Nhiều người dân gần đó bức xúc bởi không phải việc công viên bị sử dụng sai mục đích, bà con không còn nơi đi bộ, tập thể dục, dạo mát mà nó trở thành nơi phát sinh tệ nạn dưới ánh đèn mờ.
Khoảng 18h, chúng tôi dạo quanh một số công viên trên địa bàn phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, đã thấy bày nhiều bàn ghế ra công viên để bán đồ ăn, đồ nhậu, chè, cà phê, sinh tố…
Đến 19h, khi chúng tôi đang đi trên đường D9 (phường Tây Thạnh), một số thanh niên đứng bên đường vẫy tay gọi mời vào quán uống nước.
Dừng xe tấp vào bên đường trước một quán có tên 280 chè Thái Lan (số 75 đường D9, thuộc phường Tây Thạnh), một thanh niên ngoài 20 tuổi chạy đến mời chúng tôi sang bên phía công viên có bàn ghế sẵn để ngồi.
Công viên giữa đường D9 và đường Lưu Chí Hiếu bị chiếm làm quán bán nước. |
Khi chúng tôi nói sợ để xe trên lề đường phía công viên bị lực lượng chức năng xử lý, thanh niên này nói: “Ông anh cứ yên tâm, quán đã bao hết”. Chúng tôi cũng làm theo dù không biết thanh niên này nói thật hay nói như thế để khách yên tâm.
Gọi mỗi người ly chè Thái Lan có giá 20 ngàn đồng/ly, tôi hỏi một nhân viên của quán thì được anh này cho biết: Bán chè ở công viên này không phải trả tiền thuê mặt bằng nhưng phải…. “lo”.
Anh ta bỏ lửng câu nói như vậy và cho biết thêm: “Lúc mới mở bán thì thường bị bắt, tịch thu bàn ghế, vừa bán vừa canh chừng, chạy muốn chết”.
Thấy có người vào ăn chè nên anh ta chạy ra dẫn xe đưa lên lề đường. Theo quan sát của chúng tôi, quán phân công 2 nhân viên ra đường vẫy gọi khách. Khi có khách vào thì nhân viên dẫn xe lên lề, bên trong có nhân viên khác mời khách dùng món.
Ngồi một lúc, để mấy người bạn ngồi ăn chè, tôi và một người bạn đi bộ một vòng trong công viên, gặp hai người phụ nữ đang ngồi nói chuyện trong công viên.
Qua tìm hiểu, được cả hai cho biết là người sống ở khu vực này nên các chị chứng kiến trước đây đã xảy ra đánh nhau vì tranh giành chỗ bán hàng trong công viên này.
Một chị (giấu tên) cho biết: “Công viên là nơi công cộng để người dân chúng tôi đi dạo mà chiếm hết như vậy thì lấy chỗ nào cho chúng tôi đi.
Chỉ còn chỗ này trước đây có người bán nhưng giờ nghỉ rồi nên chúng tôi mới có chỗ ngồi, mà muốn đi bộ thì các quán để bàn ghế kín hết rồi nên đành ngồi đây chút rồi về. Không những vậy mà như anh thấy đấy, rác xả bừa bãi ra công viên, mất vệ sinh công cộng”.
Đi bộ một vòng khu công viên này, chúng tôi thấy các quán nhậu, quán ốc xả rác bừa bãi, một số quán nhậu mở nhạc rất lớn, không những ô nhiễm môi trường mà còn gây ô nhiễm tiếng ồn.
“Ngày nào chúng tôi cũng quét dọn rác ở khu vực này nhưng các hàng quán ở đây vẫn xả rác bừa bãi ra công viên, gặp khi trời mưa, rác làm nghẹt cống không thoát được nước”, một nhân viên làm vệ sinh môi trường bức xúc nói.
Chúng tôi đến khu công viên dọc đường Kênh 19/5 ở gần đấy, khu này ảm đạm ít khách hơn nhưng tất cả các ghế đá ở đây trở thành chiếc bàn cho các cặp tình nhân.
Chủ các quán cà phê để ghế đôi kế bên những chiếc ghế đá trong công viên cho những đôi trai gái ngồi tâm sự.
