Mới đây, báo chí nước ngoài đưa tin Việt Nam lần đầu tiên nhập khẩu gạo từ Ấn Độ do nguồn cung giảm.
Tuy nhiên, trao đổi với người viết về đề này ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) khẳng định Việt Nam không thiếu gạo.
Ông Cường dẫn chứng sản lượng thóc của Việt Nam năm 2020 xấp xỉ 43 triệu tấn. Lượng gạo xuất khẩu trong năm qua là hơn 6 triệu tấn.
"Tôi khẳng định không thiếu gạo. Trong khi đó, các công ty nhập khẩu chỉ 70.000 tấn, quá nhỏ so với sản lượng của cả nước, đây chỉ là chiến lược kinh doanh của của một số doanh nghiệp", ông Cường nói.
Theo đó, đại diện Cục Trồng trọt cho biết loại gạo Việt Nam nhập khẩu từ Ấn Độ là 100% tấm. Trong khi đó, người Việt Nam không bao giờ dùng loại gạo này để nấu cơm vì chất lượng thấp.
Dưới góc độ là một doanh nghiệp hoạt động lâu năm trong lĩnh vực xuất nhập khẩu gạo, ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho biết gạo 100% tấm của Ấn Độ chất lượng rất thấp và thường dùng cho các mục địch khác.
"Khách hàng nước ngoài có thể đặt Việt Nam gạo 100% tấm nhưng thời điểm này rất khan hàng. Do đó, không loại trừ khả năng doanh nghiệp nhập gạo 100% tấn từ Ấn Độ sau đó xuất khẩu sang nước khác.
Ngoài ra, loại gạo này có thể dùng để chế biến thức ăn chăn nuôi, nấu bia hoặc sản xuất bún, phở", ông Bình nói.
Trước đó, Bangkok Post dẫn nguồn tin từ Reuters cho biết: Việt Nam, nhà xuất khẩu gạo lớn thứ ba thế giới, đã bắt đầu mua gạo từ đối thủ Ấn Độ lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ.
Ông BV Krishna Rao, Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo của Ấn Độ, nói với Reuters vào ngày 4/1: "Đây là lần đầu tiên chúng tôi xuất khẩu sang Việt Nam. Giá gạo của Ấn Độ rất hấp dẫn. Sự khác biệt lớn về giá đang khiến việc xuất khẩu trở nên khả thi".
Theo Reuters, gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán khoảng 500 - 505 USD/tấn, cao hơn đáng kể so với giá của Ấn Độ là 381 - 387 USD/tấn.
Tuy nhiên, đại diện Cục Trồng trọt cho biết gạo có giá khoảng 300 USD/tấn của Ấn Độ là loại gạo 100% tấm.