Cư dân Discovery Complex khổ sở vì nhiều năm không sổ hồng, không hộ khẩu, nay chính sách giảm tiền điện của Chính phủ trong dịch Covid-19 cũng không được hưởng

Sai phạm kéo dài của chủ đầu tư Discovery Complex khiến hàng trăm hộ dân vào ở nhiều năm nhưng vẫn chưa được được cấp sổ hồng, chưa được đăng ký thường trú, nay đến chính sách giảm tiền điện của Chính phủ trong dịch Covid-19 cũng không được hưởng.

Không được hưởng chính sách của Chính phủ

Ngày 29/8, nhiều cư dân chung cư 302 Cầu Giấy (tên thương mại là Discovery Complex) tại phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội đồng loạt treo băng rôn kiến nghị được ký hợp đồng với đơn vị điện lực nhà nước để được hưởng chính sách miễn giảm tiền điện của Chính phủ.

Theo phản ánh của một số cư dân dự án, từ cuối tháng 7, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết đồng ý với đề xuất của Bộ Công Thương về việc hỗ trợ giảm tiền điện tiền điện tháng 8, tháng 9 cho người dân sử dụng điện sinh hoạt ở các địa phương đang phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16.

Tuy nhiên, các căn hộ tại Discovery Complex lại không được hưởng chính sách của Chính phủ. Ngày 23/8, Ban đại diện cư dân chung cư này có văn bản gửi chủ đầu tư (CĐT) là CTCP Đầu tư Thương mại Dịch vụ Cầu Giấy để thắc mắc và đề nghị được giảm tiền điện theo chính sách của Chính phủ.

Dự án Discovery Complex Cầu Giấy: Chưa nghiệm thu PCCC, cư dân không được giảm tiền điện mùa dịch - Ảnh 2.

Nhiều cư dân tại Discovery Complex đồng loạt treo băng rôn sáng nay.( Ảnh: Cư dân cung cấp).

Ngày 24/8, CĐT đã có thông báo gửi Ban Quản lý tòa nhà để đơn vị này truyền đạt lại với cư dân. Tại thông báo này, CTCP Đầu tư Thương mại Dịch vụ Cầu Giấy cho biết, chủ đầu tư không được ngành điện hỗ trợ giảm giá điện theo chủ trương của Chính phủ trong tháng 8 và tháng 9/2021. Thay vào đó, CĐT sẽ tự hỗ trợ giảm tiền điện 10 – 15%, song chỉ áp dụng đối với các căn hộ đã thanh toán phí dịch vụ.

Khi nhận được phản hồi này của chủ đầu tư, nhiều cư dân cho biết họ rất bất ngờ. Trưởng Ban đại diện cư dân cho rằng, việc các cư dân không được hưởng chính sách hỗ trợ của Chính phủ là do lỗi từ phía chủ đầu tư. Cụ thể, chung Discovery Complex đến nay vẫn chưa được nghiệm thu phòng cháy chữa cháy (PCCC), dẫn đến việc cư dân chưa được ký hợp đồng mua điện trực tiếp từ Công ty Điện lực Cầu Giấy.

"Chúng tôi cũng là những người dân sử dụng điện sinh hoạt trong vùng dịch. Vì lỗi của chủ đầu tư mà chúng tôi không được hưởng chính sách giảm tiền điện của Chính phủ. Điều này là rất thiệt thòi với chúng tôi," Trưởng Ban đại diện cư dân nói.

Theo Ban đại diện cư dân, việc chung cư Discovery Complex chưa được nghiệm thu PCCC, theo quy định, điều này chưa đảm bảo an toàn và chủ đầu tư chưa được phép cho cư dân vào ở. Tuy nhiên, từ cuối năm 2017 đến nay, CĐT Discovery Complex đã bàn giao ít nhất 412 căn hộ cho khách hàng.

