Việt Nam lần đầu tiên mua gạo của Ấn Độ

Nguồn cung hạn chế đã khiến Việt Nam phải nhập khẩu gạo Ấn Độ. Đây là lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ qua Việt Nam phải nhập khẩu gạo từ quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới.

Bangkok Post cho biết Việt Nam, nhà xuất khẩu gạo lớn thứ ba thế giới, đã bắt đầu mua gạo từ đối thủ Ấn Độ lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ sau khi giá gạo nội địa tăng cao nhất trong 9 năm do nguồn cung trong nước hạn chế, bốn quan chức trong ngành đã chia sẻ với Reuters.

Việc mua bán này cho thấy nguồn cung đang thắt chặt ở châu Á, có thể nâng giá gạo vào năm 2021 và thậm chí buộc những người mua gạo truyền thống từ Thái Lan và Việt Nam chuyển sang Ấn Độ, nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới.

Các thương nhân Ấn Độ đã ký hợp đồng xuất khẩu 70.000 tấn gạo 100% tấm cho các lô hàng tháng 1 và tháng 2 với giá khoảng 310 USD/tấn theo phương thức giao hàng FOB,  giới chức ngành lương thực cho biết.

Ông BV Krishna Rao, Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo, hôm thứ Hai (4/1) cho biết: “Lần đầu tiên chúng tôi xuất khẩu sang Việt Nam. Giá của Ấn Độ rất hấp dẫn. Sự khác biệt lớn về giá đang khiến việc xuất khẩu trở nên khả thi".

Gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán khoảng 500- 505 USD/tấn, cao hơn đáng kể so với giá của Ấn Độ là 381- 387 USD.

Một thương nhân kinh doanh gạo có trụ sở tại TP HCM cho biết: "Gạo nhập khẩu từ Ấn Độ chủ yếu được sử dụng để sản xuất thức ăn chăn nuôi và cho các nhà máy bia".

Nguồn cung giảm và việc Philippines tiếp tục mua đã nâng giá gạo xuất khẩu của Việt Nam lên mức cao nhất trong 9 năm.

Số liệu sơ bộ từ Tổng cục Thống kê cho biết tổng sản lượng lúa của Việt Nam năm 2020 giảm 1,85% xuống 42,69 triệu tấn, tương đương khoảng 21,35 triệu tấn gạo. Xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2020 được dự báo sẽ giảm 3,5% xuống còn 6,15 triệu tấn.

Ông Nitin Gupta, Phó chủ tịch kinh doanh gạo của Olam Ấn Độ, cho biết nhu cầu mạnh mẽ từ các nước châu Á và châu Phi cũng đã làm tăng giá gạo Ấn Độ nhưng họ vẫn rất cạnh tranh do nguồn cung dồi dào. Theo ông Gupta Việt Nam có thể mua nhiều hơn miễn là vẫn còn chênh lệch giá.

Trước đó, hồi tháng 12/2020, nhà nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới Trung Quốc bắt đầu mua gạo Ấn Độ lần đầu tiên sau ít nhất ba thập kỷ do nguồn cung từ Thái Lan, Myanmar và Việt Nam bị thắt chặt.

Năm 2020, Ấn Độ đã xuất khẩu kỷ lục 14 triệu tấn gạo, dữ liệu tạm thời từ Bộ Thương mại cho biết.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.