáo mới nhất Chính phủ gửi tới Quốc hội, trong số 12 dự án thua lỗ ngành Công Thương thì nhà máy đóng tàu Dung Quất có tổng nợ phải trả gần 7.000 tỉ đồng. Trong đó có đề cập chiếc tàu 104.000 tấn của nhà máy này đã hạ thủy, đưa vào hoạt động kinh doanh nhiều năm qua nhưng đến nay vẫn chưa thể quyết toán, hoàn tất thủ tục bàn giao.
Tháng 10/2006, Công ty công nghiệp tàu thủy Dung Quất khởi công đóng mới tàu chở dầu thô có trọng tải 104.000 tấn. Tàu dài 245m, cao 20m và rộng là 43m, được thiết kế theo tiêu chuẩn của Ba Lan và do Công ty đăng kiểm quốc tế ABS (Mỹ) giám sát. Theo kế hoạch ban đầu, chiếc tàu này sẽ hoàn thành trong 2 năm nhưng tiến độ chậm kéo dài.
Ụ tàu số 1 nhà máy đóng tàu Dung Quất gặp sự cố trong cơn bão số 9 năm 2009 khiến nước biển tràn vào gây ngập làm hỏng nhiều thiết bị con tàu 104.000 tấn.
Sau khi bị nước biển nhấn chìm trong bão số 9, thiết bị của tàu 104.000 tấn được trục vớt lên vệ sinh; vận chuyển sang Hàn Quốc để sửa chữa, thay thế với chi phí lớn.
Năm 2010, sau khi Vinashin phá sản, nhà máy đóng tàu Dung Quất được chuyển sang cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tiếp quản. Tuy nhiên tàu 104.000 tấn, sản phẩm của nhà máy đóng tàu Dung Quất đến nay vẫn còn trong tình trạng "vô chủ" gây nhiều tranh cãi giữa Tổng công ty công nghiệp tàu thủy Việt Nam (SBIC) và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Thời điểm tiếp quản, Vinashin chuyển giao cho PVN tàu 104.000 tấn trong tình trạng thi công dở dang theo định giá là 28 triệu USD. Sau đó, Công ty TNHH MTV công nghiệp tàu thủy Dung Quất ký thêm một hợp đồng 504 tỉ đồng (khoảng 25 triệu USD) với chủ đầu tư là Tổng công ty cổ phần Vận tải dầu khí (PV Trans) để hoàn thiện con tàu chở dầu thô này. Tổng giá trị con tàu này khi hoàn thành đã "đội vốn" lên hơn 70 triệu USD.
Toàn cảnh ụ tàu của nhà máy đóng tàu Dung Quất, nơi đóng con tàu chở dầu thô 104.000 tấn. Để hoàn tất quyết toán con tàu 104.000 tấn, Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy yêu cầu PVN phải thanh toán 819 tỉ đồng theo số hạch toán về chi phí dở dang thực hiện con tàu tại nhà máy đóng tàu Dung Quất.
Phía SBIC còn yêu cầu PVN phải thanh toán tiếp 448 tỉ đồng (khoản chi lãi vay được vốn hóa vào vốn đầu tư dự án, phí bản quyền, chi phí thiết kế được chủ đầu tư theo dõi hạch toán nhưng chưa phân bổ trực tiếp vào dự án dở dang). Tuy nhiên PVN chỉ chấp nhận thanh toán 819 tỉ đồng, với lí do tiếp nhận nguyên trạng nhà máy đóng tàu Dung Quất, bao gồm vốn và tài sản hạch toán tại nhà máy, trong đó có con tàu thi công đóng dở dang.
Năm 2011, DQS hạ thủy tàu 104.000 tấn tuy nhiên sau đó phải "nằm bờ" do đối tác yêu cầu bổ sung một số hạng mục thiết bị cho phù hợp với thực tế. Đến năm 2013, chiếc tàu này mới được hoàn thành đưa vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
Hệ thống bơm nước làm mát của tàu 104.000 tấn. Theo lãnh đạo PVN, việc SBIC xác định giá trị chuyển giao con tàu bao gồm chi phí 448 tỉ đồng “là chưa phù hợp với nguyên tắc chuyển giao nguyên trạng và chưa có cơ sở nào về độ tin cậy của thông tin tài chính”.
Trong ảnh là trung tâm điều khiển tàu 104.000 tấn.Trước tình hình này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan khẩn trương tháo gỡ vướng mắc, hoàn thành việc định giá con tàu 104.000 tấn theo quy định và chuyển kết quả định giá cho Kiểm toán Nhà nước để thực hiện kiểm toán.
Liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất, cho biết các khoản nợ ứng trước và cho vay lại của Công ty TNHH MTV Vận tải Viễn Dương Vinashin (từng là chủ đầu tư chiếc tàu 104.000 tấn) với tổng số tiền hơn 1.300 tỉ đồng. Hiện DQS vẫn đang chờ ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ, ngành nhằm thực hiện việc chuyển giao tàu 104.000 tấn để quyết toán công nợ.
Nhà máy đóng tàu Dung Quất (Quảng Ngãi). (Ảnh: Google Maps).