"Khi chuyển vào ở, chúng tôi không biết dự án chưa được nghiệm thu PCCC. Chính vì lý do này mà chúng tôi vẫn chưa được cấp sổ hồng, chưa được đăng ký thường trú, tạm trú. Con cái chúng tôi vì thế mà cũng không được đi học đúng tuyến. Đến nay chúng tôi lại không đưởng hưởng chính sách hỗ trợ của nhà nước mà đáng ra chúng tôi được hưởng như bao chung cư khác. Tất cả những điều đó khiến chúng tôi có cảm giác như đang bị chủ đầu tư lừa dối," Trưởng Ban đại diện cư dân cho hay.

Một số cư dân Discovery Complex cũng biết thêm, họ còn không hài lòng với một số vấn đề khác, trong đó dự án chưa có khu vui chơi giải trí trong nhà như cam kết trong hợp đồng mua bán căn hộ.

Nói về việc nhiều hộ dân chưa đóng phí dịch vụ và chủ đầu tư không giảm tiền điện cho các hộ này, Ban đại diện cư dân cho biết, điều này là do cách tính phí của chủ đầu tư có dấu hiệu không phù hợp theo quy định của Bộ Xây dựng nên hai bên chưa tìm được tiếng nói chung.

Cụ thể, chủ đầu tư tính mức phí dịch vụ được quy đổi cùng chung đơn giá và diện tích căn hộ, không phân biệt diện tích tim tường hay thông thủy. Tuy nhiên, theo quy định tại Thông tư 02/2016/TT-BXD của Bộ Xây dựng: "Chi phí dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư được tính trên mỗi mét vuông diện tích sử dụng căn hộ hoặc phần diện tích khác trong nhà chung cư (xác định theo diện tích thông thủy)".

"Mặt khác, từ tháng 12/2020 CĐT đã chấm dứt hợp đồng vận hành quản lý tòa nhà chung cư với Công ty CBRE và chuyển sang hình thức tự vận hành quản lý mà không bàn thảo với cư dân. Điều này mang tính áp đặt một chiều; đồng thời cũng không phù hợp theo nội dung Điều 105, Luật Nhà ở quy định về Quản lý vận hành nhà chung cư," đại diện cư dân cho hay.

Dự án Discovery Complex Cầu Giấy: Chưa nghiệm thu PCCC, cư dân không được giảm tiền điện mùa dịch - Ảnh 3.

Nhiều người dân chi hàng tỷ đồng để mua căn hộ tại Discovery Complex nhưng nhiều năm vẫn chưa được cấp sổ hồng. (Ảnh: Cư dân cung cấp).

Công ty Điện lực Cầu Giấy muốn bán điện trực tiếp đến từng hộ dân cũng chưa được

Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ tháng 10/2020 đến tháng 2/2021, Ban đại diện cư dân Discovery Complex đã có các văn bản kiến nghị cơ quan chức năng và CĐT về phí dịch vụ quản lý vận hành và chấn chỉnh hoạt động quản lý vận hành tòa nhà.

Ngày 18/1, UBND phường Dịch Vọng đã tổ chức cuộc họp về công tác quản lý vận hành tòa nhà, phối hợp giải quyết các tồn tại, khó khăn, vướng mắc đối với tòa nhà Discovery Complex.

Tại cuộc họp này, đại diện CĐT cho biết vẫn đang trong quá trình hoàn thành nghiệm thu hệ thống PCCC toàn dự án.

Cụ thể, dự án Discovery Complex có hai tòa tháp là tháp A (tháp văn phòng) và tháp B (tháp căn hộ). Đối với tháp căn hộ, từ tháng 4/2018, công trình này đã thực hiện 5 lần kiểm tra công tác PCCC, lần kiểm tra cuối cùng đã có kết luận là công tác PCCC cơ bản đảm bảo, CĐT đang trình nghiệm thu giai đoạn 1.

