Nhà F4B của ông Hà (bên trái) xây dựng kề khối với căn nhà bên cạnh kinh doanh khách sạn. (Ảnh: ÁI NHÂN)
Chuyện nghe có vẻ lạ lùng này xảy ra với căn nhà đất số F4B Trường Sơn (P.15, Q.10, TP HCM). Từ năm 2012 đến nay, UBND Q.10 đã hai lần có quyết định cưỡng chế tháo dỡ căn nhà 7 tầng xây không phép của ông Hà. Và cũng từng ấy năm ông Hà mòn mỏi mong nhà mình được... cưỡng chế.
Cụ thể vào năm 2012 và tháng 8/2019, UBND Q.10 lần lượt ban hành các quyết định cưỡng chế tháo dỡ toàn bộ công trình 7 tầng xây không phép của ông Hà, nhưng đến nay vẫn chưa được thực thi.
Mới đây, ông Hà tiếp tục có đơn kêu cứu đề nghị tháo dỡ căn nhà của chính mình.
Đầu năm 2006, ông N.V.H. xây căn nhà liền kề nhà ông Hà. Việc xây dựng này khiến nhà ông Hà bị lún nền, sập tường, không sử dụng được. Cả gia đình ông Hà phải thuê chỗ khác để ở.
Ông H. xin lỗi gia đình và thừa nhận thiệt hại gây ra khiến nhà ông Hà không thể ở được vì thiếu an toàn. Do vậy, ông H. đề nghị thuê lại nhà của ông Hà và xây dựng mới lại hoàn toàn. Hợp đồng thuê nhà là 12 năm, tính từ tháng 4/2006. Theo hợp đồng, ông H. có nghĩa vụ xây lại nhà mới 1 trệt, 3 lầu với toàn bộ chi phí do ông chịu.
Ông H. có nhiệm vụ làm thủ tục xin giấy phép xây nhà và thực hiện đúng quy định pháp luật, hết hợp đồng sẽ bàn giao lại nhà cho ông Hà và không hoàn tiền đã xây dựng.
Vì là chủ nhà, đất nên ông Hà đứng tên trên giấy phép xin xây dựng căn nhà trên. Tuy nhiên, khi chưa được cấp phép, ông H. đã xây dựng nhà với cấu trúc 1 tầng hầm, 1 trệt và 6 lầu, liền khối với căn nhà của ông H. để làm nơi kinh doanh. Việc xây dựng này không đúng với hợp đồng, trái quy định của pháp luật.
Việc xây không phép này đã bị cơ quan chức năng lập biên bản. "Do tôi thuê nhà ở chỗ khác nên không hay biết việc ông H. tự ý xây không phép. Ông H. cũng không trao đổi, bàn bạc hay thông báo cho tôi biết. Khi phát giác ra sự việc, tôi yêu cầu ông H. làm đúng quy định pháp luật thì ông ấy nói cứ để ông ấy lo..." - ông Hà nói.
Đến đầu năm 2012, UBND Q.10 ra quyết định "áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm hành chính và quyết định buộc cưỡng chế thi hành quyết định xử lí vi phạm hành chính". Theo đó, UBND Q.10 ghi nhận người vi phạm và phải khắc phục là ông Hà.
Tháng 8/2019, UBND Q.10 tiếp tục ra các quyết định buộc khắc phục hậu quả và cưỡng chế. Theo đó, tổng diện tích phải tháo dỡ gồm 1 tầng hầm, 1 tầng trệt, các tầng lầu, bao lơn... với tổng diện tích hơn 623m2.
"Tôi hiện là đảng viên 50 năm tuổi Đảng, luôn chấp hành tốt quy định pháp luật, tự nhiên thành người vi phạm xây dựng. Tuy vậy, khi tôi bàn với ông H. việc tháo dỡ công trình vi phạm thì ông ấy không đồng ý, vì đang còn hợp đồng thuê và khai thác căn nhà. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng không quyết liệt tháo dỡ" - ông Hà trần tình.
