Công bố quy hoạch Khu du lịch Quốc gia Hồ Hòa Bình rộng 52.200 ha

Khu du lịch Quốc gia Hồ Hòa Bình có diện tích quy hoạch 52.200 ha, nằm trên địa bàn TP Hòa Bình và các huyện Đà Bắc, Cao Phong, Tân Lạc và Mai Châu, tỉnh Hòa Bình.

UBND tỉnh Hoà Bình vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến công bố Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia Hồ Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình đến năm 2035.

Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia Hồ Hòa Bình đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 25/3/2021.

Khu du lịch có diện tích quy hoạch 52.200 ha nằm trên địa bàn TP Hòa Bình (các phường Thái Bình, Phương Lâm, Tân Thịnh và một phần xã Hòa Bình) và 4 huyện gồm Đà Bắc (các xã Đồng Ruộng, Yên Hòa, Cao Sơn, Tiền Phong, Vầy Nưa, Hiền Lương và Toàn Sơn); Cao Phong (các xã Bình Thanh và Thung Nai); Tân Lạc (các xã Suối Hoa và Phú Vinh); Mai Châu (các xã Sơn Thủy, Tân Thành và một phần xã Đồng Tân).

Công bố quy hoạch Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình rộng 52.200 ha - Ảnh 1.

Hồ Hòa Bình. (Ảnh: Nguyễn Xuân Thanh).

Đây là khu du lịch cấp quốc gia trọng điểm của vùng trung du miền núi phía Bắc, có sản phẩm du lịch đặc trưng, văn hóa các dân tộc và hệ sinh thái hồ Hòa Bình với các loại hình du lịch đa dạng.

Khu du lịch quốc gia Hồ Hòa Bình là vùng sinh thái, gồm những chức năng chính về hạ tầng kỹ thuật cấp quốc gia, liên vùng (Thủy điện Hòa Bình, hồ Hòa Bình, cấp điện, cấp nước, điều tiết lũ, bảo vệ nguồn nước…) và là vùng trọng điểm phát triển kinh tế du lịch của tỉnh Hòa Bình.

Đề án quy hoạch được chia thành 6 phân khu: Khu vực cửa ngõ gắn với hệ thống cảng Bích Hạ, Ba Cấp; Khu phát triển du lịch tập trung Hiền Lương – Thanh Bình, Vầy Nưa (huyện Đà Bắc); Khu phát triển du lịch sinh thái, tự nhiên hoang dã phía bắc hệ sinh thái hồ Hòa Bình; Phân khu du lịch vịnh Ngòi Hoa – Thung Nai – Suối Hoa (huyện Cao Phong và Tân Lạc); Phân khu dịch vụ du lịch tại xã Phúc Sạn (huyện Mai Châu); Phân khu du lịch thiên nhiên hoang dã sinh thái tự nhiên gắn với khu bảo tồn thiên nhiên Phu Canh (huyện Đà Bắc).

Các khu chức năng được phân kỳ đầu tư thành hai giai đoạn. Giai đoạn 1 sẽ tổ chức lập, phê duyệt quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết; đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ du lịch tại các khu chức năng có không gian đặc trưng.

Giai đoạn 2 từ sau năm 2025 đến 2035 sẽ đầu tư xây dựng hoàn thiện, đưa vào sử dụng các khu chức năng và quản lý phát triển theo quy hoạch xây dựng được phê duyệt.

Nhằm  góp phần khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế khu du lịch, những năm gần đây, tỉnh Hòa Bình đã triển khai nhiều dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất tại khu vực.

Đơn cử là dự án nâng cấp tuyến đường tỉnh 435 đi qua các xã Bình Thanh, Thung Nai (Cao Phong), Suối Hoa (Tân Lạc) có tổng mức đầu tư 756 tỷ đồng, chiều dài 24,8 km, đạt tiêu chuẩn đường cấp III - miền núi; tuyến đường giao thông trục chính của đảo Sung, xã Tiền Phong (Đà Bắc) dài 2,25 km, tổng mức đầu tư 18 tỷ đồng; đầu tư hỗ trợ thực hiện cải tạo sân phục vụ sinh hoạt cộng đồng tại xóm Ké, xã Hiền Lương (Đà Bắc), cải tạo tuyến đường liên xóm Ngòi, đường vào thăm quan động Hoa Tiên, xóm Ngòi, xã Suối Hoa (Tân Lạc), tổng mức đầu tư trên 3 tỷ đồng.

Ngoài ra, địa phương cũng hỗ trợ xây dựng các đội văn nghệ dân tộc, trang thiết bị, đạo cụ, thiết bị cho các điểm du lịch cộng đồng; xây dựng các cột phát sóng ở tất cả các điểm du lịch trên Khu du lịch Hồ Hòa Bình.

Hiện tại, Khu du lịch Hồ Hòa Bình có trên 200 phương tiện tàu thuyền vận chuyển khách du lịch, 107 cơ sở lưu trú (14 khách sạn, 32 nhà nghỉ, 61 nhà nghỉ cộng đồng).

Theo Báo Hòa Bình, Khu du lịch Hồ Hòa Bình có 16 dự án đầu tư dịch vụ, văn hóa, du lịch được cấp phép, hoặc cấp giấy chứng nhận đầu tư, tổng diện tích sử dụng đất khoảng 1.444 ha, tổng nguồn vốn từ nhà đầu tư khoảng 3.303,9 tỷ đồng.

Khu vực này cũng thu hút 11 dự án đầu tư phát triển du lịch, tổng diện tích sử dụng đất khoảng 757 ha, tổng nguồn vốn đầu tư khoảng trên 3.200 tỷ đồng. Các dự án có mục tiêu đầu tư đáp ứng nhu cầu dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, kết hợp trồng rừng, bảo vệ rừng, bảo tồn văn hóa các dân tộc, du lịch tâm linh,...

chọn
Bức tranh công nghiệp Nghệ An sau 10 năm: Từ 'vùng trũng' chuyển mình thành ngôi sao FDI của miền Trung
Từng là vùng trũng trên bản đồ công nghiệp, những năm qua Nghệ An liên tục phá kỷ lục hút vốn ngoại và tiến vào top 10 cả nước. Trong chu kỳ mới của bất động sản, tỉnh này được dự báo là ngôi sao mới dẫn dắt thị trường công nghiệp miền Trung với cuộc chơi dành cho những nhà phát triển chuyên nghiệp như VSIP, WHA Industrial và Hoàng Thịnh Đạt.