Đối với tháp văn phòng, đã thực hiện hai lần kiểm tra công tác PCCC, CĐT đang bố trí lịch tiếp tục kiểm tra để cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn về PCCC cho toàn bộ dự án.

Về việc cung cấp điện, CĐT cho biết các hộ gia đình đang đóng tiền điện theo giá điện sinh hoạt, phía CĐT đã đề xuất để cư dân dự án ký hợp đồng trực tiếp với công ty điện lực nhà nước.

Về phía Công ty Điện lực Cầu Giấy, đơn vị này mong muốn bán lẻ điện đến từng hộ dân dự án, tuy nhiên công ty không được ký hợp đồng cho các dự án chưa nghiệm thu PCCC.

Bên cạnh đó, hợp đồng của Tổng công ty Điện lực với CĐT đã hết thời hạn hơn một năm, song để đảm bảo điện sinh hoạt cho cư dân, công ty điện lực vẫn buộc phải cung cấp điện.

Đại diện cơ quan phòng cháy chữa cháy cho biết, từ năm 2017, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo ngừng cấp điện, nước đối với Discovery Complex khi dự án chưa nghiệm thu PCCC. Đến tháng 5/2018, công an thành phố cũng đã tham mưu xử phạt CĐT về vấn đề này.

Kết luận tại buổi làm việc, UBND phường Dịch Vọng đã yêu cầu CĐT hoàn thành nghiệm thu tháp căn hộ trong quý I/2021. Bên cạnh đó, CĐT phải tiếp tục gia hạn việc cung cấp điện cho các căn hộ.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong văn bản gửi các cơ quan chức năng đề nghị được giảm tiền điện theo Nghị quyết của Chính phủ vào ngày 25/8 vừa qua, CTCP Đầu tư Thương mại Dịch vụ Cầu Giấy cho biết, từ năm 2016 đến nay đã có 500 hộ dân đang sinh sống ổn định tài tòa nhà.

Công ty này đề nghị UBND TP Hà Nội, UBND quận Cầu Giấy và các đơn vị liên quan tạo điều kiện giúp đỡ, giải quyết cho công ty được bàn giao trạm biến áp và hệ thống điện có liên quan cho Công ty Điện lực Cầu Giấy quản lý vận hành để ký hợp đồng bán điện trực tiếp cho các hộ dân trong tòa nhà.

Ban Đại diện cư dân Discovery Complex cho hay, đến thời điểm hiện tại, dự án vẫn chưa hoàn thành nghiệm thu PCCC. Dự án cũng chưa tổ chức hội nghị nhà chung cư và bầu ban quản trị. Về chi phí bảo trì, CĐT cũng chưa bàn giao cho cư dân theo quy định.

Dự án Discovery Complex Cầu Giấy: Chưa nghiệm thu PCCC, cư dân không được giảm tiền điện mùa dịch - Ảnh 4.

Discovery Complex tại 302 Cầu Giấy. (Ảnh: Cư dân cung cấp).

Ông chủ Discovery Complex và loạt dự án "tai tiếng"

Discovery Complex là tổ hợp trung tâm thương mại, văn phòng, căn hộ được xây dựng trên diện tích hơn 10.000 m2; tổng mức đầu tư gần 2.000 tỷ đồng. Dự án được thực hiện từ quý I/2006 – IV/2012.

Về chủ đầu tư dự án, CTCP Đầu tư Thương mại Dịch vụ Cầu Giấy được thành lập vào tháng 11/2005, có trụ sở ngay tại dự án Discovery Complex.

Tại thời điểm ngày 21/6/2021 vừa qua, doanh nghiệp này đã giảm vốn điều lệ từ 600 tỷ đồng xuống còn 181 tỷ đồng. Tổng Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật là bà Trần Minh Hằng. Chủ tịch HĐQT là ông Trần Đức Minh.