Ngày 12/12/2018, ông Hà tổ chức tháo dỡ căn nhà F4B. (Ảnh: ÁI NHÂN)
Tháng 4/2018, hợp đồng thuê nhà của ông Hà với ông H. hết hạn. Ông Hà yêu cầu ông H. giao lại nhà để ông Hà tháo dỡ theo quyết định cưỡng chế và bán đất lấy tiền sinh sống. Tuy nhiên, ông H. không hợp tác.
Trong khi chính quyền loay hoay trong việc cưỡng chế, ông Hà tổ chức tự tháo dỡ đến hai lần nhưng không được. Ông Hà kể, tháng 12/2018, ông phải chạy đi các nơi để thực hiện việc tháo dỡ căn nhà như: nhờ thừa phát lại lập vi bằng ghi nhận hiện trạng căn nhà, mua hợp đồng bảo hiểm rủi ro đối với việc tháo dỡ căn nhà và thuê đơn vị tổ chức tháo dỡ.
"Đến ngày lực lượng tháo dỡ tập trung tại căn nhà, lực lượng chức năng quận và phường cho công an đến hiện trường. Họ đề nghị tôi ngừng tháo dỡ để tránh có thể xung đột, mất trật tự an ninh. Việc tháo dỡ, phía quận sẽ xem xét. Thấy vậy, tôi dừng" - ông Hà cho hay.
Sau nhiều tháng chờ đợi, gần đây ông Hà nhờ thừa phát lại lập vi bằng ghi nhận hiện trạng nhà, mua hợp đồng bảo hiểm rủi ro khi tháo dỡ nhà, thuê lực lượng tháo dỡ... Đồng thời, ông tiếp tục gửi đơn đề nghị tháo dỡ đến UBND Q.10 cùng toàn bộ hồ sơ là các hợp đồng mà ông đã thực hiện để chuẩn bị tháo dỡ.
"Tôi đề nghị địa phương hỗ trợ lực lượng giữ trật tự, chứng kiến để tôi tổ chức tháo dỡ nhà mình nhưng không được. Phía quận tiếp tục mời tôi họp và hứa sẽ giải quyết" - ông Hà nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đặng Hoàng Phương, trưởng Phòng quản lí đô thị Q.10, cho hay hiện nay đơn vị này đã tổ chức họp với các phòng, ban chuyên môn để tham mưu lại cho UBND quận chỉ đạo thực hiện cưỡng chế.
Theo ông Phương, ông Hà có thể tự tháo dỡ nhà vi phạm, chứ không phải yêu cầu chính quyền tháo dỡ. Tuy nhiên, giữa ông Hà và ông H. có hợp đồng thuê nhà, dù đã hết thời gian nhưng ông H. chưa trả nhà.
Đồng thời theo hợp đồng và hồ sơ thể hiện, ông Hà đứng tên nhà và đất, nhưng việc xây dựng do ông H. bỏ tiền ra và tổ chức xây dựng. Việc ông H. bỏ tiền và tổ chức xây dựng cũng được ông Hà xác nhận mới đây tại cuộc làm việc với Phòng quản lí đô thị quận. Các quyết định buộc khắc phục và cưỡng chế từ trước đến nay đều ghi nhận và giao cho ông Hà thực hiện.
Vì vậy, UBND quận chỉ đạo phòng tư pháp phối hợp nghiên cứu, kiểm tra, rà soát lại đối tượng thực hiện của quyết định cưỡng chế để trình tham mưu cho quận lần nữa. Bởi nếu không xác định đúng đối tượng mà cưỡng chế, không khéo sẽ vướng vào việc xâm hại tài sản của người khác. Tinh thần là quận chỉ đạo quyết liệt giải quyết nhanh vụ việc.
Ông Hà cho biết hoàn cảnh ông hiện gặp rất nhiều khó khăn. Bản thân ông đang phải có nghĩa vụ trong việc chia tài sản chung theo một bản án có hiệu lực của tòa từ năm 2016. Trong đó, căn nhà trên là một trong số tài sản phải bán để phân chia.
"Tôi mong chính quyền quyết liệt cưỡng chế ngay. Tôi sẽ bán đất để thi hành theo bản án, phần còn lại để sinh sống, thuốc men đến cuối đời. Một thời gian dài, chính quyền kéo dài việc cưỡng chế tháo dỡ đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của gia đình chúng tôi..." - ông Hà chia sẻ.