Cử tri kiến nghị xóa quy hoạch 'treo', xử lí ô nhiễm, xây dựng sai phép

Kì họp thứ 17 HĐND TP HCM khóa IX dự kiến diễn ra trong 3 ngày (7, 8 và 9/12). Trước thềm kì họp, cử tri TPHCM nêu nhiều ý kiến, kiến nghị về các vấn đề liên quan mật thiết đời sống người dân như: quy hoạch “treo”; xây dựng sai phép, không phép; đường sá xuống cấp; thu gom rác thải... Cử tri cũng đề nghị TP HCM có giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước, PCCC…
sggpxlhn_znju

Quy hoạch "treo" tiếp tục diễn ra ở nhiều quận huyện

Phải nói rõ đúng - sai trong quy hoạch

Quy hoạch “treo” là vấn đề không mới, song vẫn luôn “nóng”, bởi tiếp tục diễn ra ở nhiều quận huyện và được nhiều cử tri quan tâm. Cử tri Trương Thị Bé Tám (quận Thủ Đức) phản ánh, đất quy hoạch tại khu phố 2 (phường Linh Trung) từ năm 1998 đến nay vẫn “treo”. Cử tri yêu cầu cơ quan chức năng công khai các thông tin về công tác quy hoạch lâu nay và xóa quy hoạch để người dân sinh sống bình thường. 

Cử tri Lê Văn Mùa (quận 12) nêu tình trạng tại khu bờ kè Tham Lương, việc quy hoạch thu hồi đất đã lâu nhưng dự án chưa thực hiện, khiến nơi đây trở thành điểm tập trung nhiều rác gây ô nhiễm môi trường. Cử tri Huỳnh Văn Sự (quận 12) cũng phản ánh người dân phải chịu hậu quả liên quan từ việc quy hoạch kéo dài tại cụm Khu công nghiệp Quang Trung. Về tình trạng quy hoạch 150ha cây xanh tại phường Thạnh Xuân đến nay đã “treo” 22 năm, cử tri Nguyễn Thị Lệ (quận 12) yêu cầu xóa, điều chỉnh quy hoạch để người dân được an tâm sinh sống.

Tại huyện Củ Chi, cử tri cũng phản ánh về vấn đề quy hoạch kéo dài (như khu Phú Mỹ Hưng). Cử tri Đỗ Ngọc Trí (huyện Củ Chi) yêu cầu phải có biện pháp giám sát và công khai cho người dân được biết cái gì đúng, cái gì sai trong thực hiện quy hoạch. Tại huyện Bình Chánh, cử tri Trần Bông (xã Phạm Văn Hai) nêu tình trạng đất Nông trường An Hạ (cũ) đã bị bỏ hoang từ năm 1997 đến nay và đề nghị thành phố chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền xem xét để tránh lãng phí. Trong khi đó, quy hoạch dự án Khu E, Khu công nghiệp Lê Minh Xuân 2 thuộc ấp 6 xã Lê Minh Xuân đã lâu nhưng vẫn không thực hiện, cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư, làm ảnh hưởng đến cuộc sống người dân trong khu vực vì không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; không được sửa chữa, xây dựng nhà... 

Cử tri Phan Trí Thuẩn (xã An Phú Tây) yêu cầu thành phố quan tâm hỗ trợ chính sách cho hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án Khu E, Khu công nghiệp Lê Minh Xuân 2 và trả lời cho người dân được biết tiến độ thực hiện của dự án.

Liên quan đến tình trạng xây dựng trái phép, cử tri quận Bình Thạnh phản ánh Công ty Phát triển nhà Phú Nhuận xây dựng sai quy hoạch, lấn chiếm hành lang thoát hiểm, làm ảnh hưởng đến hệ thống cấp thoát nước của người dân và kiến nghị Sở Xây dựng sớm giải quyết. Cử tri cũng cho rằng tình trạng xây dựng sai phép, không phép xảy ra ở nhiều nơi, cần xử nghiêm những người liên quan, nhất là những người đứng đầu địa phương để ngăn chặn tình trạng này.

Lo ngại sự cố nghiêm trọng

Cử tri tại các quận huyện cũng than phiền nhiều về tình trạng đường sá xuống cấp, nhiều dự án xây cầu, làm đường trễ nải và người dân rơi vào cảnh mù mờ thông tin về tiến độ thực hiện. Cử tri quận Bình Tân cho hay, đường Võ Văn Kiệt thường xuyên bị đào bới gây cản trở giao thông. Cử tri cho rằng, nếu các đơn vị sửa chữa đường sá thì cần có thời gian cụ thể, hợp với giờ giấc sinh hoạt, đi lại của người dân. Cử tri huyện Củ Chi không hài lòng về con đường 675 đã bị hư hỏng, trời nắng thì bụi còn trời mưa thì lầy lội. Cử tri đã nêu tình trạng này nhiều lần từ năm 2016 đến nay, nhưng vẫn chưa được giải quyết.

Quận Gò Vấp, huyện Bình Chánh cũng có nhiều con đường thường xuyên bị kẹt xe và xảy ra tai nạn nghiêm trọng, trở thành điểm đen về tai nạn giao thông. Trước tình trạng thiếu thông tin về các dự án, hai cử tri Tạ Thị Hoa và Nguyễn Thị Ngọc Thu (huyện Bình Chánh) đặt câu hỏi: “Dự án mở đường Võ Văn Vân, làm đường vào Khu công nghiệp Lê Minh Xuân 3 có triển khai thực hiện không?” Cử tri đề nghị thành phố cần thông tin về các dự án trên để người dân được biết. Cử tri quận 8 yêu cầu thành phố thông tin rõ và đẩy nhanh tiến độ xây dựng cầu Rạch Cát. Cử tri huyện Cần Giờ đề nghị thành phố nêu rõ thời gian xây dựng cầu Bình Khánh; tính khả thi trong xây dựng phà Cần Giờ - Vũng Tàu cùng thời gian thực hiện.

Lo ngại về các sự cố nghiêm trọng mang tính thảm họa, cử tri Trần Tương Lai (quận 11) cho rằng, cần xem xét lại việc cổ phần hóa cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho người dân, bởi việc này có liên quan đến an ninh nguồn nước và đời sống người dân. Nếu xảy ra việc cạnh tranh không lành mạnh giữa các nhà đầu tư thì có thể làm ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt như từng xảy ra tại Hà Nội. Từ vụ cháy dẫn tới phát tán thủy ngân ở Hà Nội gây ảnh hưởng môi trường sống của người dân, cử tri quận 11 đề nghị TPHCM chú trọng công tác PCCC, có biện pháp phòng ngừa các sự cố tương tự xảy ra.

Đồng loạt cử tri các quận 2, 3, 11, Tân Bình đề nghị UBND TPHCM cần quyết liệt trong việc giải quyết đền bù thỏa đáng cho các hộ dân tại Thủ Thiêm (quận 2). Cũng liên quan đến công tác đền bù trong thực hiện các dự án, cử tri quận Thủ Đức phản ánh giá bồi thường Dự án vành đai 2 thấp và đề nghị thẩm định lại giá đất. Cử tri huyện Bình Chánh cho rằng dự án Sing Việt đền bù mức giá không thỏa đáng, áp dụng quy định cũ để bồi thường cho người dân là không phù hợp thực tế

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.