CTCP Đầu tư Thương mại Dịch vụ Cầu Giấy được biết đến là doanh nghiệp trực thuộc CTCP Đầu tư Xây dựng Phát triển Thương mại Kinh Đô (Kinh Đô TCI Group), tập đoàn do ông Trần Đức Minh làm chủ tịch HĐQT.

Trên thị trường bất động sản, bản thân Discovery Complex cũng là dự án từng có "tai tiếng". Vào năm 2017, Cục Thuế TP Hà Nội công bố danh sách nợ thuế, phí, tiền thuê đất, trong đó CTCP Đầu tư Thương mại Dịch vụ Cầu Giấy nợ hơn 22 tỷ đồng.

Đến năm 2018, CĐT Discovery Complex đã tự ý thay đổi công năng một phần diện tích đất xây trung tâm thương mại sang đất chung cư. Thanh tra Chính phủ đã tạm tính tiền sử dụng đất nộp bổ sung hơn 400 tỷ đồng.

Tại thời điểm thanh tra, dự án đã xây dựng xong phần thô, đang trong giai đoạn thi công hoàn thiện công trình và bị chậm 4 năm so với tiến độ dự kiến ban đầu.

Đối với Kinh Đô TCI, tập đoàn của ông Trần Đức Minh sở hữu một số bất động khác ở Hà Nội như chung cư Capital Garden (102 Trường Chinh); dự án 8B Lê Trực (quận Ba Đình) hay tòa nhà Kinh Đô Tower (93 Lò Đúc). Giống như Discovery Complex, các cự án này cũng đi kèm với các sai phạm.

Cụ thể, ở dự án Capital Garden, Kinh Đô TCI từng bị người dân phản ánh chậm bàn giao nhà; không có không gian chung để sinh hoạt cộng đồng; chậm hoàn thiện hệ thống PCCC.

Tại dự án Kinh Đô Tower 93 Lò Đúc, Kinh Đô TCI từng bị cư dân phản ánh tự ý biến tầng áp mái có khu vực để trồng cây xanh thành nhà ở thương mại; tự ý xây dựng phòng kỹ thuật trên diện tích chung của tòa nhà; CĐT còn tranh chấp sở hữu tầng hầm để xe với cư dân; xây dựng trái phép 30 tầng và bị Thanh tra Chính kiến nghị tháo dỡ…

Tại tổ hợp trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê, căn hộ chung cư cao cấp và biệt thự liền kề 8B Lê Trực, dự án này cũng có nhiều sai phạm về xây dựng từ năm 2012, sau đó đã phải thực hiện tháo dỡ phần công trình vi phạm về xây dựng.

Cụ thể, theo kết luận của TP Hà Nội vào năm 2015, dự án 8B Lê Trực đã xây vượt giấy phép khoảng 16 m, tương đương 5 tầng nhà; diện tích sàn xây dựng cũng bị tăng thêm 6.000 m2; công trình cũng không xây dựng giật cấp như thiết kế ban đầu mà xây thẳng từ khối đế đến mái nhằm tăng diện tích sàn.

Vào năm 2016, dự án đã phải tháo dỡ phần tum thang và tầng 19. Đến năm 2020, tiếp tục tháo dỡ toàn bộ phần tường xây, vách ngăn, cửa, thiết bị tầng, cắt sàn tầng 18.

Sau khi hoàn thành tháo dỡ giai đoạn 2 vào năm 2020, tòa nhà 8B Lê Trực còn 17 tầng và tum thang, chiều cao đến mặt mái tầng 17 là 58,5 m, so với giấy phép xây dựng vượt chiều cao 5,5 m.

chọn
Đường Nam Định - Lạc Quần - Đường ven biển qua huyện Nam Trực sau 16 tháng thi công
Tuyến đường Nam Định - Lạc Quần - Đường ven biển đang xây dựng qua huyện Nam Trực thuộc địa bàn các xã Nam Cường, Hồng Quang, Nam Hùng, Nam Hoa, Nam Hồng và Nam Thanh.