Ngày 14/11, TP HCM tổ chức Hội thảo công bố, chia sẻ kết quả nghiên cứu, đánh giá dự án sáng kiến vì an toàn giao thông toàn cầu giai đoạn 2015 – 2019.
Theo đó, sau 8 vòng nghiên cứu trong giai đoạn 2015 – 2019 với tổng cộng hơn 927.000 lượt quan sát. Kết quả có khoảng 16% lái xe được kiểm tra có nồng độ cồn trong hơi thở, tỉ lệ lái xe có nồng độ cồn quá ngưỡng cho phép là 11,4%.
Hội thảo công bố, chia sẻ kết quả nghiên cứu, đánh giá dự án sáng kiến vì an toàn giao thông toàn cầu giai đoạn 2015 – 2019. (Ảnh: Ngự Kỳ).
Tiến sỹ Qingfeng Li - Trung tâm nghiên cứu chấn thương quốc tế, Đại học Johns Hopkins (Hoa Kỳ) đánh giá, đây là tỉ lệ rất cao so với các TP khác ở châu Á và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Bởi, chuyên gia này chỉ ra, TP HCM có đến gần 8 triệu phương tiện xe máy và ô tô.
"So với các TP khác như Mumbai, Bangkok, Thượng Hải, thì TP HCM cao hơn nhiều. Trong khi TP HCM có hơn 7 triệu phương tiện xe máy, ôtô, tỉ lệ trên 10% rất đáng lưu tâm", ông Qingfeng Li nói.
Ngoài ra, nghiên cứu cũng cho thấy tỉ lệ lái xe đội mũ bảo hiểm đúng cách chỉ 56%, tỉ lệ người ngồi sau đội mũ bảo hiểm đúng cách chỉ đạt 48%. Trong đó, nữ giới có tỉ lệ đội mũ bảo hiểm đúng cách thấp hơn nam.
Có 64% người đi xe ôtô sử dụng dây an toàn nhưng tỉ lệ sử dụng ghế ngồi cho trẻ em dưới 5 tuổi chỉ đạt 11%. Kết quả còn cho thấy, phụ nữ chú trọng việc đeo dây an toàn hơn đàn ông.
TP HCM thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm. (Ảnh tư liệu)
Về tỉ lệ phương tiện vượt quá tốc độ chỉ là 1,2%. Bởi, mật độ phương tiện quá đông, dẫn đến thường xuyên ùn tắc.
Dự án sáng kiến "Vì an toàn giao thông toàn cầu giai đoạn 2015 – 2019" do Quỹ Bloomberg tài trợ. Mục đích của nghiên cứu nhằm thúc đẩy các hoạt động an toàn giao thông và giảm nhẹ các hành vi nguy cơ TNGT thông qua hoạt động cưỡng chế của CSGT và các chiến dịch truyền thông.
Đồng thời, tăng cường và mở rộng thu thập, phân tích dữ liệu an toàn giao thông, phối hợp liên ngành đa ngành để kiểm soát tai nạn giao thông và các yếu tố nguy cơ TNGT chính tại 10 TP trên thế giới.
Các nghiên cứu tại TP HCM được thực hiện bởi Trung tâm nghiên cứu chấn thương quốc tế, Đại học Johns Hopkins, Hoa Kỳ kết hợp Trung tâm nghiên cứu chính sách và Phòng chống chấn thương, Đại học Y tế cộng đồng.
Theo đó, mỗi năm sẽ có 2 lần thực hiện quan sát ở các địa điểm đại diện cho tình hình giao thông của TP. Mỗi vòng nghiên cứu được thực hiện trong 3 tuần với 5 khung giờ tính từ 7h đến 19h30 ở tất cả các ngày trong tuần.