Sau khi dùng xong bữa tối, anh Lin Xu mở một chương trình nhỏ trên WeChat trong điện thoại của mình có tên là "Clear Plate", chụp lại những chiếc đĩa trống trơn. Khi các bức hình được đăng tải và được trí tuệ nhân tạo (AI) nhận diện thành công, anh Lin Xu nhận được 157 điểm thưởng.
"Người dùng ứng dụng trên có thể sử dụng điểm tích lũy của mình để đổi quà, chẳng hạn như sách, điện thoại di động và rượu vang đỏ, hoặc các bữa ăn từ thiện dành tặng cho trẻ em ở các vùng nông thôn nghèo khó", anh Lin cho hay.
Chàng trai trẻ người Thượng Hải cho biết anh đã tham gia chương trình này một vài lần để ghi lại cảnh mình "dọn đĩa". Bên cạnh đó, anh cũng gia nhập một nhóm những người có chung mục tiêu chống lại việc lãng phí thực phẩm.
Các phương tiện truyền thông, cơ quan chính phủ, tổ chức xã hội và những người có ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội ở Trung Quốc đều đã và đang tham gia truyền tải trực tuyến những thông điệp phòng chống lãng phí thực phẩm, theo China News.
Ngay cả các công ty thực phẩm và nhà hàng cũng đang rất nỗ lực để ngăn chặn tình trạng lãng phí thực phẩm. Bên cạnh đó, họ cũng thường xuyên nhắc nhở người tiêu dùng về vấn đề này.
Chương trình nhỏ của WeChat "Clear Plate" đã trở nên phổ biến trong giới trẻ Trung Quốc và hiện có gần 1 triệu người dùng. Các chiến dịch tương tự như "thử thách đĩa trống trơn" cũng rất phổ biến ở các trường đại học Trung Quốc.
Ông Liu Jichen, người sáng lập công ty khởi nghiệp đã phát triển chương trình trên cho biết: "Đổi mới công nghệ là một cách hữu ích để giảm lãng phí thực phẩm".
Ông Liu Jichen đã nảy ra ý tưởng dùng công nghệ để giảm thiểu lượng thực phẩm khổng lồ bị lãng phí mỗi ngày khi ông đang dùng bữa tối tại một nhà hàng vào năm 2017.
Nhà hàng này đã thực hiện một chương trình dành tặng những thực khách nào "ăn sạch trơn" món ăn của mình bằng một thẻ ghi nhận, sau khi thực khách thu thập được lượng thẻ nhất định, họ sẽ được tặng một món quà nhỏ.
Ông Liu Jichen cho rằng ý tưởng này hoàn toàn có thể thực hiện trên mạng Internet nên đã nhanh chóng bắt tay thành lập một đội ngũ để xây dựng dự án. Vấn đề nảy sinh là làm thế nào hệ thống AI có thể nhận diện những chiếc đĩa đã trống trơn trong những bức ảnh được đăng tải.
Vì vậy, để hệ thống AI trở nên thông minh hơn, ông Liu Jichen và đội ngũ của mình với sự trợ giúp của hơn 1.000 người khác đã dành khoảng 6 tháng để thu thập hơn 100.000 mẫu trong các nhà ăn và nhà hàng trên khắp Trung Quốc, đồng thời sử dụng dữ liệu này cho AI.
Hiện đã có hàng chục doanh nghiệp và các viện nghiên cứu, nhà hàng đã liên lạc với công ty khởi nghiệp của ông Liu Jichen để hợp tác.
"Chúng tôi hi vọng những nỗ lực của mình có thể bắt đầu một xu hướng mới trong thế hệ trẻ, khuyến khích họ thực hiện đức tính quí trọng thực phẩm và phát triển thói quen tiết kiệm", ông Liu chia sẻ.