Bị cáo Đinh La Thăng có thể phải ngồi tù 30 năm
Chiều 29/3, sau 11 ngày xét xử và nghị án, TAND TP Hà Nội đã tuyên án đối với bị cáo Đinh La Thăng - nguyên Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dầu khí Việt Nam – PVN cùng 6 đồng phạm trong vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” liên quan đến việc góp vốn 800 tỷ đồng của PVN vào Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương (Oceanbank).
Hội đồng xét xử tuyên án đối với bị cáo Đinh La Thăng và đồng phạm, chiều 29/3. (Ảnh chụp màn hình)
Theo đó, bị cáo Đinh La Thăng bị tuyên phạt 18 năm tù giam về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; chịu trách nhiệm bồi thường 600 tỉ đồng.
Trước đó, tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô tài sản xảy ra tại PVN và Tổng Công ty cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), ông Đinh La Thăng bị tuyên phạt 13 năm tù giam về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Ngoài mức án trên, cựu Chủ tịch HĐQT PVN phải bồi thường 30 tỷ đồng.
Như vậy, cùng 1 tội danh Cố ý làm trái trong 2 vụ án, bị cáo Đinh La Thăng bị tuyên phạt 2 mức án khác nhau. Vậy tổng hợp mức án đối với bị cáo Thăng là bao nhiêu năm tù?
Trao đổi với phóng viên VOV.VN, luật sư Nguyễn Doãn Hùng, Giám đốc công ty luật HTC Việt Nam cho biết, căn cứ vào Điểm a Khoản 1, Điều 55 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về quyết định hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội như sau: “Khi xét xử cùng 1 lần một người phạm nhiều tội, Tòa án quyết định hình phạt đối với từng tội và tổng hợp hình phạt theo quy định sau đây:
1. Đối với hình phạt chính:
a) Nếu các hình phạt đã tuyên cùng là cải tạo không giam giữ hoặc cùng là tù có thời hạn, thì các hình phạt đó được cộng lại thành hình phạt chung; hình phạt chung không được vượt quá 3 năm đối với hình phạt cải tạo không giam giữ, 30 năm đối với hình phạt tù có thời hạn;”
Khoản 1, Điều 56 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về tổng hợp hình phạt của nhiều bản án: “Trong trường hợp một người đang phải chấp hành một bản án mà lại bị xét xử về tội đã phạm trước khi có bản án này, thì Tòa án quyết định hình phạt đối với tội đang bị xét xử, sau đó quyết định hình phạt chung theo quy định tại Điều 55 của Bộ luật này. Thời gian đã chấp hành hình phạt của bản án trước được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt chung".
Bị cáo Đinh La Thăng tại phiên xử. (Ảnh: TTXVN)
Theo luật sư Hùng, trong trường hợp một người phải chấp hành nhiều bản án đã có hiệu lực pháp luật mà các hình phạt của các bản án chưa được tổng hợp, thì Chánh án Tòa án có thẩm quyền ra quyết định tổng hợp hình phạt của các bản án.
“Như vậy, trong trường hợp các bản án được tổng hợp, ông Thăng có thể phải ngồi tù 30 năm” – luật sư Nguyễn Doãn Hùng cho biết.
Phải chấp hành 1/3 thời hạn phạt tù thì mới được giảm án
Trả lời câu hỏi “Chấp hành án phạt tù trong bao lâu thì bị cáo Đinh La Thăng được xem xét giảm án?”, luật sư Nguyễn Doãn Hùng cho biết, theo Thông tư liên tịch 02/2013/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC Hướng dẫn thi hành các quy định về giảm thời hạn chấp hành án phạt tù đối với phạm nhân. Căn cứ khoản 1 Điều 6 của Thông tư: “1. Phạm nhân có đủ các điều kiện sau đây thì được đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù:
a) Đã chấp hành được ít nhất 1/3 thời hạn đối với hình phạt tù từ 30 năm trở xuống hoặc 12 năm đối với tù chung thân;
b) Có nhiều tiến bộ thể hiện ở việc chấp hành tốt Nội quy trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ; tích cực học tập, lao động cải tạo và phải có đủ kỳ xếp loại chấp hành án phạt tù từ khá trở lên, cụ thể như sau: […]
- Phạm nhân bị phạt tù trên 20 năm đến 30 năm phải có ít nhất 3 năm 6 tháng liên tục liền kề thời điểm xét giảm được xếp loại từ khá trở lên; [ …]”
Căn cứ Khoản Điều 7 Thông tư: Mức giảm thời hạn chấp hành án phạt tù: “2. Phạm nhân bị phạt tù từ 30 năm trở xuống, mỗi lần có thể được giảm từ 1 tháng đến 3 năm. Trường hợp được giảm 3 năm phải là những phạm nhân chấp hành nghiêm chỉnh Nội quy trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ và lập công hoặc có thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động, học tập cải tạo”.
Như vậy, để được xem xét giảm việc chấp hành án lần đầu, ông Đinh La Thăng phải chấp hành 1/3 thời hạn phạt tù (10 năm), có nhiều tiến bộ và đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự.
Liên quan đến trách nhiệm dân sự, luật sư Nguyễn Minh Long – Công ty Luật TNHH Dragoncho rằng,cựu Chủ tịch HĐQT PVN phải bồi thường tổng số tiền 630 tỷ đồng trong 2 vụ án trên.
Pháp luật hiện hành không quy định mức tối thiểu nghĩa vụ dân sự phải thực hiện để được giảm án, việc xem xét giảm án phụ thuộc vào cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền hoặc Tòa án.
Tuy nhiên, trong trường hợp ông Đinh La Thăng chấp hành xong nghĩa vụ bồi thường dân sự thì ông Thăng được xem xét tha tù trước thời hạn theo quy định tại khoản 1, 2, 3 Điều 66 Bộ luật hình sự 2015.
Người chồng đâm vợ tử vong trước cổng bệnh viện nghiện ma túy, từng bị xử phạt án tù
Khi chị N. đưa con đến Bệnh viện đa khoa Hương Khê (Hà Tĩnh) để khám, cắt amidan, Nguyễn Nam Hải đã theo sau rồi ... |
Pháp luật 23:35 | 06/05/2018
Pháp luật 12:58 | 16/04/2018
Pháp luật 04:43 | 11/04/2018
Pháp luật 15:50 | 06/04/2018
Pháp luật 09:31 | 02/04/2018
Pháp luật 07:20 | 02/04/2018
Pháp luật 05:13 | 02/04/2018
Pháp luật 00:14 | 30/03/2018