Khu này ánh sáng bị hạn chế, chủ yếu là đèn đường nên tạo khung cảnh mờ ảo như những quán đèn mờ. Ghế đôi được đặt quay ra hướng Kênh 19/5 nên khi đi đường khó biết các cặp đôi trai gái đang làm gì.
Ông N.N.H. ở trong khu dân cư gần công viên này bức xúc nói: “Cháu thấy đấy, công viên là nơi công cộng để người dân đi bộ hóng mát, mà bị chiếm làm quán nước cho trai gái ngồi ôm nhau, rất phản cảm.
Các ghế đá để chúng tôi ngồi hóng mát hoặc khi đi bộ mỏi chân thì ngồi nghỉ ngơi, giờ họ chiếm luôn. Người dân chúng tôi đã nhiều lần phản ánh đến chính quyền địa phương nhưng các quán kiểu này vẫn thấy tồn tại”.
Sáng ngày hôm sau, chúng tôi tiếp tục đến khu vực công viên này tìm hiểu, ban ngày không thấy các quán bày bàn ghế ra bán, nhưng rác thì tràn ngập, cỏ bị giẫm nát, nhiều chỗ cỏ bị chết.
Dọc công viên phía đường Lưu Chí Hiếu, nhiều xe ôtô để trên lề đường của công viên, không còn chỗ cho người đi bộ.
Những nhân viên đang trồng cỏ ở đây cho biết: “Người dân bày bàn ghế bán hàng làm chết nhiều cỏ nên chúng tôi thường xuyên phải trồng lại cỏ. Không những vậy, nhiều người còn dẫn chó ra công viên phóng uế rất mất vệ sinh”.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết UBND quận Tân Phú giao cho Hội Sinh vật cảnh quận quản lý, chăm sóc, bảo dưỡng công viên gắn với các công việc trồng cây, trồng cỏ, tưới cây, làm vệ sinh công viên.
Anh Văn Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh quận Tân Phú phản ánh: “Chúng tôi thường xuyên vận động người dân không nên bán hàng trong công viên và không xả rác bừa bãi nhưng rác tràn ngập, sáng nào chúng tôi cũng phải đi nhặt rác ở công viên.
Chúng tôi cũng đã đề nghị chính quyền địa phương có biện pháp xử lý để không còn tình trạng buôn bán hàng quán trong công viên, trả lại nơi công cộng cho người dân đi tập thể dục, dạo mát”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Thanh Hoà, Chủ tịch UBND phường Tây Thạnh cho biết:
“Chủ những quán này luôn tìm cách đối phó, canh chừng khi có lực lượng chức năng thì thực hiện tốt, khi vắng lực lượng chức năng thì họ lại chiếm công viên để buôn bán.
Thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường kiểm tra và có biện pháp xử lý nghiêm những trường hợp cố tình chiếm công viên làm nơi bán hàng”.
Khi chúng tôi nói, người dân phản ánh tình trạng công viên trên đường Kênh 19/5 biến thành quán “cà phê đèn mờ”, các ghế đá ở đây bị chủ quán chiếm để ghế đôi cho các đôi trai gái ngồi, thì ông Phan Thanh Hoà khẳng định điều này không có vì khu vực này là đoạn đường trọng điểm nên lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra.
Nhưng khi chúng tôi cho ông Hoà xem những hình ảnh thực tế mà chúng tôi đã ghi được thì ông Chủ tịch nói sẽ chỉ đạo lực lượng chức năng kiểm tra xử lý ngay.
Biến động quyền điều hành, Trung Nguyên có bị đối thủ bỏ xa?
Cuộc ly hôn nghìn tỷ của đế chế Trung Nguyên, quyền điều hành công ty đang biến động, nhưng từ số liệu trên báo cáo ... |
7 quán cà phê an yên 'trốn lễ 2/9' ở Hà Nội
Dịp lễ 2/9 đang tới gần, nếu không có dự định đi du lịch đâu xa, thì đừng quên trốn xô bồ tại 7 quán ... |
Chiều chủ nhật, thả hồn ở bốn quán cà phê trung tâm Sài Gòn
Nhạc nhẹ nhàng, không gian thoải mái, yên tĩnh sẽ giúp bạn chầm chậm nhấm nháp buổi chiều cuối tuần thi vị. |